Đặc biệt, dịch vụ bơm mỡ má cho những quý ông muốn có khuôn mặt chữ điền đang rất thịnh hành. Trong quá trình tìm hiểu thực tế, PV báo ĐS&PL đã tiếp cận được trường hợp “kinh dị” và khá bi hài bởi chỉ vì muốn làm đẹp theo lời vợ mà có quý ông đã suýt “mất nửa mặt” theo đúng nghĩa đen và phải vào viện cầu cứu bác sỹ chuyên khoa…
Cấp cứu vì nghe vợ đi thẩm mỹ
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, dịch vụ bơm mỡ má đang khá thịnh hành ở Việt Nam. Tại khoa Phẫu thuật Tạo hình- bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), hàng ngày có 3- 4 người đến tư vấn làm đẹp thẩm mỹ. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.TS. Trần Thiết Sơn- Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- bệnh viện Xanh Pôn nhận định: “Từ trước tới nay, dư luận chủ yếu nghe về những ca phẫu thuật bơm má, nâng ngực hay độn mông dành cho nữ giới. Thực tế, loại hình dịch vụ này hiện nay cũng được các quý ông đặc biệt ưa thích. Không ít trường hợp vì “sính” thẩm mỹ, tin vào những lời quảng cáo có cánh mà tự rước họa vào thân”.
GS.TS. Trần Thiết Sơn- Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- bệnh viện Xanh Pôn đang tư vấn cho bệnh nhân. |
Chia sẻ với PV, GS.TS. Trần Thiết Sơn cho hay: “Tuần qua, khoa chúng tôi cũng đã tiếp nhận hai trường hợp đến tư vấn bơm mỡ má. Làm đầy má hóp bằng bơm mỡ tự thân đang là xu hướng mới nhất bởi tính an toàn, hiệu quả cao. Bác sỹ sẽ lấy mỡ ở nơi khác (bụng, eo, đùi...) để bơm vào vùng mặt giúp bệnh nhân sở hữu một khuôn mặt theo ý muốn”.
Trong quá trình trò chuyện, GS.Thiết Sơn đã kể lại những ca tai biến có một không hai từ việc “tút” nhan sắc của các quý bà, quý ông. Đặc biệt, có trường hợp vừa phải vào khoa Phẫu thuật Tạo hình cấp cứu chỉ vì bơm mỡ má tại một trung tâm thẩm mỹ không có uy tín. Bệnh nhân đó tên Nguyễn Hoài N. (29 tuổi, Hà Nội). Người đàn ông này sở hữu khuôn mặt góc cạnh, xương xẩu, gò má cao, má “tóp” nên đi đâu cũng tự ti, mặc cảm. Vì muốn “cải thiện” nhan sắc cho chồng, chị vợ đã đề nghị chồng đi bơm mỡ má. Được người quen giới thiệu, anh N. đã đến một thẩm mỹ viện tư nhân nằm trên đường Nguyễn Khuyến (Hà Nội) bơm mỡ má với giá 14 triệu đồng. Thậm chí, anh N. còn quay cả clip về quy trình làm đẹp làm kỷ niệm. Ai ngờ, sau khi tiêm một tuần, bệnh nhân đã phải nhập viện Xanh Pôn để xử lý tai biến.
Anh N. nhập viện trong tình trạng sốt, hai bên má xuất hiện các khối sưng đỏ, khi ấn vào bệnh nhân bị đau nhức và thỉnh thoảng có các đợt vỡ mủ trắng ra. Sau khi khám sơ bộ, các bác sỹ chẩn đoán đó là các khối áp-xe, nhiễm trùng. Kết quả phim chụp cắt lớp và siêu âm khẳng định có các khối viêm, có mủ tạo thành các khối áp-xe, có khá nhiều ổ áp-xe ở hai bên má.
