Đã được dự báo trước
Theo VnExpress, Cục Thống kê TP.HCM mới đây công bố GRDP TP.HCM quý I chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, tăng trưởng của TP.HCM thấp nhất và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Trong quý I, khu vực công nghiệp, dịch vụ của TP.HCM giảm 3,6%, đóng góp 20,2% vào cơ cấu GDRP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận tồn kho tăng còn tiêu thụ và lao động giảm.
Ngoại thương tiếp tục gặp khó, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ 2022. Môi trường kinh doanh còn bất lợi khi cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút lui (tỷ lệ này của năm 2022 là 50%).
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ước chỉ 952 tỷ đồng, đạt 2,2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng.
Dù vậy, GRDP vẫn tăng trưởng dương nhờ vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp đi lên. Dịch vụ chiếm 66,1% cơ cấu kinh tế, tăng 2,07%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ nhưng mức tăng rất chậm và có xu hướng giảm.
Tiêu dùng đang chịu áp lực giảm tốc một phần do lạm phát tại TP.HCM tiếp tục tăng và cao hơn tốc độ cả nước. Bình quân 3 tháng đầu năm, CPI tăng 4,5% so với cùng kỳ và cao hơn cả nước 0,32 điểm phần trăm.
Ngoài lực đỡ của dịch vụ, tín hiệu tích cực từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng. Thành phố ghi nhận 216 dự án FDI cấp mới, tăng 70% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 133 triệu USD, tăng 30%.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, trong quý này, bên cạnh những thách thức toàn cầu về đứt gãy chuỗi cung ứng xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu do chính sách tiền tệ của Mỹ và giá dầu tăng, trong tháng 3/2023 phát sinh sự kiện sự sụp đổ liên tiếp các ngân hàng lớn của Mỹ.
Mặt khác, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu thời gian qua cũng tạo ra khó khăn chung cho cả nước. Các thành phố lớn trên cả nước cũng sẽ có mức tăng trưởng thấp chứ không riêng gì TP.HCM.
TS Lê Hoàng Anh - Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ ngân hàng - cho biết theo một số nghiên cứu của viện này trên quy mô cả nước, tăng trưởng quý I/2023 của cả nước sẽ không được cao như các quý do tác động của nhiều yếu tố.
Ông Hoàng Anh nhận định mức tăng trưởng GRDP 0,70% của TP.HCM không bất ngờ, nhưng tăng trưởng ở con số rất thấp như vậy sẽ khá "nguy hiểm" cho mục tiêu tăng trưởng cả năm của TP là 7,5% - thông tin trên Báo Tuổi trẻ.
Cần mức tăng trưởng vượt bậc để kéo theo cả năm
Lý giải về mức tăng trưởng thấp của TP.HCM, chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không riêng gì địa phương này, mà GDP cả nước trong quý I cũng chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ. Đặc biệt, TP.HCM với sức nặng của mình cũng không nằm ngoái khó khăn chung của nền kinh tế.
Trước đó, khi đại dịch ập đến, TP.HCM là nơi chịu tác động nặng nề nhất. Đến nay, ông nhìn nhận dư âm của đại dịch đâu đó vẫn còn ảnh hưởng.
Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của TP.HCM là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính. Thậm chí vụ đại án liên quan đến Vạn Thịnh Phát cũng phần nào ảnh hưởng đến kinh tế thành phố.
Theo TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường đại học Kinh tế - Luật TP HCM, kết quả tăng trưởng quý I của TP.HCM đã được dự liệu từ trước nên không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, kết quả này khiến áp lực tăng trưởng dồn lên quý II và quý III.
Theo dự báo, triển vọng tăng trưởng quý II chưa sáng, như vậy áp lực sẽ dồn lên quý 3. Do vậy, TP.HCM phải chuẩn bị các kịch bản, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các quý sau.
TS Phạm Thị Thanh Xuân góp ý nên tập trung hỗ trợ cho lực lượng lao động để làm động lực tăng trưởng. Trong đó, ngoài việc giữ ổn định việc làm, việc thực hiện các công việc liên quan đến ổn định lực lượng lao động như tạo dựng nhà ở, chính sách hỗ trợ giảm giờ làm việc, giảm chi phí môi giới việc làm... cần được đẩy mạnh.
Về nguồn lực này, Cục thống kê TP.HCM nêu giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục và du lịch. Đồng thời, sớm tháo gỡ khó khăn Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Vân Anh(T/h)