(ĐSPL) - Trong thời gian gần đây, kịch giới tính bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trên các sân khấu, kịch giới tính như một món ăn độc đáo, hấp dẫn thu hút nhiều khán giả. Song, cũng vì tính nhạy cảm mà ranh giới mong manh của loại kịch này đã khiến nhiều khán giả thất vọng vì sự quá đà của những người “đẻ” ra nó.
Bùng nổ sân khấu kịch giới tính
Hiện nay, yếu tố giới tính được các sân khấu kịch khá ưa chuộng. Điển hình, như sân khấu sao Minh Béo trong thời gian gần đây ra vở kịch “Mùi da người”, gây ấn tượng ngay từ đầu bởi thông tin: Kịch giới tính có nhiều cảnh nóng, cấm trẻ em dưới 12 tuổi. Quả thực như những gì mà vở kịch giới thiệu, có khá nhiều cảnh nóng, gây tò mò với khán giả nhưng cách phơi bày trần trụi của các diễn viên khiến nhiều người không khỏi ngại ngùng vì những gì đã thấy trên sân khấu. Nhiều ý kiến cho rằng, kịch giới tính đang trở nên lố quá đà.
Vở kịch “Mùi da người” gây “choáng” bởi nhiều cảnh nhạy cảm. |
“Mùi da người” là một vở kịch xoay quanh bi kịch của những người trẻ. Nhân vật chính là cô bé Quỳnh Chi (Thùy Dương đóng). Một cô bé ngây thơ, trong sáng có những thắc mắc, tò mò của tuổi mới lớn. Trong hành trình khám phá chính mình, chuyện tình của bốn người Chi, Anh, Tài, Cường gây sự chú ý của bạn bè xung quanh. Bốn người học chung lớp với nhau, nhưng mỗi người một cá tính. Phi Anh là người từng trải, cô có những mưu mô để chiếm đoạt tình cảm cho mình, bất chấp tất cả. Cô gái có cả một kế hoạch hoành tráng cùng với Cường, từng bước đưa Quỳnh Chi vào đời sống buông thả, trụy lạc.
Cốt truyện là vậy, nhưng khi lên sân khấu nhiều khán giả phải nóng mặt vì cách chuyển tải của vở kịch. Là người mưu mô, Phi Anh đã nghĩ ra nhiều cách phá vỡ tình yêu của người khác bằng cách quyến rũ Tài bằng thể xác của mình. Trên sân khấu, các động tác hình thể mô tả cảnh nóng ngay trước sân khấu khiến nhiều người xem phải quay mặt đi chỗ khác vì không chịu nổi sự lộ liễu của diễn viên. Vì vở diễn chỉ xoay quanh những cuộc ăn chơi trác táng, âm mưu chiếm đoạt bạn gái, cảnh nóng, cách ăn mặc hở hang, màn “giới tính”... cùng những chuyển biến tâm lý nhân vật vội vàng, nhạt nhòa, nên nó đã gây “dị ứng” với nhiều khán giả.
Khán giả dị ứng vì kịch nhiều cảnh nóng. |
“Mùi da người” với thông điệp người lớn hãy quan tâm đến trẻ em, nhưng vì lạm dụng yếu tố giới tính quá nhiều nên ekip của vở diễn không chuyển tải thành công thông điệp đó đến người xem. Rõ ràng, với cách diễn còn nhiều sạn, thiếu tính định hướng mà vở diễn này lạm dụng, đang tạo ra những mặt tiêu cực khá nặng nề đến khán giả. Kịch giới tính dễ thu hút khán giả, nhưng nếu cách làm chỉ xoay quanh chiêu trò để câu khách bằng những cảnh phản cảm thì sẽ khiến khán giả nhàm chán. Kịch là để phản ánh xã hội, song cũng cần hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp.
Không bán được vé đồng nghĩa với thất bại
Không thể phủ nhận, một vài năm gần đây, kịch giới tính, kịch kinh dị luôn là những món ăn lạ, hấp dẫn khán giả. Lợi dụng ưu thế, các sân khấu kịch luôn đưa những yếu tố “nóng” để thu hút người xem. Một bầu show than vãn: "Hiện nay, các sân khấu chính thống luôn bị cạnh tranh khá gay gắt bởi nhiều loại hình mới ra đời như kịch cà phê, hay việc các bạn sinh viên tổ chức nhóm đi diễn kịch, đẩy giá vé xem kịch khá thấp, sử dụng nhiều loại kịch giới tính với nhiều tình tiết gây sock, thậm chí "hiếp" ngay trên sân khấu để thu hút khán giả. Chính vì vậy, thị trường kịch bị chia sẻ manh mún. Trong khi các sân khấu ngày càng khó khăn trong việc sáng đèn, khán giả ít đi xem kịch, hơn nữa phải chia sẻ cho một số các quán kịch cà phê..., nên đây là một thách thức không nhỏ cho các anh chị em làm nghề. Để tồn tại trong môi trường khá cạnh tranh này, chúng tôi phải bắt kịp xu hướng, thị hiếu của khán giả. Có lẽ, do chạy theo thị hiếu này, một số sân khấu kịch đã tạo ra những vở diễn thiên về giới tính để câu khách nhưng không hẳn họ đã thành công”.
