(ĐSPL) - Khi Mỹ phát động cuộc không kích chống “Nhà nước Hồi giáo”, bài học Chiến tranh Việt Nam có thể cung cấp cho giới học giả một số thông tin để suy ngẫm.
Trên thực tế, chính quyền Obama đã quyết định dựa vào không quân để ngăn chặn những thảm họa do cuộc chiến tranh Iraq gây ra. Theo bài viết của phó giáo sư người Mỹ Robert Farley - giảng dạy tại Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson – đăng trên tạp chí The National Interest, các hoạt động không kích chống lại “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS) chắc chắn khiến người ta nhớ đến các cuộc chiến tranh thảm khốc trước đây.
Rất có thể, người ta lại đặt câu hỏi: Liệu Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam hoặc ít nhất là hạn chế mức độ thất bại… chỉ bằng lực lượng không quân?
|
Với mức độ bạo liệt chưa từng có, Không quân Mỹ cũng đã không thể ngăn cản nổi sự sụp đổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn trong Chiến tranh Việt Nam. |
Xét về khía cạnh chiến lược, chiến thuật của việc sử dụng không quân Mỹ ở Việt Nam, người ta sẽ nhận được câu trả lời là "Có thể, nhưng ..." và cần nhấn mạnh vào chữ "nhưng”. Mỹ có thể có sử dụng không quân hơn hiệu quả ở Việt Nam hơn những gì đã làm, nhưng ngay cả những kế hoạch hiệu quả nhất cũng không có khả năng cứu chế độ Sài Gòn khỏi bị sụp đổ.
Thất bại chiến lược
Chiến lược ném bom The Rolling Thunder (Sấm rền) tìm cách thủ tiêu ý chí của Hà Nội bằng cách làm tăng liên tục cái giá phải trả cho nỗ lực thống nhất. Chiến dịch “Sấm rền” đã thất bại, phần lớn là do Mỹ không hiểu được ý chí của người Việt Nam và cũng không biết được những toan tính của Hà Nội.
Chiến dịch “Sấm rền” không hề làm suy yếu 3 nguồn cung cho những người cộng sản trong cuộc chiến là Trung Quốc, Liên Xô và các vùng nông thôn miền Nam Việt Nam. Có rất ít dấu hiệu cho thấy một chiến dịch không kích rộng lớn hơn hoặc mở rộng hơn có thể làm suy sụp ý chí giải phóng đất nước của người Việt Nam.
Cuộc tranh luận về chiến dịch Linebacker II, chiến dịch ném bom chiến lược cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, hiện đang tiếp tục ở cả Việt Nam lẫn Mỹ. Hầu hết các ý kiến tham luận đều cho rằng chiến dịch này chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngăn chặn đà sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Nhiều khả năng, nó chỉ đơn giản gửi một thông điệp sai lầm về cam kết của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn.
Một trong những bài học lớn nhất của Chiến tranh Việt Nam là chiến dịch ném bom chiến lược của Mỹ đã không phát huy tác dụng, ngay cả khi nó được tiến hành trên quy mô lớn với các loại vũ khí hiện đại.
Thành công không vượt qua ngoài phạm vi chiến thuật và chiến dịch
Quân đội Mỹ đã đạt được một số thành công với lực lượng không quân trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng sự thành công này không bao giờ vượt ra ngoài phạm vi chiến thuật và chiến dịch. Hơn nữa, quân đội Mỹ cũng không thể tạo ra những điều kiện để lực lượng của chế độ Sài Gòn có thể lặp lại thành công này. Cuối cùng, sự cạnh tranh giữa các quân chủng trong quân đội Mỹ về quyền kiểm soát máy bay trực thăng, máy bay vận tải hạng nhẹ và hỗ trợ trên không đã hạn chế lợi thế về không quân của Mỹ. Người Mỹ đã không thể tổ chức lại toàn bộ quân đội của chế độ Sài Gòn và cũng không thể loại bỏ được những lợi thế vốn có của những người cộng sản Việt Nam.
Hải quân và Không quân Mỹ đã mở chiến dịch Linebacker I hồi mùa xuân năm 1972, khi những người cộng sản Việt Nam mở một cuộc tấn công lớn nhằm tiêu đánh gãy xương sống quân đội Sài Gòn và dẫn đến một sự sụp đổ về chính trị. Cuộc tấn công này đã không đạt được mục tiêu đề ra, phần lớn vì sự hiệu quả của không quân Mỹ trong việc đánh phá các đơn vị chủ lực và lực lượng hậu cần của quân đội Việt Nam.
Chỉ có điều những người cộng sản Việt Nam lại có trong tay nhiều công cụ để tấn công chế độ Sài Gòn và không quân Mỹ không có cách nào để vô hiệu hóa tất cả những công cụ đó. Cuộc tổng tấn công cuối cùng năm 1975 có thể đã khiến cho phía Mỹ “không kịp trở tay” vì không ai ngờ rằng sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Sài Gòn lại diễn ra nhanh chóng đến thế. Và chính quyền Mỹ khi đó cũng không chắc sẽ được dân chúng “bật đèn xanh” cho việc can thiệp trở lại để hậu thuẫn chế độ Sài Gòn.
Theo phó giáo sư Robert Farley, nếu sử dụng có hiệu quả, không quân Mỹ có thể ngăn chặn cuộc các tấn công quân sự thông thường. Tuy nhiên, nó không thể giải quyết các vấn đề chính trị cơ bản đã khiến cho chế độ Sài Gòn dễ bị tổn thương. Không quân Mỹ không thể ngăn chặn được quyết tâm thống nhất đất nước của người Việt Nam và cũng không đủ sức giúp chế độ Sài Gòn kiểm soát lãnh thổ. Nếu không có sự thay đổi các yếu tố cơ bản, chiến thắng cuối cùng của những người cộng sản Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-quan-my-bo-tay-trong-chien-tranh-viet-nam-a50744.html