(ĐSPL) - Trong tâm thức của người Việt, tết đến xuân về là dịp để đi chùa hái lộc cầu may, xua tan những muộn phiền và những điều không tốt đẹp của năm cũ để chào đón năm mới nhiều an lành may mắn. Bởi thế, mùa xuân ở chốn cửa phật thường là nơi không hẹn mà gặp của những du khách thập phương. Nhắc đến chốn cửa chùa linh thiêng, không thể nào không nhắc đến đền Cửa Đạt ở xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), nơi tồn tại những câu chuyện nhuộm màu huyền bí nhưng đầy linh thiêng.
Vùng đất của những anh hùng
Cửa Đạt vốn là mảnh đất nổi tiếng linh thiêng, sơn thủy hữu tình và mang nhiều huyền tích. Bởi thế, đến hẹn lại lên, cứ đến đầu tháng Giêng cho đến hết tháng Ba Âm lịch, du khách thập phương lại rủ nhau về đây tụ hội để hòa mình vào không khí trong veo của đất trời mùa xuân miền sơn cước. Quần thể di tích là những ngôi đền thờ tự người anh hùng Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn.
Theo sử sách, danh nhân Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái, tên Thái là Lò Cắm Pán, một trong những thủ lĩnh người người dân tộc Thái hưởng ứng phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỉ XIX.
Ông sinh tại bản Lùm Nưa, tổng Trịnh Vạn, châu Thường Xuân, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), trong một gia đình lang đạo nhiều đời. Ông là một trong những người lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỉ XIX. Cầm Bá Thước đã cho điều động dân binh, bố trí lại việc canh gác và đóng các đồn suốt từ Bái Thượng lên Cửa Đạt, rồi lên đến Bát Mọt. Dọc theo sông Đặt, Cầm Bá Thước cho xây dựng rất nhiều đồn lũy, lập nhiều căn cứ kháng chiến. Trong suốt 10 năm chiến đấu, nghĩa quân Cầm Bá Thước kiên cường đánh giặc với hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, trong đó có trận rất lớn như trận đánh đồn Thổ Sơn ngày 6/2/1894. Người dân Thường Xuân còn nhớ câu ví “xác chết của quân tây ngổn ngang hai bên đường như chuối đổ sau một trận bão”.
Ngôi chùa nhỏ linh thiêng nằm trầm mặc giữa khung cảnh non nước hữu tình. |
Phải trải qua nhiều trận khó khăn, hao binh, tốn của và tổ chức nhiều trận đánh tập trung trong hơn một năm trời, giặc Pháp mới tiến công vào căn cứ cuối cùng của nghĩa quân Cầm Bá Thước ở Hón Bòng (Xuân Lẹ). Một cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra, cuối cùng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân Pháp bắt Cầm Bá Thước cùng vợ, em trai và 12 nghĩa quân tại vùng núi Lang-ca-phó thuộc Thường Xuân, rồi đưa về giam ở Trịnh Vạn. Sau khi chiêu hàng không được, vào khoảng cuối tháng 5 năm Ất Mùi (1985), ông bị quân Pháp bí mật thủ tiêu. Năm đó, ông Cầm Bá Thước mới 37 tuổi.
Ghi nhớ công lao thủ lĩnh Cầm Bá Thước, đồng bào Thường Xuân đã dựng đền thờ ông ở những địa điểm ghi đậm dấu ấn về cuộc đời chiến đấu. Ở đền thờ của ông có đôi câu đối khẳng định tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của Cầm Bá Thước là bất tử.
Phiên âm:
“Bất tử đại danh thùy vũ trụ
Như sinh chính khí tạc sơn hà”
Tạm dịch:
Danh thơm chẳng chết bền trời đất
Chính khí luôn còn với núi sông.
Với đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, truyền thuyết dân gian kể rằng, Bà được sinh ra vào thời nhà Trần, còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, một trong 3 vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Để tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, người dân địa phương lập hai ngôi đền bên cạnh nhau.
