Là tác phẩm hiếm hoi lấy thể loại tâm lý, giật gân làm điểm nhấn, Án Mạng Lầu 4 trở thành một làn gió mới trong điện ảnh Việt dịp hè 2024. Phim xoay quanh câu chuyện về đôi vợ chồng Thắng và Đình Đình trong quá trình chuẩn bị di cư sang Canada. Dù chỉ còn vài tiếng đồng hồ trước khi ra sân bay, Đình Đình tốt bụng lại nhận giúp trông coi một đứa trẻ sơ sinh nhà hàng xóm. Để rồi loạt bi kịch bắt đầu khi Thắng phát hiện đứa bé đã qua đời từ lúc nào không hay. Bộ phim có sự tham gia của Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh, NS Ngân Quỳnh, NS Kiều Trinh,..Phim sẽ chính thức ra rạp vào ngày 17/5/2024.
Với kịch bản được chuyển thể từ một bộ phim Iran, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã thành công trong việc “Việt hoá" những chi tiết phim, giúp tác phẩm này mang đến những trải nghiệm chân thật cho khán giả. Thậm chí, chất Việt Nam trong tác phẩm này còn khiến cho nhịp độ và sự hồi hộp của tác phẩm này được tăng cao qua từng giây chuyển cảnh.
Một bộ phim khiến khán giả “khó thở" từ không gian đến câu chuyện
Việc đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cô lập hai nhân vật chính trong không gian của một căn hộ chung cư cũng mang đến cảm giác bí bách, khó chịu cho người xem. Thoạt đầu, căn nhà ấy tưởng chừng như là một tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ, để rồi dần dần lại trở thành một phiên tòa nhân phẩm.
Sở hữu một tiền đề táo bạo, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn dường như muốn mang đến một góc nhìn mới cho khán giả về vấn đề đúng sai, lẫn đạo đức của con người. Liệu Đình Đình và Thắng có điện báo cho công an về cái chết của đứa trẻ, để rồi dẹp tan ước mơ xuất ngoại, hay họ sẽ giấu diếm chuyện này và rời đi trong yên lặng?
Không chỉ hai vợ chồng Đình Đình, đến khán giả cũng dường như bị bó hẹp lại bởi sức ép giữa phần con và phần người bên trong. Đây được xem là một điểm sáng của phim khi không mang đến một nhân vật chính quá hoàn hảo. Hai nhân vật Đình Đình và Thắng vẫn rất đời, họ có những mong muốn và nhu cầu riêng, được đặt cao hơn so với lợi ích của người khác.
Án Mạng Lầu 4 có kịch bản gốc đến từ bộ phim Melbourne (2014) của Iran. Tác phẩm này từng nhận được nhiều lời khen từ các nhà phê bình quốc tế, đặc biệt, phim còn thắng giải Kim tự tháp Vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cairo (2014). "Vì bộ phim gốc có một concept thông minh, chỉ diễn ra ở một bối cảnh. Quan trọng không chỉ ở mỗi concept, mà câu chuyện của phim cũng phải hay và thú vị." - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ về lý do chọn kịch bản của Melbourne để remake.
Dù vẫn còn là một cái tên mới trên đường đua phim Việt, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn vẫn không ngại thử sức ở một câu chuyện nặng về tâm lý cũng như chứa đựng nhiều lớp lang về đạo đức. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt khi đang chào đón nhiều hơn những sự đa dạng về kịch bản cũng như chủ đề và thể loại.
Án Mạng Lầu 4: Bộ phim mang đầy chất Việt, gần gũi đến lạ thường với khán giả
Được làm lại từ một tác phẩm gốc đến từ Iran, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã phải dụng công đưa nhiều nhất những yếu tố Việt Nam vào Án Mạng Lầu 4, để phù hợp với văn hoá của người Việt. “Tôi bắt đầu nghĩ về việc địa phương hóa kịch bản ở những điểm chưa hay, chỗ nào ổn thì mình giữ lại. Những phần chuyển dịch được diễn ra từ việc thiết kế bối cảnh, tình huống phim.” - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn bộc bạch về cách Việt hoá câu chuyện phim.
Án Mạng Lầu 4 lấy bối cảnh tại một chung cư cũ, nơi tập trung của nhiều hộ gia đình chung sống, đem đến nhiều góc nhìn quen thuộc cho khán giả về cuộc sống tại Việt Nam. Hình ảnh những người hàng xóm “muôn hình vạng trạng” vừa giúp phim trở nên gần gũi hơn với văn hoá nước ta, song, lại đẩy nhanh sự căng thẳng trong phim lên nhiều lần. Với tình huống éo le mà cặp đôi nhân vật chính gặp phải, việc được hỏi thăm từ hàng xóm từ chỗ có ý tốt lại bị biến thành những giây phút hồi hộp, sợ hãi xoay quanh cái chết của đứa bé.
Ngoài ra, tư tưởng về Phật giáo cũng được gài gắm tinh tế qua một số cảnh phim. Ban đầu, khi chuẩn bị di cư sang đất nước mới, Thắng tỏ ra là một người vô thần, anh không tin vào việc cầu chúc cho điều tốt lành. Để rồi khi gặp chuyện, Mẹ Quan Âm lại chính là chỗ dựa về tinh thần cho nhân vật này với hình ảnh anh thắp nhang cho bà, cầu mong bản thân sẽ “tai qua nạn khỏi”.
Bên cạnh những tư tưởng triết lý lẫn bối cảnh phim, hình tượng người vợ cũng được chính đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhào nặn lại để phù hợp hơn với khán giả Việt. “Cách Việt hoá rõ ràng nhất mà mọi người không nhận ra chính là vai trò của người vợ trong câu chuyện, trong môi trường Hồi giáo, người vợ thường sẽ nghe theo chồng mình, người chồng sẽ quyết định mọi thứ. Đó có thể là văn hoá của người ta, tôi thì tôi muốn thay đổi, hình ảnh người chồng về sau sẽ yếu đuối hơn, trong khi người vợ lại mạnh mẽ lên.” - đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho hay.
Nhân vật Đình Đình của Lương Bích Hữu ban đầu xuất hiện với vẻ hiền dịu, nhẹ nhàng. Đến khi phát hiện biến cố, điều đầu tiên cô nghĩ đến vẫn là gọi điện cho cấp cứu và cảnh sát. Đình Đình hiện rõ với hình ảnh là một người vợ tảo tần, không ngại khó khăn, có một tình yêu to lớn dành cho chồng. Nhân vật này không chỉ nghe theo những quyết định của Thắng, đôi lúc lại có những lập trường riêng, giúp cô trở thành một trong những nhân vật đáng nhớ trong tác phẩm lần này.
Hứa hẹn với những thành công ban đầu mà Án Mạng Lầu 4 gặt hái được, điện ảnh Việt sẽ dần dần cởi mở hơn với việc đa dạng hoá câu chuyện cũng như chủ đề phim được khai thác. Từ đó, các nhà làm phim có thể thỏa sức sáng tạo, đem đến nhiều tiếng nói ấn tượng thông qua hình ảnh cho khán giả tại các rạp chiếu.