Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH nhấn mạnh, thời gian qua cử tri và công luận rất bức xúc trước việc đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ năng lực yếu kém, nhiều sai phạm trong quản lý.
Theo thông tin trên báo VOV, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018. Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ công chức và xây dựng Luật Nhà giáo.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Đắk Lắk) - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, Quốc hội cần cân nhắc việc bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) sửa đổi Luật Cán bộ công chức, sau 9 năm ban hành (năm 2008).
Theo đại biểu Phương, lý do sửa đổi không phải chỉ để giải quyết những vướng mắc chưa đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm công vụ và việc xử lý cán bộ công chức sau khi đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như vấn đề tinh giản biên chế đã đặt ra từ nhiều năm qua nhưng không giải quyết được căn bản. Trong khi đó, các quy định về vị trí việc làm còn mang tính hình thức, không phản ánh được thực chất, chất lượng giải quyết công việc của cán bộ công chức.
Đại biểu Đặng Xuân Phương. Ảnh: Quochoi.vn |
Hơn nữa, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức như hiện nay chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có chức vụ trong hệ thống công vụ. Cùng đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm có tương xứng hay không cũng thường xuyên được nêu ra liên quan đến nhiều vụ việc cụ thể ở cả Trung ương và địa phương.
Vị đại biểu đoàn Đắk Lắk cũng nhấn mạnh, thời gian qua cử tri và công luận rất bức xúc trước việc đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ năng lực yếu kém, nhiều sai phạm trong quản lý.
Ngoài ra, theo đại biểu Phương, các quy định về chức danh lãnh đạo quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn. Vẫn còn biến thể trong hệ thống chức danh như “hàm” và việc thi nâng ngạch đã trở thành một cơ chế để giải quyết vấn đề chính sách tiền lương, chứ không phải vì nhu cầu chuyên môn.
Do đó, đại biểu kiến nghị đưa nội dung sửa đổi Luật Công chức viên chức vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.
Hạn chế mặc cả bồi thường người bị oan sai
Theo thông tin trên báo Giao Thông, sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Đề cập đến nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đồng tình với nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó. Tuy nhiên, lưu ý việc thương lượng phải mang tính nhân văn, để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho dân hơn chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường. “Thực tiễn cho thấy, việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng cò kè thêm bớt với người dân và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng, mà cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường. Cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra”, bà Sang dẫn chứng.
Về quy định chỉ khi người bị oan có yêu cầu Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai, các ĐBQH cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích, cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án nên phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự. “Tôi đề nghị trong mọi trường hợp khi có văn bản xác định bị oan thì cơ quan Nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho công dân”, bà Thủy nói. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đồng tình và cho rằng, không nên quy định người bị oan, sai phải có đơn mới được xin lỗi.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, phải có hai chủ thể xin lỗi người bị oan là người trực tiếp gây oan sai và đại diện cơ quan gây ra oan sai cùng đứng ra xin lỗi thì mới thỏa đáng. “Tôi cho rằng, việc xin lỗi công khai thì phải có cá nhân người gây lỗi đứng ra xin lỗi người bị oan”, ông Chiến nói.
Đại biểu ngại phát biểu vì sợ sai, xấu hổ Theo báo Dân Trí, cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018, đại biểu Quảng Văn Hương (đoàn Sơn La) quan tâm đến chất lượng đại biểu phát biểu tại hội trường. Theo đại biểu, chất lượng ý kiến tham gia phụ thuộc nhiều vào các văn bản chuẩn bị của ban soạn thảo. “Nhiều đại biểu mới tham gia lần đầu không nắm được nội dung luật khác chuyên ngành. Do nghiên cứu không sâu nên họ rất ngại phát biểu bởi tâm lý sợ sai, rồi cũng xấu hổ. Nhiều khi cũng cố gắng có bài phát biểu để làm tròn trách nhiệm của mình”, đại biểu Quảng Văn Hương nói. Vì những bất cập trên nên theo ông Hương nhiều trường hợp khi bấm nút thông qua luật nhưng có nội dung trong luật đại biểu cũng chưa nắm được. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo phải chuẩn bị tài liệu kỹ hơn, tốt hơn để đại biểu dễ tiếp cận, tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường. Đại biểu đoàn Sơn La đánh giá thời gian qua công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo đã chất lượng hơn nhưng vẫn còn những hạn chế như việc gửi văn bản chậm, thời gian gấp, nội dung nhiều. Do vậy, đại biểu không có nhiều thời gian nghiên cứu. “Nên tâm lý của các đại biểu là cố gắng chọn những lĩnh chuyên môn để mình tham gia phát biểu”, đại biểu Quảng Văn Hương nói thêm. |
Tổng hợp