Nơi đây không chỉ gắn liền với cuộc đời của Cầm Bá Thước, mà còn ghi dấu nhiều hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn từ đầu thế kỷ XV. Tương truyền, thời kỳ đầu khi nghĩa quân Lam Sơn còn non yếu, nghĩa quân bị quân Minh truy đuổi phải chạy về phía thượng nguồn sông Chu. Ở đây, nghĩa quân đã dựng lán, hạ trại để tập luyện và rèn binh khí. Dấu vết lán trại thì không còn nhưng trên sông vẫn còn hòn đá, nơi Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi mài son rửa bút. Tại đây, hòn đá ông ngồi còn vết lõm xuống cạnh chỗ mài mực, chỗ gác bút. Chính bởi thế, người dân Thường Xuân vẫn còn lưu lại những câu ca về tích Hòn Mài Mực: “Mài mực nuôi con, mài son đánh giặc”.
Đền thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn tọa lạc trên một khu đất cao ráo dưới chân núi Róc – nơi hợp lưu giữa hai con sông Chu và sông Đặt. Quần thể khu di tích vừa gắn liền với tín ngưỡng tâm linh, vừa là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều du khách đến dâng hương và thưởng ngoạn. Vì thế, đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn luôn mở cửa quanh năm để đón khách tham quan.
Với những người dân nơi đây, di tích này trở thành máu thịt, họ đã nghe thuộc lòng những câu chuyện ngày xưa của người già về huyền thoại Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn. Có lẽ, bởi lòng tôn kính đối với người anh hùng Cầm Bá Thước mà họ tin rằng, những vị thần ở trong ngôi đền ấy đang bảo vệ cho sự bình yên và phù trợ cho người dân khỏi những điều không may mắn trong cuộc sống. Thế nên, mỗi khi gặp chuyện không may, người ta thường tìm đến đây để khấn cầu, mong kiếm tìm sự chở che và giúp đỡ từ đấng thần linh.
Cứ đến tháng Giêng, hàng vạn người lại hành hương về Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc cầu tài và vãn cảnh. |
Mùa lễ hội tại di tích là một trong những nơi có thời gian dài nhất ở các di tích trong tỉnh. Hàng năm, vào dịp đầu tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về Cửa Đạt. Đến đây, du khách không chỉ dâng hương cầu lộc cầu tài, mà còn hòa mình vào không khí rộn ràng, người đến kẻ đi dập dìu trong phiên chợ ngày xuân ở miền sơn cước. Những cô gái Thái, Mường sẽ mang đến lễ hội những điệu múa và giọng hát say đắm lòng người. Bà con người dân tộc thiểu số thì mang đến phiên chợ với những món đồ độc đáo, đó là những món ăn, những vật kỉ niệm rất dân dã nhưng vô cùng đặc sắc. Khách đường xa sẽ chẳng thể nào quên hương vị thơm nồng của những ống cơm lam nướng trên than đỏ hồng, những món canh lá đắng, thịt trâu hun khói, măng rừng, hạt dổi rừng hay những tấm váy rực rỡ sắc màu được thêu thùa bởi những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái…Tất cả tao nên một không gian tâm linh văn hóa, đồng thời là nơi thưởng ngoạn tuyệt vời dành cho những người yêu khám phá thiên nhiên.
