+Aa-
    Zalo

    Kịch bản du lịch sau Covid-19: “Chúng tôi sẽ tránh du lịch kiểu Bali - Indonesia"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau dịch Covid – 19, các địa phương có các khu du lịch, thắng cảnh đang rục rịch mở cửa trở lại để đón khách. Tổng cục Du lịch cũng có những ý kiến về vấn đề này...

    Tránh việc ngày đầu mở cửa không có khách du lịch

    Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ xã hội, Chính phủ đã đưa ra các nguyên tắc phòng chống dịch là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19, thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

    Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) cho hay, sau một thời gian dài bị đình trệ do dịch bệnh, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Ông cũng dành cho ĐS&PL một cuộc nói chuyện thẳng thắn về việc khôi phục du lịch sau đại dịch Covid-19.

    screen shot 2021 11 20 at 094133
    Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL).

    ĐS&PL: Thưa ông, sau dịch bệnh, Tổng cục Du lịch và các địa phương đã chuẩn bị những gì để đón khách lưu trú, quay trở lại các thắng cảnh, khu di tích lịch sử?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Trong thời gian dài dừng kinh doanh vì dịch Covid-19, tất cả các cơ sở lưu trú, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh đều muốn nhanh chóng quay trở lại kinh doanh, phục vụ du khách. Chúng tôi đã làm việc với các tỉnh có khu du lịch như Phú Quốc - Kiên Giang, Tp.Đà Nẵng... về việc mở cửa du lịch trở lại. Mới đây, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với tỉnh Kiên Giang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc vào cuối tháng 11.

    Hiện Phú Quốc đã đạt độ bao phủ 100% vắc-xin mũi 1 cho người dân và đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 2. Địa phương cũng đã lựa chọn danh sách các điểm đến an toàn để đón du khách, xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp ghi nhận khách du lịch có ca dương tính với Covid-19 để kịp thời điều trị. Sau khi thí điểm đón khách đến Phú Quốc giai đoạn đầu, ngành du lịch và địa phương sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn tại thời điểm đó. Từ đó, tiếp tục mở rộng đón khách quốc tế tại các địa phương khác như: Ninh Bình, Lào Cai, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng...

    du lich sau covid 19 1
    Theo ông Thuỷ, ngành du lịch đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch sau đại dịch Covid-19.

    ĐS&PL:Thời gian qua, Bộ VH,TT&DL cũng đã triển khai việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị mất việc do đại dịch, hiện việc hỗ trợ này đã thực hiện đến đâu rồi? Có nhiều ý kiến cho rằng, để ngành du lịch tồn tại không chỉ dựa vào hướng dẫn viên mà còn có các bộ phận khác như sale tour, nhà hàng, vận chuyển, lưu trú...?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Về việc này, chúng tôi đã thực hiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hướng dẫn viên là bộ phận đầu tiên được hưởng gói hỗ trợ. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Tổng cục Du lịch cũng đã làm việc với cơ quan chức năng liên quan và các địa phương, từ đó điều chỉnh, bổ sung làm sao để các gói hỗ trợ đến được với người lao động. Đến giờ phút này có trên 34 ngàn tỷ đồng đã được hỗ trợ.

    ĐS&PL: Nhiều đề xuất của các hãng lữ hành, muốn phục hồi du lịch, phải cứu công ty du lịch trước rồi khi các công ty đó sống được sẽ tự cứu nhân viên của mình. Thời điểm này, Bộ VH,TT&DL đã đề xuất những ưu tiên gì cho doanh nghiệp du lịch và các dịch vụ lữ hành?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Trong 2 năm đại dịch, đã xảy ra tình trạng thế này. Một là doanh nghiệp và người lao động tự chuyển đổi- tự cứu mình bằng cách làm nghề khác, đáp ứng nhu cầu mưu sinh. Hai là nghỉ, không có việc làm, chờ khống chế được dịch, hoạt động trở lại. Chúng tôi- cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, nói thật là phải cảm ơn các doanh nghiệp du lịch, trong lúc khó khăn vô cùng này, họ đã đồng hành với Tổng cục Du lịch, để chúng ta tiếp tục đồng hành trong thời gian tiếp theo.

    Hiện cũng đã có Nghị quyết 105 của Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Quá trình thực hiện, Tổng cục Du lịch mạnh dạn đề xuất phương án, báo cáo lãnh đạo bộ, các cấp có thẩm quyền triển khai các nội dung, hướng dẫn doanh nghiệp để hưởng hỗ trợ, mới nhất là đề xuất giảm 80% chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp...

    ĐS&PL:Bộ VH,TT&DL có nắm được sự thiếu hụt nhân lực ngành du lịch sau đại dịch hay không? Tình trạng thiếu có trầm trọng không? Tổng cục Du lịch đã có những chuẩn bị gì về đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, để có thể ngay lập tức phục hồi sau khi chúng ta trở về với cuộc sống bình thường?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Phải nói luôn rằng, trong thời gian đại dịch diễn ra, đã có số lượng rất lớn lao động trong ngành chuyển đổi công việc, doanh nghiệp thì kiệt quệ. Ngành du lịch thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động được đào tạo bài bản, quan hệ lao động cũng không còn. Do vậy, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn cơ quan chức năng, địa phương kịp thời hỗ trợ, bồi dưỡng, tìm kiếm các nguồn lao động để phục vụ cho phục hồi sau dịch. Phục hồi nhân lực sau dịch là chuyện vô cùng cần thiết. Vì thế, chúng tôi cũng đã và đang đề xuất nhiều cơ chế chính sách, hướng dẫn, song hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi du lịch nội địa, quốc tế cũng như tại các điểm đến.

