Giống như nhiều nghiên cứu sinh khác, Aimée Lê chia sẻ cô cần công việc được trả lương theo giờ - với tư cách là một giảng viên tiếng Anh - để tồn tại. Tuy nhiên, trong 2 năm dạy học với tư cách nghiên cứu sinh, cô đã phải dọn ra ngoài và sinh sống trong một căn lều.
Lê cho biết quyết định dọn ra ngoài sống trong lều là giải pháp cuối cùng của cô khi phải đối mặt với việc tiền thuê nhà tăng cao trong năm thứ 3 chương trình Tiến sĩ tại Royal Holloway, Đại học London (Anh). Đồng thời, cô biết rằng mình sẽ không bao giờ đủ khả năng trang trải tiền thuê nhà với thu nhập giảng dạy của mình.
Cô kể lại: "Trời rất lạnh. Đó là một căn lều nhỏ dành cho một người, sau một thời gian, mọi thứ đã trở nên ấm hơn. Nhưng có những ngày tôi nhớ mình thức dậy và lều của tôi chìm trong tuyết. Khi không phải đi làm, tôi đã học cách chặt củi hoặc đốt lửa".
Nữ giảng viên cho biết cô phải cất sách vở của mình tại văn phòng để chúng không bị hỏng và phải tắm trong nhà vệ sinh trường đại học. Cô đã phải giấu cha mẹ mình việc này, nói rằng cô ấy đang ở trong một trang trại sinh thái để tránh làm họ lo lắng.
Lê cũng không tiết lộ với bất kỳ ai ở trường đại học về vấn đề của mình. Nữ giảng viên cho biết cô đã sống một cuộc đời "hai mặt", sợ rằng danh tiếng và sự nghiệp của cô sẽ bị ảnh hưởng nếu mọi người biết cô là người vô gia cư. Cô chia sẻ: "Tôi đã nhận được đánh giá tích cực từ học sinh. Tôi thậm chí còn tham gia tổ chức một hội nghị quốc tế. Tôi đã làm việc với một tiêu chuẩn rất cao và tôi cực kỳ tập trung".
Tuy nhiên, Lê nói rằng không có sinh viên nào của cô biết về việc cô phải sống trong lều vì không đủ tiền thuê nhà. Cô nói: "Tôi nghĩ các sinh viên đã hy vọng tôi được nhận lương cho công việc của mình. Tôi nghĩ đó là những gì sinh viên ở khắp mọi nơi tưởng tượng, rằng chúng tôi là giảng viên theo hợp đồng đàng hoàng. Tôi đã nói với họ rằng không phải vậy nhưng tôi nghĩ rằng chuyện tiết lộ sự thật tôi đang sống bên ngoài sẽ khiến mọi việc đi quá xa".
Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng (UCU) cho biết hoàn cảnh của những sinh viên trẻ đang khao khát có được một chỗ đứng vững chắc trong sự nghiệp đang ngày càng trở nên tồi tệ. Nhân viên tại 146 cơ sở giáo dục đại học phải bỏ phiếu quyết định việc đình công vì trả lương không công bằng, khối lượng công việc "không thể chấp nhận được" và không được ký hợp đồng.
Lê đã nhận được học bổng hàng năm trị giá 16.000 bảng Anh (khoảng 21.800 USD) trong ba năm học tiến sĩ tại Royal Holloway và giành thêm một học bổng từ Mỹ trong năm đầu tiên của cô. Nhưng với tư cách là một sinh viên quốc tế, cô phải trả 8.000 bảng học phí mỗi năm cho trường đại học (khoản học phí này được miễn cho nghiên cứu sinh đến từ Anh). Việc này khiến cô chỉ có 12.000 bảng một năm để trang trải cuộc sống, số tiền này bao gồm cả tiền lương giảng dạy cô.
Theo đó, Lê chia sẻ cô đã chỉ đủ khả năng trang trải tiền thuê nhà ở khu nhà rẻ tiền cho sinh viên các khoá sau đại học. Tuy nhiên, khu này này sau đó đã phải đóng cửa để cải tạo. Để đủ tiền thuê nhà, Lê cần kiếm thêm khoảng 3.000 bảng Anh mỗi năm, điều mà cô nói là không thể làm được. Quyết tâm tiếp tục việc học, Lê đã mượn lều của một người bạn để sống qua ngày.
Lê thừa nhận: "Tôi thực sự đã rất sợ. Tôi phát hiện ra có khu trại của nhóm người biểu tình gần khuôn viên trường nên tôi tự hỏi liệu mình có thể ở đó để bớt cô đơn không. Và đó là khởi đầu cho hai năm tiếp theo của tôi".
Khi sống trong lều, Lê mong đợi một "sự ổn định" sau khi hoàn tất chương trình học tiến sĩ. Cô biết mình sau này có thể sẽ chỉ nhận được những hợp đồng ngắn hạn nhưng chúng có thể nối tiếp nhau và giúp cô giảm bớt nỗi lo về tiền thuê nhà.
Giờ đây Lê cảm thấy sự lạc quan của mình đã đặt nhầm chỗ. Cô đã lấy bằng tiến sĩ năm 2018 nhưng hiện nay vẫn đang phải sống ở nhà mẹ đẻ và tìm kiếm việc làm. Cô tâm sự: "Thành thật mà nói, tôi đấu tranh với câu hỏi liệu có nên bỏ cuộc hay không, Điều trớ trêu là tôi nghĩ mình rất phù hợp với công việc này. Tôi biết tôi là một giáo viên thực sự tốt. Nó giống như một thiên chức".
Lên tiếng về trường hợp của cô Lê, trường Royal Holloway nói rằng họ không biết về khó khăn tài chính của cô. Đại diện trường đại học chia sẻ: "Chúng tôi có đội ngũ cố vấn sinh viên tận tâm luôn ở đây để hỗ trợ, bao gồm cả nghiên cứu sinh Tiến sĩ, về sức khỏe và hạnh phúc của họ. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm tư vấn miễn phí, trợ giúp khủng hoảng và một nhóm phúc lợi tài chính, những người có thể cung cấp thông tin về nguồn tài trợ bổ sung mà sinh viên có thể nhận nếu đủ điều kiện".
Minh Hạnh(Theo The Guardian)