(ĐSPL) - Cuộc khủng hoảng Ukraine đã bộc lộ cách hành xử của ba "ông lớn" trên thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Báo chí Pháp ngày 31/3 quan tâm đến hội đàm cấp ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Paris nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Paris bàn về Ukraine. |
Theo tờ Le Figaro, Ngoại trưởng Lavrov đã đến Paris với một dự án "liên bang hóa" Ukraine. Theo kế hoạch này, Moscow muốn láng giềng Ukaine cải tổ định chế, theo hướng các địa phương sẽ có quyền quyết định về kinh tế, tài chính, văn hóa và quan hệ đối ngoại.
Le Figaro cho biết chính quyền Kiev và các lãnh đạo phương Tây đã từng nhắc đến phương án "phi tập trung hóa" Ukraine, nhưng kế hoạch của Nga còn đi xa hơn và hiện được cho là không thể chấp nhận được đối với chính quyền Kiev.
Đối với nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao phương Tây, dự án "liên bang hóa" Ukraine cuar Nga trước hết là làm suy yếu nhà nước Ukraine và trao quyền phủ quyết cho các khu vực về chính sách đối ngoại và đối nội. Nói cách khác, Moscow muốn có một liên bang Ukraine để có thể duy trì mầm mống nổi dậy của cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine.
Tờ Libération mạnh miệng hơn, khi viết hội đàm Nga-Mỹ về khủng hoảng Ukraine thật ra chỉ là "trò bịp" vì trong trường hợp đạt được giải pháp ngoại giao, Tổng thống Obama có thể tự xem là đã giành thắng lợi, còn Tổng thống Putin thì sẽ giữ được Crimea.
Về lâu dài, phương Tây sẽ được coi là thắng trong cuộc đọ sức với Moscow, nếu Ukraine ngả theo phương Tây - với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Mỹ và Liên minh Châu Âu.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) được tiếp đón long trọng ở Châu Âu |
Trong khi Nga bị khai trừ khỏi nhóm G8 thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại được tiếp đón vô cùng long trọng ở Châu Âu. Theo nhận định của ông Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, trong bài viết đăng trên tờ Les Echos, hai hình ảnh trên là biểu tượng cho hố sâu ngăn cách: một nước thì hướng về thế kỷ XXI, còn nước kia thì hành xử như một cường quốc của thế kỷ XIX.
Ông Moisi nhắc lại rằng, trong thập niên 1980, Trung Quốc và Nga đã chọn hai con đường khác nhau : Bắc Kinh thì ưu tiên cho cải tổ kinh tế, còn Moscow thì lo đẩy mạnh cải tổ chính trị. Ba mươi năm sau, kết quả thật rõ ràng : Trung Quốc tạo ra thêm của cải, thu hút đầu tư thế giới và túi thì đầy tiền, trong khi nước Nga thì chỉ biết khai thác các nguồn năng lượng và bắt đầu gặp một cuộc khủng hoảng do chính họ gây ra, khiến tư bản đang ồ ạt rời khỏi nước này. Chủ tịch Trung Quốc thì được đón tiếp trọng thể ở Pháp và các nước Châu Âu khác, trong khi Nga bị khai trừ khỏi nhóm G8, nhóm này trở lại thành G7. Xét theo khía cạnh kinh tế, việc thay Nga bằng Trung Quốc là có lợi hơn cho G7.
Cũng theo chuyên gia Moisi, việc quan hệ Châu Âu-Nga lại trở nên căng thẳng đã khiến cho Mỹ phải một lần nữa quan tâm đến Châu Âu. Đây chính là điều khiến Trung Quốc khấp khởi mừng thầm. Mỹ đã quá vội vã, khi tự xem mình như là một cường quốc Châu Á. Nay nước Mỹ đang trở lại bị biến thành cường quốc Châu Âu thông qua NATO hoặc Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương. Điều này khiến người Trung Quốc càng tin tưởng rằng lịch sử "đang mỉm cười với họ" và thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Châu Á.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khung-hoang-ukraine-cach-hanh-xu-cua-ba-ong-lon-a27675.html