+Aa-
    Zalo

    Không ép buộc thầy cô thi giáo viên dạy giỏi từ tháng 2/2022

    (ĐS&PL) - Từ tháng 2/2022, nhiều chính sách giáo dục có hiệu lực, trong đó có quy định tổ chức hội thi giáo viên giỏi dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực cho thầy, cô.

    Không ép buộc thầy cô thi giáo viên dạy giỏi

    Từ ngày 12/2, Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực.

    Theo đó, quy định nguyên tắc tổ chức hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, không ép buộc, không tạo áp lực cho thầy, cô tham gia; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.

    Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần, cấp tỉnh 4 năm/lần.

    Số lượng giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp do hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; trưởng phòng GD&ĐT; giám đốc sở GD&ĐT quyết định theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, ngân sách của địa phương hàng năm.

    Trưởng phòng GD&ĐT quy định cụ thể số lượng giáo viên mầm non tham dự hội thi cấp trường đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

    Khám sức khỏe cho sinh viên ít nhất 1 lần/năm học

    Thông tư 33/2021/TT-BYT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

    Trong đó, Thông tư quy định tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

    Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục. Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực. Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

    khong ep buoc thay co thi giao vien day gioi tu thang 2 20221
    Ảnh minh họa. (Zing)

    Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên

    Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

    Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.

    Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.

    Đánh giá bằng nhận xét: Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.

    Đánh giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

    Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong từng học kì, điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) được sử dụng để đánh giá kết quả học tập của học viên trong cả năm học. Kết quả học tập của học viên trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

    Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:

    - Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6

    - Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10

    - Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11

    - Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

    Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục

    Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương

    Theo đó, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 3 năm đến 5 năm.

    Quy định này có hiệu lực từ 14/2/2022.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-ep-buoc-thay-co-thi-giao-vien-day-gioi-tu-thang-2-2022-a527441.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan