Thông tin có hai hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp trên chiếc máy bay Boeing 777-200 bị mất tích của hãng hàng không Malaysia khiến các chuyên gia quốc tế không loại trừ khả năng máy bay đã bị không tặc hoặc tấn công khủng bố.
24 giờ sau khi chiếc máy bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên đường bay từ Kuala Lumpur sang Trung Quốc, manh mối duy nhất liên quan đến số phận chiếc máy bay là việc có 2 người trong số 227 hành khách có tên trên máy bay đã sử dụng hộ chiếu ăn cắp đồng nghĩa với việc 2 người này không rõ danh tính.
Điều này khiến các nhà phân tích lo ngại rằng rất có thể những kẻ khủng bố đã sử dụng hộ chiếu ăn cắp để lên máy bay.
Một sĩ quan không quân Việt Nam trên một máy bay tìm kiếm cứu hộ chiếc Boeing 777 bị mất tích. Ảnh: Reuters |
Theo hãng thông tấn AP, cả hai hộ chiếu này thuộc về một người Áo và một người Ý và đều bị mất cắp tại Thái Lan. Cha của người đàn ông Ý nói với AP rằng con trai ông vẫn an toàn và đang nghỉ mát tại Thái Lan, còn hộ chiếu của anh ta đã bị lấy cắp một năm trước.
Còn ở Áo, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định cảnh sát đã liên lạc được với công dân Áo có tên trong danh sách hành khách mất tích và người này khẳng định hộ chiếu của mình đã bị lấy cắp 2 năm trước khi đang đi du lịch châu Á.
Trước thông tin này, các quan chức Mỹ cho biết họ cũng đang quan tâm điều tra khả năng chiếc máy bay MH370 đã bị khủng bố. Trả lởi phỏng vấn hãng NBC News, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã nghe báo cáo về 2 hộ chiếu ăn cắp và vẫn còn sớm để khẳng định điều này có liên quan đến một hành động khủng bố mà có thể là những hành động tội phạm khác. Hiện tại vẫn chưa thể nói chắc chắn được điều gì”.
Trả lời phỏng vấn về số phận chiếc máy bay, ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman - Tổng giám đốc công ty hàng không dân dụng Malaysia cho biết, ông không thể tiết lộ gì thêm cho đến khi có kết quả điều tra rõ ràng. Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì nói rằng tất cả mọi khả năng đều đang được xem xét và vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào.
Trong khi đó, Cục quản lý hàng hải Malaysia cũng đang tăng cường tìm kiếm ở vùng biển ngoài khơi bang Kelantan, nơi mà chiếc máy bay bị mất tích xuất hiện lên cuối cùng trên radar theo dõi đường bay của không lưu Malaysia. Các nhân viên tìm kiếm cứu hộ đã tìm thấy một mảnh vải trôi trên vùng biển này và lúc đầu nghĩ rằng nó là một chiếc áo phao cứu sinh, nhưng hiện tại họ đang xác định xem liệu có phải mảnh vải này thuộc về chiếc máy bay bị mất tích hay không.
Người thân của các hành khách trên máy bay mất tích chờ đợi trong lo lắng tại sân bay quốc tế Malaysia. Ảnh: Reuters |
Ông Igantius Ong, giám đốc điều hành hãng Firefly - một chi nhánh của Malaysia Airlines cũng mới tiết lộ rằng chiếc máy bay bị mất tích đã được kiểm tra giám định 10 ngày trước khi mất tích. Ông Ong khẳng định chiếc máy bay “trong tình trạng hoàn hảo và không có tiền sử bị trục trặc hỏng hóc nào. Chúng tôi cũng đang nóng lòng chờ đợi thêm thông tin và đang phối hợp với các cấp chính quyền các bên để điều tra”.
Trên chiếc máy bay bị mất tích có 227 hành khách, là công dân 14 nước khác nhau, trong đó có ít nhất 152 người Trung Quốc, 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Úc, 5 người Ấn Độ, 4 người Pháp và 3 người Mỹ. Malaysia Airlines là một trong những hãng bay an toàn và ít gặp sự cố nhất tại châu Á – Thái Bình Dương. Phi công của chiếc máy bay MH370 được xác định là Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi), là một người có kinh nghiệm 18.365 giờ bay.
Hiện nay điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay vẫn là câu hỏi lớn khi máy bay mất tích mà không phát ra bất cứ tín hiệu S.O.S nào.
H.T(theo NLĐ)