Vùng đất tụ sơn hội thủy
Cửa Đạt không chỉ nổi tiếng là một vùng đất linh thiêng, mà còn là nơi du khách có dịp thưởng thức cảnh quan kỳ vĩ của núi rừng. Trước hết là ngắm nhìn thủy điện Cửa Đạt, một công trình lớn nhất Đông Nam Á. Có đến đây, trực tiếp cảm nhận bằng mọi giác quan mới thấy được nét đẹp như huyền thoại của vùng non nước, đan xen giữa vẻ trầm mặc của không gian tâm linh, sắc dịu dàng nên thơ của đất trời và hơi thở mới của cuộc sống hiện đại. Giữa một màu xanh ngát của núi rừng, hồ Cửa Đạt hiện ra như một đại dương khổng lồ trong lòng núi, màu xanh trong êm đềm in bóng mây trời trong lòng nước như một bức tranh thủy mặc vừa hùng vĩ, vừa thanh bình. Đến đây, du khách khó cưỡng lại niềm vui được thăm thú, câu cá trên hồ rộng hàng nghìn héc-ta, thưởng thức các món ăn dân dã mà giàu bản sắc văn hóa của người Thái, người Mường như món cá lăng.
Hồ thủy điện Cửa Đạt và khu di tích được bao bọc bởi khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cánh rừng được ví như Amazon của Việt Nam với nhiều ngọn núi cao trên 1.000m như: Pù Rinh, Pù Gió, Pù Ta Leo quanh năm sương mù bao phủ và lạnh giá. Mới đây, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã tổ chức lễ đón nhận di sản Việt Nam cho 2 cây Pơ mu và Sa mu dầu trên nghìn năm tuổi, góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát triển du lịch sinh thái.
Đến với Cửa Đạt, người ta không choáng ngợp bởi vẻ nguy nga tráng lệ của công trình, cũng không phải bởi những dịch vụ du lịch sôi động và hiện đại, mà du khách lại bị say đắm bởi những cung đường uốn lượn, sông núi êm đềm và không gian tĩnh lặng, khiến người ta quên đi những ồn ào náo động của cuộc sống bên ngoài để tìm sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.
Một góc của hồ thủy điện Cửa Đạt. |
Hồ Cửa Đạt, một hồ nước xanh thẳm trầm mình tĩnh lặng, dưới đáy hồ in bóng núi đồi, khó ai ngờ rằng, trước kia nơi đây từng có làng mạc, là nơi sinh sống của người dân các xã Xuân Khao, Xuân Liên, Xuân Mỹ. Để xây dựng công trình mang tầm quốc gia này, chính phủ đã di dời dân, hồ thủy điện có thể chứa đến 1,45 tỷ m3 nước và mang trong nó nhiều sứ mệnh cao cả. Bên kia bờ là thung lũng, nơi có dòng sông Chu uốn mình thong thả về xuôi. Nép mình lặng lẽ trong thung lũng, khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt là niềm tự hào bậc nhất của người Thường Xuân, điểm đến không thể bỏ qua cho những người khách thập phương thích hành hương vãn cảnh ngày xuân.
Để phục vụ nhu cầu của du khách và nhân dân trong vùng, ngay từ tối 30 tết, nhà đền đã mở cửa đón khách tham quan, dâng hương và hái lộc đầu xuân. Mỗi du khách đến đây, sau khi dâng hương cầu lộc, cầu tài và tham quan cảnh vật thiên nhiên, khi ra về thường chọn mua cho mình một cành lộc đầu xuân, với ước nguyện mang lộc về nhà.
Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt cho biết: “Để phục vụ tốt nhất nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân và du khách, UBND huyện đã chỉ đạo mạnh tay với tệ nạn mê tín dị đoan, ăn xin, ăn mày trong khu vực nội tự, tăng cường lực lượng đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường”.
Muốn về với Cửa Đạt, từ thành phố Thanh Hóa theo đường Quốc lộ 47 về hướng Tây khoảng 48km qua các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân đến ngã ba Mục Sơn rẽ trái theo trục đường liên huyện đến cầu Bái Thượng thuộc xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân. Từ cầu Bái Thượng đi theo đường 507 khoảng 3km đến thị trấn Thường Xuân. Từ ngã ba bưu điện (ngã Ba Đồng Chó) tại thị trấn, rẽ trái theo đường liên xã khoảng 10km qua xã Xuân Cẩm đến cầu Cửa Đặt thuộc làng Đặt, xã Vạn Xuân là tới di tích.