Khi con ốm, cha mẹ thường được dặn dò phải tránh nước, kiêng tắm trong thời gian trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, chính điều này mới khiến trẻ lâu khỏi bệnh.
Quan niệm từ bao lâu nay về việc điều trị cho người ốm nói chung và trẻ em ốm nói riêng (đặc biệt là những bệnh ngoài da như thủy đậu, sởi, chân tay miệng) là phải kiêng tắm. Thậm chí nhiều người cho con đi tiêm phòng xong cũng "kiêng nước kiêng gió" vài ngày.
"Quan niệm về việc phải ăn kiêng khi trẻ ốm đã không còn chính xác ở thời điểm hiện tại", thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), trao đổi với Tri thức trực tuyến.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý cho rằng việc kiêng tắm khi bị bệnh thủy đậu, tay chân miệng là không cần thiết và mang đến nhiều nguy cơ về vệ sinh. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Không tắm cho trẻ khi ốm hại nhiều hơn lợi
Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), Trưởng khoa Nhi, da không chỉ bao bọc cơ thể mà còn có chức năng bài tiết, các chất độc cũng thải một phần qua da. Vì thế, làn da luôn cần được giữ vệ sinh sạch sẽ. Đối với trẻ nhũ nhi, điều này càng quan trọng vì da trẻ còn non, sức đề kháng lại chưa hoàn chỉnh nên rất dễ viêm nhiễm. Nếu kiêng tắm, trẻ ngứa ngáy khó chịu sẽ dễ nổi mẩn, hăm, hoặc gãi gây trầy xước và viêm da.
Còn theo bác sĩ Quý, thực tế, việc tắm cho trẻ lúc ốm không hề ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
"Trong những trường hợp trẻ nhiễm virus, đặc biệt là sởi, thủy đậu hay tay chân miệng, việc kiêng tắm trong thời gian dài khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch, rất dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng cơ hội", bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo.
Điển hình trong trường hợp bệnh thủy đậu, nếu cha mẹ không chú ý vệ sinh tốt cho trẻ, chính những tổn thương trên bề mặt da sẽ trở thành nguồn lây để các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Không chỉ vậy, đối với những trẻ bị bệnh, nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội là rất cao dẫn đến bùng phát hiện tượng viêm da, thuỷ đậu bội nhiễm,... Các bệnh lý này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn, nhân viên y tế vẫn tắm cho các bệnh nhân, thậm chí bị bệnh nặng. Ở nước ngoài, chẳng hạn như Nhật Bản, các em bé đang thở máy cũng được y bác sĩ tắm. Y khoa cho rằng chỉ cấm tắm trong trường hợp bệnh nhân bị choáng hoặc đa chấn thương, cần cố định cơ thể.
Thạc sĩ Quý còn khuyến khích việc cho trẻ tắm như hàng ngày, không thay đổi cách thức cũng như sản phẩm làm sạch.
"Nếu bình thường trẻ đang được tắm bằng xà phòng hay sữa tắm thì khi bị bệnh, cha mẹ vẫn nên giữ nguyên loại xà phòng, sữa tắm đó", vị này nhấn mạnh.
Nguyên nhân là trong lúc ốm, trẻ sẽ có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dị ứng. Theo bác sĩ Quý, nhiều cha mẹ quyết định tắm cho con bằng nước lá thay cho sữa tắm với mong muốn con được an toàn hơn khi bị bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã xuất hiện dấu hiệu dị ứng với các thành phần nước lá sau khi tắm.
Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cũng cần được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Cha mẹ không nên thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ốm bởi việc làm này có thể tạo thành yếu tố nhiễu trong việc chẩn đoán và điều trị. Đôi khi việc thay đổi chế độ ăn, bắt trẻ ăn kiêng lại gây ra những vấn đề khác như tiêu hoá hay dị ứng khiến các y bác sĩ khó phân biệt và xử lý các triệu chứng.
Việc tắm cho trẻ cả khi bị ốm có lợi cho việc trẻ sớm phục hồi. |
Cha mẹ nên cố gắng tạo cho trẻ một môi trường và cảm giác thoải mái nhất khi bị ốm. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cố gắng duy trì chế độ ăn đều đặn như hàng ngày, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Trẻ có thể ăn các món dễ tiêu như cháo, sữa trong trường hợp biếng ăn do ốm. Cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm nâng cao sức đề kháng của trẻ như nước hoa quả, sữa chua.
Cách tắm cho trẻ khi bị ốm
Chuẩn bị phòng tắm kín gió, nhiệt kế, thau nước ấm, khăn to để lau người.
Đầu tiên cần cặp nhiệt độ trước khi tắm cho trẻ sơ sinh. Pha nước tắm thấp hơn nhiệt độ của bé 2⁰C. Tức là nếu bé 39⁰C thì mẹ pha nước với nhiệt độ là 37⁰C. Tắm cho bé từ đầu xuống chân và chỉ tắm trong 5 phút. Sau khi tắm xong, lau khô và mặc quần áo thoáng mát cho bé.
Sau khi tắm, không nên ra ngoài trời ngay sau đó (nếu trời lạnh).
Một số lưu ý thêm về cách chăm sóc khi con ốm cho cha mẹ
- Không nên ủ ấm cho trẻ, bé nên mặc quần áo mỏng, thoáng mát để mồ hôi không thấm ngược vào trong gây bệnh.
- Cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn trước khi tắm để tránh bé bị lạnh.
- Tuyệt đối không dùng nước lạnh, cồn, dấm hoặc pha thêm dầu vào nước để tắm cho trẻ sơ sinh hoặc lau người cho bé.
- Tuyệt đối không vắt chanh, đổ thuốc vào miệng khi trẻ đang co giật để tránh bé bị ngạt thở.
- Không nên thoa dầu gió, vì dầu làm tăng tiết mồ hôi khiến thân nhiệt tụt xuống đột ngột.
- Cho bé uống nước, đề phòng bé bị mất nước do đổ mồ hôi.
- Bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C và vitamin nhóm B cho bé.
- Vệ sinh mũi cho bé, tránh chất nhờn và dịch làm tắc nghẽn đường thở của bé
Minh Khôi(T/h)