(ĐSPL) - Doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có trong danh mục đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì bị xử lý ra sao?
Hỏi: Em đang làm kế toán cho 1 công ty TNHH một thành viên. Công ty em thành lâp từ năm 2012 và hoạt động bình thường đến bây giờ (Công ty em chuyên về thương mại).
Vừa rồi công ty có đấu thầu 1 dự án, tưởng chừng như trúng thầu 100\% nhưng cuối cùng lại trượt thầu. Hỏi ra mới biết, mặt hàng công ty dự thầu không có trong ngành nghề kinh doanh đã đăng ký của công ty.
Vấn đề ở đây, từ năm 2012 đến bây giờ công ty em vẫn mua và bán mặt hàng này rồi, nhưng do không hiểu biết nên khi đăng ký kinh doanh lại thiếu mất mặt hàng này (mặt hàng này không phải là mặt hàng cấm của nhà nước). Tính đến thời điểm hiện tại doanh thu của mặt hàng này khoảng 5 tỷ đồng.
Dù công ty có thực tế kinh doanh, có hệ thống kế toán và sổ sách đầy đủ, tính đến thời điểm hiện tại thì công ty em chưa hề vi phạm gì trong lĩnh vực thuế, nhưng căn cứ theo luật thì vẫn bị coi là kinh doanh trái phép phải không ạ?
Hiện tại sếp em đang rất lo lắng về vấn đề này, vì thực tế công ty em làm ăn đàng hoàng chứ không phải công ty ma...
Kính mong tư vấn cho em biết cụ thể hình thức xử phạt trong trường hợp này và cách thức xử lý hợp lý ạ.
Em xin chân thành cảm ơn!
Duc Anh Luu
|
Kinh doanh không đúng ngành nghề bị xử phạt ra sao? |
Xin tư vấn cho bạn
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận, khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị Định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện."
Đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức phạt mà thẩm quyền này thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã hay Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 101 Nghị định 185/2013/NĐ-CP:
"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính."
Nếu muốn tiếp tục kinh doanh mặt hàng đó, bạn phải làm hồ sơ thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh bao gồm:
- Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh (do người đại diện theo pháp luật ký) (mẫu quy định).
- Quyết định bằng văn bản về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh của chủ sở hữu công ty (do chủ sở hữu ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty(mẫu tham khảo).
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định Danh sách một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định;
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân nếu công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề Danh sách một số ngành nghề yêu cầu có chứng chỉ hành nghề;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
- Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên);
- Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nilon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác)
Lưu ý: Luật Doanh nghiệp 2014 vừa được Quốc hội khoá 13 thông qua ngày 26/11/2014 đã được phổ biến tới các doanh nghiệp.
Sau cuộc đột phá về thể chế của văn bản mang tên “Luật Doanh nghiệp 1999”, thì Luật Doanh nghiệp 2014 được coi là cuộc đột phá thể chế lần hai, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp, theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.
Luật Doanh nghiệp 2014 hướng tới sự phù hợp với thực tế kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp và tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế góp phần tạo điều kiện mở ra một môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Luật này sẽ có hiệu lực từ 01/07/2015.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mà chỉ quy định về việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Theo Luật này, doanh nghiệp được tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
Như vậy, quy định về đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh đã bị bãi bỏ. Doanh nghiệp sẽ không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh. Các công ty thương mại và phân phối sẽ không cần cung cấp hàng nghìn mã ngành cho sản phẩm thương mại của mình như trước, kể cả những sản phẩm mà họ dự định kinh doanh trong tương lai.
Những "đóa hồng" nghìn tỷ rực rỡ nhất sàn kinh doanh Việt
Luật Gia Đồng Xuân Thuận
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-doanh-khong-dung-nganh-nghe-bi-xu-phat-ra-sao-a93003.html