Trước thông tin bệnh nhân Nguyễn Hoài N. bị tai biến chỉ sau 7 ngày “tút” nhan sắc, PV đã tìm hiểu “bí mật” tại một số trung tâm thẩm mỹ để hiểu về công nghệ bơm mỡ má hiện nay. Qua tư vấn đường dây nóng, nhân viên thẩm mỹ M.X. (Hà Nội) cho hay: “Làm đầy má hóp có hai cách là tiêm chất làm đầy và chất liệu độn. Với phương pháp tiêm chất làm đầy, bác sỹ sẽ tiêm chất làm đầy vào vùng má hóp. Đây là phương pháp đơn giản, nhanh, không phẫu thuật, rất an toàn? Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải tiêm lặp lại vì chất làm đầy sẽ tan đi sau 6-8 tháng. Còn phương pháp làm đầy má hóp bằng chất liệu độn là silicon dẻo (tương tự như chất liệu độn ở mũi hay cằm). Bác sỹ rạch một đường nhỏ trong miệng đặt chất liệu độn vào dưới cơ mặt. Đây là phương pháp vĩnh viễn”.
Mặc dù khẳng định “chắc như đinh đóng cột” về các phương pháp bơm mỡ má đảm bảo tuyệt đối an toàn, song các trung tâm thẩm mỹ lại thường lập lờ về thông tin chất làm đầy và đưa ra những nguy cơ khách hàng có thể đối mặt.
Tại sao chất bị bộ Y tế cấm vẫn được thẩm mỹ viện sử dụng?
Trao đổi với PV, bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Hoài N. khẳng định: “Bơm mỡ má bằng chất làm đầy với giá 14 triệu đồng thì chắc chắn chỉ là chất kém chất lượng. Và theo kết quả mà chúng tôi xét nghiệm, đây là chất silicon đã bị bộ Y tế cấm sử dụng từ nhiều năm nay. Khi tiêm vào sẽ gây biến chứng tại chỗ như: Sưng tấy, nhiễm trùng tại chỗ rất dai dẳng và khó lấy hết ra được”.
Theo GS.TS. Thiết Sơn, phần lớn bệnh nhân đến bơm mỡ má đều được các bác sỹ tư vấn nên bơm mỡ tự thân vì các quy trình bơm mỡ được thực hiện theo chuẩn của quốc tế. “Đầu tiên, các bác sỹ sẽ gây tê, hút mỡ. Tiếp theo là quay ly tâm, lọc mỡ sau đó mới tiêm vào cơ thể. Các dụng cụ thực hiện đều là các dụng cụ chuyên biệt của hãng. Không thể dùng các bơm kim thông thường vì có thể gây nguy cơ đâm vào mạch máu vùng má làm tắc mạch máu, hoại tử vùng hoặc đâm vào các ống dẫn tuyến nước bọt gây viêm nhiễm rất khủng khiếp”, GS. Thiết Sơn nhấn mạnh.
Bệnh nhân Nguyễn Hoài N. (Hà Nội) phải nhập viện xử lý biến chứng sau 7 ngày bơm mỡ má tại một trung tâm thẩm mỹ. |
Cũng theo vị GS này, tại khoa Phẫu thuật Tạo hình đã từng nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến thẩm mỹ viện bơm các chất không rõ nguồn gốc, thường là silicon và bị tai biến. Trường hợp tai biến nhẹ là bị viêm sưng tấy, biến chứng nặng hơn là áp-xe như bệnh nhân N. ở trên. Biến chứng nặng hơn nữa là gây tắc mạch máu tại chỗ, gây hoại tử vùng da. Một biến chứng nặng nữa là silicon lỏng có thể đi vào mạch máu ở vùng mắt. Y văn đã ghi nhận có trường hợp mù sau khi tiêm các chất lỏng vào vùng xung quanh mắt.
Các bác sỹ khuyến cáo: “Không phải ai cũng có thể bơm mỡ má. Phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân có bệnh về da ở vùng bơm như: Mụn trứng cá, nhiễm trùng tại vùng bơm, bệnh đái tháo đường, bệnh lao...”.
GS.Lê Hành- Chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cảnh báo: “Nhiều trường hợp quý ông đi bơm má, bơm ngực, bơm cơ ở những cơ sở tư nhân rồi bị nhiễm trùng, phải vào viện điều trị. Hầu hết bệnh nhân nhập viện do bị biến dạng ngực, đau nhức ở ngực và viêm vón cục hoặc nhiễm trùng sau bơm silicon buộc phải phẫu thuật để lấy bớt mô viêm. Mặc dù, silicon dạng lỏng đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới cách đây 20 năm, tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn lén lút sử dụng cho khách”. |
THƠM GIANG
Xem thêm Video: Cô gái Nam Định không nhận ra mình sau phẫu thuật thẩm mỹ