    ĐS&PL: Sau đại dịch, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ các địa phương thế nào để thu hút các khách du lịch tiềm năng, vì nếu chúng ta cứ hô hào mà không có những việc làm cụ thể thì khách du lịch quốc tế có biết mà đến những điểm an toàn không, thưa ông?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Chúng ta phải đón khách nội địa tốt đã rồi mới nghĩ đến khách quốc tế. Việc đón khách quốc tế không ảnh hưởng đến việc đón khách trong nước. Chỗ nào đảm bảo điểm đến an toàn, khách du lịch an toàn thì có thể đi du lịch. Để làm tốt điều này, chúng tôi đã đẩy mạnh truyền thông, thông tin cụ thể tới khách du lịch.

    Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tránh tình trạng như đã xảy ra tại đảo Bali - Indonesia là ngày đầu mở cửa không đón được đoàn khách quốc tế, chúng tôi đã thông tin đến các thị trường tiềm năng về độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam tới các đoàn khách tiềm năng như ở Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Úc... để đảm bảo, khi mở cửa sẽ có khách du lịch đến tham quan, mua sắm.

    Tâm lý e ngại của khách du lịch đến các điểm từng làm nơi cách ly tập trung do Covid-19

    ĐS&PL: Một số địa phương mong muốn đón khách du lịch trở lại vào giữa và cuối tháng 11 có phải xây dựng kế hoạch gửi lên Tổng cục Du lịch không, thưa ông?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Các địa phương không cần gửi kế hoạch lên Tổng cục, nếu họ mong muốn mở cửa lại du lịch thì sẽ làm tờ trình xin phép gửi lên UBND tỉnh, thành phố nơi có khu du lịch, thắng cảnh là được. Nhiều địa phương chỉ cần hết dịch là làm tờ trình ngay, bởi họ bị đình trệ quá lâu rồi.

    Khi dịch đến, doanh nghiệp du lịch khó khăn đủ bề, nào là nguồn lực để phục vụ bị giảm, rồi một số địa phương dùng cơ sở lưu trú làm khu cách ly tập trung, do đó, các địa phương sẽ chủ động lên các phương án cụ thể, như làm sạch khu lưu trú, điểm đến sao cho an toàn thì mới được mở cửa. Khơi gợi nhu cần khách du lịch là nhiệm vụ của các địa phương và của doanh nghiệp du lịch nơi đó.

    du lich sau covid 19

    ĐS&PL: Thời gian vừa qua, một số cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp có “sao” được dùng làm địa điểm cách ly cho những ca bệnh liên quan đến dịch covid-19. Theo ông, các địa phương phải làm thế nào để xoá tan tâm lý e ngại của khách du lịch khi đến những nơi này?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Tâm lý e ngại đó là việc bình thường, bởi ai cũng muốn mình được an toàn, nhất là họ phải bỏ tiền túi đi du lịch, xả hơi. Trách nhiệm của các địa phương sau khi hết dịch là phải làm sạch điểm đến và phải làm sao cho an toàn nhất. Thêm nữa, phải truyền thông tốt để du khách hiểu được đến đó là an toàn, phải có phương án dự phòng nhỡ chẳng may có ca nhiễm hay nghi nghiễm Covid-19. Kế hoạch tuyên truyền phải có lộ trình. Địa phương phải giữ khách và có trách nhiệm kéo thêm khách du lịch đến tham quan.

    ĐS&PL:Thành phố Hà Nội đã từng bước mở cửa và đón khách ở các điểm du lịch thời gian qua. Theo ông, lưu lượng khách đến tham quan bằng bao nhiêu phần trăm trước dịch Covid-19?

    Ông Phạm Văn Thuỷ: Thực ra nếu đưa một con số thì không thể đánh giá hết. Vì còn nhiều yếu tố như: An toàn điểm đến và sản phẩm du lịch sau dịch sẽ khác trước khi có dịch. Sau một thời gian dài bị đóng băng, doanh nghiệp du lịch bị kiệt quệ, người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm thậm chí đã nghỉ việc. Đặc biệt, người đi du lịch không còn nhiều tiền như trước. Sau dịch, phải xem hầu bao của khách du lịch thế nào đã? Tiền ít đi, họ sẽ chọn sản phẩm du lịch vừa túi tiền. Chúng ta phải đánh giá xem, khách hàng chọn sản phẩm nào, thì chính doanh nghiệp du lịch phải tạo ra sản phẩm khác biệt để các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách hàng sao cho đó là điểm đến an toàn, hợp với hầu bao của khách và hợp với thị hiếu nữa.

    Các doanh nghiệp làm du lịch phải có khả năng kết nối lưu thông. Sau thời gian dài hoạt động, chúng ta mới đánh giá được lượng khách tăng hay giảm so với trước dịch. Nếu phỏng đoán hoặc nói con số mong muốn thì không đúng.

    ĐS&PL: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (185)

    Lạc Thành

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kich-ban-du-lich-sau-covid-19-chung-toi-se-tranh-du-lich-kieu-bali-indonesia-a519792.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan