(ĐSPL) - Từ 62,68 tỷ USD năm 2007, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã đạt con số 165,65 tỷ USD vào năm 2015.
Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới WTO, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã tăng 2,5 lần.
10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 140,6 tỷ USD. Trong đó, các thị trường nhập khẩu chủ yếu gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU và Mỹ...
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó số liệu cụ thể cập nhật mới nhất từ Tổng cục hải quan, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2016 đạt gần 7,78 tỷ USD, tăng 5,9% ( tương ứng tăng 437 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2016. Tính đến hết ngày 15/10/2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 132,6 tỷ USD, tăng 1,8% (tương ứng tăng gần 2,31 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
So với nửa cuối tháng 9/2016, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 10/2016 biến động mạnh ở một số nhóm hàng sau: Phương tiện vận tải và phụ tùng khác tăng mạnh 2,5 lần tương ứng tăng 159 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10%, tương ứng tăng 118 triệu USD; ngô tăng 69,1%, tương ứng tăng 60 triệu USD; kim loại thường khác tăng 25,6%, tương ứng tăng 48%; vải các loại tăng 11,5%, tương ứng tăng 44 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 19,8%, tương ứng tăng 33 triệu USD; hạt điều tăng 44,8%, tương ứng tăng 30 triệu USD;...
Một số nhóm hàng có kim ngạch giảm như điện thoại các loại và linh kiện giảm 10,9%, tương ứng giảm 57 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 3%, tương ứng giảm 36 triệu USD;...
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10/2016 đạt hơn 4,57 tỷ USD, tăng 3,6%(tương ứng tăng 158 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2016.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/10/2016 kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt gần 78,38 tỷ USD, tăng hơn 1,3% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng tăng hơn 1,03 tỷ USD chiếm 59,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số: 107/2016/QH13 Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời Điểm tính thuế, biểu thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Điều 2. Đối tượng chịu thuế 1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. 2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước. 3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối. 4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau: a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại; c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác; d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu. 5. Chính phủ quy định chi Tiết Điều này. Điều 3. Người nộp thuế 1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu. 3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. 4. Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm: a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế; c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế; d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp; e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật. 5. Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật. 6. Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật. 7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật. |
Hoàng Hà