Cảnh sát miền Tây Ấn Độ hiện đang điều tra vụ gian lận liên quan đến kỳ thi IELTS, sau khi phát hiện việc camera giám sát tại một số trung tâm thi ở bang Gujarat bị tắt để thí sinh có thể dễ dàng đạt điểm cao.
Theo South China Morning Post, vụ việc được bắt đầu điều tra từ tháng 3, khi các quan chức biên giới Mỹ bắt giữ 6 sinh viên Ấn Độ cố gắng nhập cảnh trái phép vào nước này từ Canada. Các nam sinh viên từ 19 – 21 tuổi phải hầu tòa ở Mỹ nhưng không người nào giao tiếp được bằng tiếng Anh với thẩm phán, buộc tòa án phải tìm một phiên dịch viên người Ấn Độ đến hỗ trợ.
Điều đáng nói là 6 sinh viên này đều có chứng chỉ IELTS với điểm số cao, trong đó 4 người đạt điểm 6.5 – 7.0 trên thang điểm 9.0. Được biết, IELTS là bài thi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tại một số quốc gia, chứng chỉ IELTS được sử dụng như một yêu cầu đầu vào về tiếng Anh để tuyển sinh đại học.
Lãnh sự quán Mỹ ở Mumbai (Ấn Độ) đã yêu cầu cảnh sát bang Gujarat điều tra vì sao 6 sinh viên này đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS nhưng lại không giao tiếp được bằng tiếng Anh. Theo cảnh sát Bhavesh Rathod, có 4 sinh viên trong số đó đã tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ tại một trung tâm ở thị trấn Navsari vào tháng 9/2021 và đến Canada bằng visa sinh viên vào tháng 3 vừa qua.
Chia sẻ với hãng tin PTI, cảnh sát Bhavesh Rathod nói: "Người quản lý hội trường ở Navsari, nơi được thuê làm địa điểm thi IELTS, cho biết các giám thị đã tắt camera an ninh trước khi kỳ thi bắt đầu. Điều này cho thấy đã xảy ra chuyện không minh bạch và gian lận”.
Times of India thông tin, kết quả điều tra mở rộng cho thấy nhiều hành vi sai phạm, bao gồm cả việc cho phép người khác vào làm bài hộ thí sinh đã xảy ra tại 7 trung tâm thi IELTS ở bang Gujarat. Cảnh sát cho biết họ đã đưa 900 người vào danh sách các đối tượng liên quan đến đường dây gian lận để đạt điểm cao thi IELTS trong năm nay bằng cách chi số tiền 1,4 triệu rupee (17.700 USD) mỗi người.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục Ấn Độ vướng vào tranh cãi. Trước đó, năm 2021, hàng trăm sinh viên của Đại học Manav Bharti bị các nhà tuyển dụng ở Singapore, Malaysia, Dubai, Nam Phi, Mỹ và Canada gây sức ép buộc họ phải chứng minh bằng cấp của mình là thật.
Theo báo cáo vào tháng 2/2021 của cơ quan chính phủ Ấn Độ, Đại học Manav Bharti bị nghi đã bán tới 36.000 văn bằng kể từ khi được thành lập vào năm 2009. Giá bán các văn bằng dao động trong khoảng từ 100.000 – 300.000 rupee (khoảng 1.300 – 3.800 USD).
Tính tới năm năm 2021, trường đại học này đã cấp 41.000 văn bằng nhưng chỉ có 5.000 văn bằng là “hàng thật”. Raj Kumar Rana - người đứng đầu Đại học Manav Bharti, bị bắt năm 2020 vì có liên quan đến vụ việc nhưng vẫn đang trong tình trạng được bảo lãnh.
Đinh Kim(T/h)