Các tàu Việt Nam trên thực địa rất mềm mỏng, nhưng cũng tỏ ra kiên quyết. Có thể nói, đây là hành động kiềm chế hiếm thấy từ xưa đến nay.
|
Các tàu Việt Nam trên thực địa rất mềm mỏng, nhưng cũng tỏ ra kiên quyết. |
Điều này không có nghĩa là các tàu Việt Nam ở vào thế yếu mà thể hiện sự khao khát bảo vệ chủ quyền trong hòa bình.
Osama Maruyama, phóng viên báo Yomiuri Shimbun, tờ báo lớn và uy tín nhất Nhật Bản hiện nay, người đã cùng một số phóng viên các nước khác lên tàu CSB (cảnh sát biển) 4032 ra vùng biển gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông, để tác nghiệp.
Sau chuyến đi này, ông kể lại với các đồng nghiệp Việt Nam:
Tại đây, tôi đã tận mắt thấy rất nhiều tàu của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc, nhưng bên Trung Quốc thì nhiều hơn, tàu lại to hơn và có cả tàu đầu kéo cùng tham gia. Có thể nói, tình hình ở đây rất căng thẳng, mặc dù Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương 981 đi xa vị trí cũ về hướng Đông Nam 20 hải lý. Điều ấy không đồng nghĩa với việc đã ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Một số máy bay quân sự của Trung Quốc bay khá thấp trên vùng trời của khu vực biển này, ngay trên vị trí nóc tàu CSB 4032. Khi các tàu CSB và Kiểm ngư của Việt Nam cùng tiến vào cách khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khoảng 7-8 hải lý là bị nhiều tàu Hải cảnh của Trung Quốc ra khiêu khích, xua đuổi. Việc này thường lặp đi lặp lại một đến hai lần trong một ngày.
Điều tôi ghi nhận được là tàu của phía Việt Nam chỉ đi vào gần giàn khoan Hải Dương 981 với tốc độ chậm và sau đó mở loa tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng: Việt Nam, Trung Quốc, tiếng Anh. Khi phát hiện các tàu Việt Nam, các tàu Trung Quốc liền xông ra xua đuổi với tốc độ cao. Chiếc tàu mà chúng tôi ở trên đó luôn luôn phải chủ động di chuyển ra xa. Có lần, Trung Quốc đưa tới 3 tàu lớn cùng tham gia đuổi con tàu mà chúng tôi đi, có lúc khoảng cách giữa hai bên rất gần, chỉ 70 đến 80m. Tôi thấy các tàu Việt Nam rất chủ động di chuyển và tránh va chạm, đối đầu trên biển. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc lại có những việc làm khá khó hiểu, mang tính chủ động hơn. Tôi đã chụp được những bức ảnh mà 2 tàu Trung Quốc số hiệu 44101 và 46012 đuổi tàu CSB 4032. Cả hai tàu của Trung Quốc đều mở bạt che pháo ở mũi tàu, nòng pháo hướng ra phía trước. Ở bên phải, trên nóc tàu 44101 của Trung Quốc, tôi thấy có người mặc áo phao da cam, đội mũ bảo hiểm đứng cạnh họng phun nước có vẻ như sẵn sàng làm gì đó khi tới gần phía tàu Việt Nam. Còn ở phía Việt Nam, tôi không thấy có hiện tượng này.
Nhà báo Osama Maruyama chia sẻ:
Nhiều người dân Nhật Bản rất quan tâm đến sự kiện này, phải nói là họ rất lo lắng cho Việt Nam. Bởi cả Nhật Bản và Việt Nam đều có gì đó tương đồng khi ở cạnh Trung Quốc, một quốc gia luôn có tham vọng chiếm đoạt vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác làm của mình. Tuy nhiên, những ngày trước đây, thông tin đưa tới độc giả ở Nhật Bản có nhiều chiều khác nhau, khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về độ chính xác. Tòa soạn đã cử tôi sang đây để chứng kiến sự thật và viết lại sự thật phục vụ độc giả. Đến thời điểm này, tôi đã viết được hai bài và gửi nhiều bức ảnh đã chụp được về tòa soạn ở Nhật Bản. Tôi tin là những gì mà mình gửi đi sẽ giúp dư luận có cái nhìn chính xác hơn về hành động của cả hai phía, đặc biệt là sự hung hăng của các tàu Trung Quốc.
Tôi đã từng đi tác nghiệp ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Trung Đông, nơi thường xuyên có chiến tranh và các hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo... Điều ấy đã gây ấn tượng không tốt cho tôi. Tôi nhận thấy nhân dân, dân tộc các quốc gia đều không muốn có xung đột và chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ. Trong sự việc này, để tránh tình hình căng thẳng và phức tạp hơn nữa thì phía Trung Quốc nên rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Nhà nước và các cơ quan chức năng của cả hai phía cần đàm phán để thống nhất đạt được các thỏa thuận giúp cho bảo đảm hòa bình lâu dài.
Tôi nói thêm là hành động của các tàu Việt Nam trên thực địa rất mềm mỏng, nhưng cũng kiên trì và kiên quyết. Có thể nói, đây là hành động kiềm chế hiếm thấy từ xưa đến nay trên thế giới. Điều này không có nghĩa là các tàu Việt Nam ở vào thế yếu mà thể hiện sự khao khát bảo vệ chủ quyền trong hòa bình, bảo đảm an ninh hàng hải một cách bền vững và lâu dài. Tôi tin Việt Nam đã và sẽ hành động rất đúng trong giải quyết vấn đề này.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kiem-che-khong-co-nghia-la-viet-nam-o-vao-the-yeu-a36242.html