Bỏ bữa sáng
Bữa sáng được nhiều chuyên gia sức khoẻ đánh giá là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhất là với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy nếu các bệnh nhân mắc tiểu đường bỏ bữa sáng, lượng đường trong máu cả ngày của họ sẽ cao hơn bình thường. Điều này là do việc bỏ bữa sáng có thể ức chế chức năng tế bào của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin điều hòa đường huyết.
Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lynn Grieger, ăn bữa sáng thôi là không đủ để giữ lượng đường trong máu. Chuyên gia này gợi ý mọi người nên ăn bữa sáng cân bằng các nhóm chất, ít tinh bột, kết hợp cả rau xanh và các nguồn đạm lành mạnh.
Lười vận động
Tập thể dục là việc cần thiết để kiểm soát bệnh tiểu đường, duy trì cân nặng khoẻ mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy insulin trong cơ thể, giúp loại bỏ glucose khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng. Theo một đánh giá, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể giảm sự phụ thuộc vào thuốc hạ đường huyết bằng cách tập thể dục thường xuyên.
Ngược lại, lười vận động lại khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy chỉ cần giảm vận động trong 3 ngày sẽ làm tăng đường huyết ở người khoẻ mạnh. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình tập luyện, bạn có thể kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục, tránh việc để lượng đường trong máu xuống mức quá thấp.
Ăn uống vô tội vạ
Một số người mắc bệnh tiểu đường ngại kiểm soát khẩu phần ăn và ăn bất cứ thứ gì họ muốn.
Cứ như vậy, một lượng đường lớn sẽ dồn vào máu, tuyến tụy tiết ra insulin nhiều hơn. Theo thời gian, tuyến tụy cuối cùng sẽ kiệt sức và dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Ngoài ra, việc tích trữ năng lượng dư thừa cũng sẽ dẫn đến béo phì. Cảm giác no và đói là tín hiệu từ cơ thể nhắc mọi người điều tiết lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Những người thừa cân hoặc béo phì sẽ bị rối loạn điều hòa cảm giác no và đói do kháng insulin và tăng insulin máu. Đó là lý do tại sao họ thường cảm thấy đói và muốn ăn nhiều hơn.
Tâm trạng xấu
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, tinh thần suy sụp sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tình trạnh bệnh trầm trọng hơn.
Bệnh nhân tiểu đường thường xuyên "xúc động" sẽ dẫn đến đường huyết cao kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Thậm chí tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn, dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm xảy ra sớm hơn.
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy 30% - 50% người bệnh đái tháo đường bị rối loạn tâm lý. Những người trầm cảm, tức giận không chỉ kiểm soát đường huyết kém mà còn có nhiều biến chứng mãn tính hơn.Vì vậy, những cảm xúc tiêu cực không có lợi cho việc kiểm soát bệnh.
Bệnh tiểu đường liên quan mật thiết đến lối sống, hành vi và tâm lý xã hội. Vì vậy, việc điều trị bệnh đái tháo đường cần chú trọng điều trị toàn diện, từ đó sẽ giúp bệnh nhân có những chuyển biến tích cực hơn trong quá trình điều trị.
Ngủ ít
Theo Tổ chức giấc ngủ Hoa Kỳ, phần lớn các nghiên cứu liên quan đến bệnh tiểu đường đều cho kết quả: Thiếu ngủ dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Tổ chức này khuyến nghị cả người khoẻ mạnh và bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đều nên ngủ 7-9 tiếng với người trưởng thành và 7-8 tiếng với người từ 65 tuổi trở lên.
Đại diện Tổ chức giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết thiếu ngủ kích hoạt giải phóng cortisol, tác động đến hormone insulin và quá trình stress oxy hóa, ảnh hưởng đến đường huyết ở người tiểu đường và nguy cơ kháng insulin ở người bình thường.
Bác sĩ Gregory Dodell giải thích thêm, việc ngủ ít còn làm tăng hormone gây đói, kích thích bạn ăn đêm và khó theo đuổi chế độ ăn lành mạnh. Vậy nên bác sĩ người Mỹ lưu ý bệnh nhân tiểu đường nên chú ý đến đường huyết sau những đêm mất ngủ.
Hút thuốc
Thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến cơ, tăng mức độ căng thẳng và tăng nguy cơ kháng insulin. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nicotine làm tăng nồng độ hemoglobin trong máu lên 34%. Hemoglobin là đường trên các tế bào hồng cầu. Khi giá trị của nó quá cao sẽ đồng nghĩa với việc lượng đường trong máu không được kiểm soát, con người dễ mắc các bệnh như tiểu đường.
Thức khuya
Thức khuya là thói quen vô cùng xấu mà nhiều người thường mắc phải, đặc biệt là giới trẻ nhưng đây cũng là hành vi khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Nguyên nhân là vì trong quá trình thức khuya, cơ thể con người rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, có thể khiến dây thần kinh giao cảm hoạt động quá độ. Từ đó việc này ảnh hưởng đến quá trình bài tiết insulin khiến lượng đường trong máu không ổn định.
Như Quỳnh(T/h)