Sữa động vật (bò, dê) phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, giàu protein chất lượng cao, canxi, vitamin. Thức uống này thúc đẩy sự phát triển của xương, tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa loãng xương.
Uống một ly sữa mỗi ngày có thể bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, một số người uống sữa không những không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn gặp các bất ổn sức khỏe.
Người dị ứng sữa
Dị ứng sữa là một dạng dị ứng thực phẩm phổ biến do phản ứng miễn dịch với whey protein hoặc casein có trong sữa. Khi đó, cơ thể sản sinh ra quá nhiều histamine dẫn tới một số triệu chứng.
Theo Mayo Clinic, người bệnh sẽ thở khò khè, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, phát ban, tụt huyết áp. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến sốc phản vệ. Bệnh chỉ có thể kiểm soát bằng cách tránh tiếp xúc các sản phẩm từ sữa đồng thời sử dụng thuốc chống dị ứng kịp thời.
Không dung nạp lactose
Một số người không dung nạp lactose do cơ thể thiếu enzyme lactase nên không thể phân hủy đường lactose trong sữa thành glucose và galactose. Khi đó, đường lactose lên men trong ruột, sinh ra một lượng lớn khí và các chất có tính axit, gây ra các triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy, đau bụng.
Bị bệnh thận
Người suy giảm chức năng thận không có khả năng bài tiết nước và chất thải ra khỏi cơ thể đúng cách, dẫn đến các triệu chứng như phù nề, huyết áp cao và thiếu máu. Họ cần kiểm soát lượng protein nạp vào để giảm gánh nặng cho thận và trì hoãn sự tiến triển của bệnh.
Theo Healthline, sữa có hàm lượng protein cao, mỗi cốc (240ml) sữa nguyên chất cung cấp gần 8g protein. Do đó, người bệnh thận cần hạn chế uống sữa để tránh tích tụ chất thải protein trong máu. Dùng quá nhiều sữa làm tăng gánh nặng cho thận, tổn thương sẽ trầm trọng hơn.
Người có cholesterol cao
Cholesterol cao hay thấp đều phản ánh trực tiếp từ chế độ ăn uống hàng ngày. Theo USDA, 100g sữa bò bình thường chứa 10g cholesterol nên nếu uống quá nhiều sẽ làm tăng lượng cholesterol lên cao, đặc biệt nguy hiểm với những bệnh nhân đã có hàm lượng cholesterol cao sẵn. Nhóm bệnh nhân này tốt nhất nên hạn chế uống sữa hoặc có thể hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng tiêu thụ phù hợp.
Người có nhiều mụn trứng cá
Khi trên da mặt có nhiều mụn trứng cá, không chỉ vi khuẩn sống trong lỗ chân lông của bạn gây viêm nhiễm mà những gì bạn ăn vào, như sữa, cũng có thể thúc đẩy tình trạng này, làm cho da bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia khuyến cáo khi mặt có mụn thì cần tránh các món đồ ngọt, bao gồm cả sữa.
Người bị bệnh chàm và bệnh hồng ban
Bệnh chàm có thể trở nên tồi tệ hơn do sữa.
Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh hồng ban ở người lớn. Nếu bạn thấy da trở nên nóng khi uống sữa, hãy bỏ nó ra khỏi chế độ ăn uống của mình.
Loét dạ dày
Loét dạ dày có các triệu chứng như đau bụng, trào ngược axit và ợ hơi. Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống, tránh các thực phẩm gây kích ứng như cay, chiên, chua… để tránh làm nặng thêm tổn thương niêm mạc dạ dày và chậm quá trình lành vết thương.
Sữa chứa hàm lượng canxi cao. Người bị loét dạ dày uống nhiều sữa sẽ kích thích tiết axit dạ dày, làm tăng tình trạng viêm niêm mạc dạ dày, cơn đau trầm trọng hơn, thậm chí gây chảy máu.
Người mắc các bệnh về tiêu hóa
Các nhà nghiên cứu đến từ Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins, Trường Y tế Công cộng Bloomberg và Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, 65-70% dân số thế giới mắc chứng không thể dung nạp lactose có trong sữa. Nếu bạn đang mắc các chứng liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy thì hãy từ bỏ việc uống sữa, nếu không muốn các triệu chứng thêm trầm trọng.
Người đang bị cảm lạnh
Các nhà nghiên cứu Úc cho rằng uống sữa có thể làm nặng thêm các triệu chứng cảm lạnh. Đặc biệt, nó có thể làm cho bạn nhiều đờm hơn và gây kích thích cổ họng và mũi.
Người có nguy cơ bị một số bệnh ung thư
Các nghiên cứu cho thấy ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi cơ thể dư thừa canxi; Các loại đường trong sữa có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng; Bò được nuôi với hormone tăng trưởng giúp kích thích sản xuất sữa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của cơ quan sinh sản và ung thư vú.
Như Quỳnh (T/h)