Báo Vietnamnet đưa tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, đã được Deloitte kiểm toán.
Theo báo cáo này, tổng số lỗ trong năm 2022 của riêng công ty mẹ EVN là hơn 26.500 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20.700 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 đơn vị này lãi hơn 14.700 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463.000 tỷ đồng, thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, với trên 456.000 tỷ đồng.
Các số liệu được kiểm toán cũng cho thấy lý do lỗ của tập đoàn này. Đó là giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.
Cụ thể, doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372.900 tỷ đồng.Tuy nhiên, giá vốn điện lại lên tới hơn 402.600 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29.700 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331.600 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, năm 2022 EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Lý do chủ yếu bởi giá than tăng cao.
Theo báo Giao thông, trước đó, kết quả kiểm tra của Bộ Công thương về chi phí giá thành sản xuất điện cho thấy: tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020.
Còn giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.854,44 đồng/kWh.
Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 đã cao hơn giá bán lẻ điện bình quân ngưỡng 177,82 đồng/kWh.
Thông tin trên tờ Nhịp sống thị trường, cũng qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại EVN, kiểm toán Nhà nước đánh giá EVN quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.
Cụ thể, kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trong kỳ kiểm toán EVN chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn.
Việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, trong đó: Một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN, TCT Điện lực TP.HCM, TCT Điện lực miền Nam); hoặc một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm (TCT Phát điện 3 - CTCP, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc TCT Phát điện 3 - CTCP).
Vân Anh (T/h)