+Aa-
    Zalo

    Huyền tích về ngôi đền “vua quan giải hạn”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ít ai biết được rằng, có một ngôi đền nằm trong khuôn viên của trung tâm Hội nghị Quốc gia (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội). Đó là ngôi đền thờ rắn trắng, rất linh thiêng.

    (ĐSPL)- Ít ai biết được rằng, có một ngôi đền nằm trong khuôn viên của Trung tâm Hội nghị Quốc gia (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội). Đó là ngôi đền thờ rắn trắng, rất linh thiêng.
    Người dân địa phương vẫn truyền nhau những huyền tích về nơi vua quan thời phong kiến đến giải hạn.
    Huyền tích về ngôi đền “vua quan giải hạn”
    Không gian ngôi đền chính.
    Nơi thờ rắn trắng
    Đằng sau trung tâm Hội nghị Quốc gia có tấm bảng đúc bằng bê tông, chỉ dẫn vào đền Đức Thánh Đầm. Người dân tự do đi lại qua một cái cổng nhỏ dẫn vào đền để chiêm bái. ông Đỗ Quang Lợi, thành viên ban quản lý Di tích đền Đức Thánh Đầm cho biết, đền chỉ được thờ tự lộ thiên, không xây dựng trang trọng, đồ sộ. “Đền có niên đại hàng nghìn năm, tổng cộng có18 sắc phong thời phong kiến. Ngôi đền ở vị trí trang trọng nhưng điện thờ đơn sơ, dưới một gốc cây si cổ thụ, gốc sần sùi mọc trên nền đất cỏ xanh tự nhiên. Xung quanh điện thờ chính có sáu cây gạo cổ thụ. Bên ngoài là cổng đền, có bốn cột cao và nền lát gạch. Đây là ngôi đền gắn với truyền thuyết về rắn trắng xuất hiện”, ông Lợi nói.
    Theo truyền thuyết, khu vực đầu làng Mễ Trì xưa có một khu đồi cây cối rậm rạp, dưới chân đồi có một cái vực sâu thường ngày cứ đến chiều lại thấy thấp thoáng một thanh niên thơ thẩn tại đó. Dân làng phát hiện người thanh niên này đi xuống một cái vực rồi rẽ nước biến mất. Sau này, dân làng mới biết rằng, người thanh niên ấy chính là con vua Thủy Tề đi chơi bị lạc không tìm được đường về. Khi biết con mình lưu lạc ở khu vực này, vua Thủy Tề đã đi tìm con. Do thân phận là một vị thần không thể xuất hiện với hình dáng thật của mình nên vua đã biến thành một người khổng lồ. Đêm đêm, ngài đào bới đất tìm con. Khi ngài đang gánh đất thì bị đứt quãng, cõng được một bên còn một bên phải bỏ lại vì có tiếng động nên chó sủa, gà gáy vang, tưởng trời sắp sáng sẽ bị lộ chân tướng nên vua đành trở về khi chưa tìm được con. “Khu vực đó biến thành một cái đầm như ngày nay. Ngày trước, cái đầm này rất rộng. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, đầm dần bị lấp, thay vào đó là những ngôi nhà tầng mọc lên”, ông Lợi nói.
    Huyền tích về ngôi đền “vua quan giải hạn”
    Ông Đỗ Quang Lợi, Thành viên của ban quản lý khu Di tích đền Đức Thánh Đầm.
    Hồi đó, trong làng có một đôi vợ chồng già nhà nghèo, không có con. Một hôm, ông mang lưới ra đầm đánh cá, cả ngày hôm ấy chẳng đánh được một con cá nào cả, chỉ được một quả trứng to bằng quả trứng vịt. ông già mang về nhà cất vào trong chum thóc. Sau 20 ngày thì thấy quả trứng nở ra một con rắn trắng, hình dáng giống rồng. ông già đem giấu vào một cái chum, hàng ngày lấy hoa cỏ cho rắn ăn. ông thương rắn như con đẻ của mình.
    Đêm nọ, có một trận mưa to, gió lớn ở ngoài đầm. Rắn rời khỏi nhà, nhằm thẳng hướng ra đầm, biến mất. ông già đuổi theo để bắt rắn lại, nhưng chẳng tìm thấy rắn đâu. ông trở về nhà trong sự luyến tiếc. Hôm sau, ông già lại ra đầm đánh cá. Khi ra đến đầm, ông lại nhớ đến rắn con. ông khấn vái rằng: “Rắn con ta ơi! Rắn chẳng ở cùng ta mà rắn lại ra đầm này. Gia cảnh ta nghèo lắm, hôm nay ta kéo cá ở đầm này, con phù hộ cho ta được nhiều cá. Hãy coi đó là trả công ta nuôi vậy”. Quả nhiên, hôm ấy ông già kéo được rất nhiều cá. Rồi từ đó, ngày nào ông cũng ra đầm khấn và lại được nhiều cá. Mọi người đánh cá thấy thế liền hỏi ông, ông già chỉ bảo và họ làm theo. Quả nhiên, họ cũng kéo được rất nhiều cá. Để nhớ ơn thần rắn, mọi người sinh sống bằng nghề chài lưới đã tập hợp nhau lại. Họ đắp đất thành một cái bệ đất rồi trồng cây xung quanh cái bệ ấy. Dân chài lưới ngày ngày vào đó cầu khấn.