Chia sẻ về vấn đề này NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết: "Kịch giới tính đang là một trào lưu của nhiều sân khấu. Đây là điều hoàn toàn bình thường vì kịch là để phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, được nhiều người quan tâm nên được các sân khấu khai thác. Với các sân khấu xã hội hóa để tồn tại, họ phải bán được vé từ các vở diễn của mình, thế nên việc chạy theo nhu cầu khán giả là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, xã hội có những tầng lớp khác nhau, nên mỗi sân khấu kịch sẽ phát triển theo một hướng riêng nhằm đảm bảo cho có lượng khán giả của mình". Tuy nhiên, NSưT Triệu Trung Kiên cũng lưu ý: "Mỗi một vở diễn có tác động khá lớn đối với khán giả, đặc biệt đó là những khán giả trẻ. Vì vậy kịch cần có tính định hướng, tác động đến tư duy người xem một cách tích cực, hướng người xem đến chân thiện mỹ thì mới tạo ra những giá trị cốt lõi khi khán giả xem kịch. Khán giả có thể cười, khóc, buồn... trước những vấn đề của xã hội, song họ cũng cần tiếp sức đến những giá trị tốt đẹp trong xã hội".
Do bị áp lực kinh tế, nên kịch luôn chạy theo yếu tố giới tính, sock để thu hút khán giả. Nếu không bán được vé, đồng nghĩa các sân khấu kịch thất bại. Chính điều này dẫn đến tình trạng các sân khấu kịch có nhiều vở kịch nhảm, đưa yếu tố giới tính lên hàng đầu. Nhưng không giải quyết tốt tính chuyển biến tâm lý nhân vật, hoặc chưa nói rõ mục đích câu chuyện với khán giả, những hạt sạn trong vở diễn gây thất vọng cho khán giả. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các sân khấu kịch hiện nay thiếu các vở kịch hay, hấp dẫn, có giá trị cao mà đa phần chỉ thiên về tính giải trí.
Nhà biên kịch Chu Thơm cho biết: "Một số vở kịch thiên về hướng giải trí thu hút nhiều người xem chưa hẳn là vở kịch hay. Vở kịch chỉ phục vụ một số lượng nhỏ khán giả, đáp ứng một nhu cầu nhỏ. Một vở kịch hay sẽ phục vụ cho nhiều tầng lớp trong xã hội từ đối tượng bình dân đến đối tượng có tri thức, được kiểm định qua nhiều lăng kính... Để có vở kịch hay đến với công chúng, đòi hỏi cần sự làm việc nghiêm túc, chỉn chu và đặt yếu tố văn hóa lên hàng đầu".
Thực tế, xu hướng chạy theo lợi nhuận đã đẩy các sân khấu kịch vào việc giải quyết nhu cầu khán giả bằng các chiêu trò. Để nâng cao chất lượng kịch, xem ra là điều không đơn giản. Một bầu show cho biết: "Đối tượng đi xem kịch thường là những người trẻ. Họ muốn tìm đến niềm vui, thoải mái sau những căng thẳng trong cuộc sống. “Làm kịch phải đáp ứng được nhu cầu khán giả thì họ mới đến với sân khấu trong những lần sau. Một phần vì những yêu cầu đơn giản, dễ dãi của khán giả đã khiến cho nhiều sân khấu kịch có nhiều vở diễn xuống dốc, chỉ chú trọng đến các loại kịch giới tính gây tò mò. Chiêu trò thu hút công chúng là điều có thể chấp nhận được, nhưng các vở kịch phải có những thông điệp rõ ràng, tác động tích cực đến khán giả và xã hội", nhà biên kịch Chu Thơm nói.
Không nhất thiết phải là yếu tố giới tính NSưT Triệu Trung Kiên chia sẻ: "Một vở diễn hay phải bắt đầu từ khâu kịch bản tốt, gây chú ý cho khán giả bởi những vấn đề xã hội đang được quan tâm chứ không nhất thiết phải là yếu tố giới tính. Những người làm ra vở kịch phải khiến cho người xem trăn trở cùng mình, tạo ra tính hấp dẫn. Bên cạnh đó, cũng cần có một dàn diễn viên tốt, vì diễn viên là mặt tiền của sân khấu. Diễn viên đẹp, tài năng, cùng cách dàn dựng khéo léo thì các đề tài, dù có hướng đến yếu tố giới tính hay không thì cũng sẽ khiến khán giả thỏa mãn". |