Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, báo Tiền Phong đưa tin.
Thông báo cho biết, những ngày gần đây số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, giao lưu đi lại của người dân tăng; còn tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng; biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh; nhiều người dân có tâm lý chủ quan, chấp hành chưa nghiêm quy định 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm, cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể vẫn diến biến phức tạp. Biến chủng Omicron tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, đồng thời không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; nâng cao năng lực y tế cơ sở, sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy... "Vaccine là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn đối với công tác phòng, chống dịch", thông báo nêu.
Việc tiêm mũi hai cho người từ 18 tuổi cần thực hiện "thần tốc" để hoàn thành trong năm 2021; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi hai cho người 12-18 tuổi trong tháng 1/2022. Việc mũi thứ ba cho người trưởng thành phải xong trong quý 1/2022.
Kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sẽ được thực hiện sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ Y tế bảo đảm đủ vaccine cho tiêm chủng, hướng dẫn, tổ chức chiến dịch tiêm khoa học, hợp lý, hiệu quả. Các địa phương tổ chức thực hiện tiêm vaccine theo hướng dẫn của bộ Y tế.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố bảo đảm tiến độ tiêm vaccine khi được phân bổ; xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể khi không hoàn thành nhiệm vụ; tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vắc xin. Cùng với đó, xem xét chế tài xử lý đối với những người không chịu tiêm vaccine (trừ người chống chỉ định tiêm).
Thủ tướng giao bộ Y tế bảo đảm đủ thuốc điều trị; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện trên toàn quốc chủ động mua sắm theo quy định; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; chịu trách nhiệm kiểm định, quản lý chất lượng thuốc được đưa vào sử dụng; tổ chức mua tập trung một số loại thuốc điều trị thiết yếu và phải bảo đảm có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu.
Ngày 22/12, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô ngày càng có số ca mắc tăng nhanh trong cộng đồng và dự báo còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp thời gian tới, cơ quan này đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và cán bộ, đoàn viên, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục vào cuộc quyết tâm bảo vệ Thủ đô trước dịch bệnh, theo Hà Nội Mới.
Đặc biệt, tuyên truyền để người lao động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đám cưới, đám tang... hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ, Tết. Triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền cổ động trực quan, xe tuyên truyền lưu động, mạng internet.
Tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn Thủ đô, sẵn sàng chủ động ứng phó với mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Bích Thảo(T/h)