    Đến những giai thoại Vua quan lập đàn giải hạn
    Ông Lợi dẫn chúng tôi ra một cái giếng rộng. Ông bảo rằng, đó chính là nơi mà thần rắn chui ra khỏi chum. Thời bao cấp, cả làng Mễ Trì rộng lớn dùng chung chiếc giếng này nhưng nước không bao giờ vơi cạn. Đó là một nơi thiêng liêng nên thường kéo đến đề cầu khấn. Họ cầu gì cũng thấy ứng nghiệm. Người cầu của được của, người hiếm con cầu cũng được con?
    Huyền tích về ngôi đền “vua quan giải hạn”
    Dân làng cho rằng, dưới đáy giếng có khuôn của một ngôi đình cổ và chiếc chuông đồng?!
    Hiện, dân làng vẫn truyền tụng nhau những câu chuyện huyễn hoặc về vùng đất thiêng liêng này. Theo đó, sau tin đồn về ngôi đền thiêng ở đây, người dân khắp nơi biết tiếng, họ mang hương hoa đến lễ bái. Một ngày kia, tin đồn đến tai Đế đình. Đúng lúc trời gây tai hạn hán. Lúa, mạ khắp nơi không có nước bị héo khô, khắp nơi, giếng cạn khô, người không có nước uống. Đế đình liền phát lệnh cho hơn một trăm nơi đền miếu linh thiêng nhất để làm lễ cầu mưa. Lúc bấy giờ, nghe tin bệ đầm linh thiêng, nhà vua đã phái quần thần sửa lễ, các quan đem lễ về bệ đầm làm lễ. Khi đang lễ, cơn bão táp đổ nước xuống ầm ầm, không chứa đâu cho hết nước. Các quan triều đình không có nơi trú ẩn đều bị ướt sũng. Triều thần về tâu lên Đế đình, nhà vua ban cho tiền bạc về xây dựng một ngôi miếu đình tại đất Anh Sơn, địa phận xứ Đồng Mồ (chính là đất thuộc phường Mễ Trì bây giờ) để “ức vạn niên phụ sự hương hỏa”. Nhà vua ban sắc chỉ, xuân thu nhị kỳ, triều thần về tế lễ cấp quốc gia. Đình vừa là nơi tế lễ vừa là nơi trú nắng mưa. “Khi Đình vừa xây xong, bỗng nhiên một trận mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên chưa từng có bao giờ, rồi ngôi đình tự nhiên biến mất, thậm chí một viên ngói cũng chẳng còn”, ông Lợi nói.
    Thời gian sau đó, dân chúng gặp nắng hạn, phải tập trung trai tráng ra nạo vét các giếng để lấy nước ăn, bốc vét bùn lầy để thông thủy mạch. Khi nạo vét giếng ở gần đầm, mọi người đào sâu bốc vét hết được bùn mang lên, lạ thay thấy một cái đình ở sâu đáy giếng. Một người con trai họ Ngô thấy một chiếc chiêng đồng liền cầm lên đánh kêu ba tiếng thì ngay lập tức lăn đùng ra chết. Dân làng sợ hãi kinh hoàng, đem chiêng đó đặt ngay xuống giếng, chỉ chớp nhoáng trong giếng nước, mạch nổi lên đầy, mưa gió tầm tã, người nào cũng run sợ kinh hoàng. Kể từ đó, mỗi lần tát giếng, mọi người vẫn thấy có một cái đình ở dưới đáy giếng.
    “Mọi người truyền tụng nhau rằng, nhà ở đáy giếng là nhà của Đức Thánh Đầm, rắn thần là dòng dõi con vua Thủy Tề. Dân làng liền xây dựng trên bờ một bệ thờ. Khi gặp hạn hán, các cấp phủ, huyện lệnh sức xuống cho quan xã cùng dân chúng sửa lễ đem ra bệ đầm cầu đảo, nếu cầu rồi mà không mưa thì lệnh cho tát giếng trời thì trời tấn sẽ mưa to”.
    ông Lợi cho biết, hiện nay mọi nhà dùng nước máy, nhưng giếng được dân làng bảo vệ chu đáo, thả cá chép đỏ xuống nuôi, không ai dám xâm phạm.  Để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Đầm, hàng năm vào 18/2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng linh đình tại khuôn viên đền. Ngoài ra, cứ năm năm một lần, dân hai làng Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ thay phiên nhau tổ chức lễ rước kiệu, đi qua nhiều đường phố trong khu vực. Năm chẵn thì làng Thượng chủ trì việc rước kiệu, năm lẻ thì làng Hạ.                     
    Đền thờ Đức Thánh Đầm nằm trong khuôn viên trung tâm Hội nghị Quốc gia, diện tích gần 2.000m2, bao bọc ba hướng là đầm nước trong xanh, được xây hành lang vây quanh. Nhìn từ xa, khuôn viên đền như một bán đảo, bên kia là các công trình hiện đại, sơn thủy hữu tình.  Khi trung tâm Hội nghị Quốc gia được xây dựng cách đây không lâu, biết người dân nơi đây quý trọng ngôi đền, dự án xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã dành một phần diện tích để người dân tiếp tục tín ngưỡng, thờ cúng theo phong tục tốt đẹp.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-tich-ve-ngoi-den-vua-quan-giai-han-a39578.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan