+Aa-
    Zalo

    Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm đất quốc phòng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm trong xử lý đất quốc phòng.

    Bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm trong xử lý đất quốc phòng.

    Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

    Lo ngại tham nhũng đất đai

    Việc sử dụng đất quốc phòng được Chính phủ đánh giá trong báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 gửi tới Quốc hội.

    Theo báo cáo, số liệu kiểm kê đất quốc phòng năm 2016, hiện nay toàn quân đang quản lý 12.212 điểm đất quốc phòng với tổng diện tích 251.690,5 ha. Về cơ bản, các điểm đất quốc phòng đã có quyết định đóng quân, quy hoạch phân khu chức năng sử dụng đất, quy hoạch tổng mặt bằng, tạo điều kiện cho các đơn vị xây dựng doanh trại chính quy.

    Việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển các cơ sở quân sự và công trình quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Diện tích đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng nhưng chưa sử dụng ngay, được một số đơn vị tận dụng đưa vào sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng của Quân đội, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất, vừa bảo đảm dự trữ nguồn lực đất đai phục vụ quốc phòng, vừa tạo nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng.

    Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn có những hạn chế như: Để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất chưa đúng mục đích, phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý đất quốc phòng còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ.

    Trong buổi thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 diễn ra mới đây, vấn đề quản lý đất quốc phòng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho hay: “Đối với đất Quốc phòng tôi cũng đề nghị nghiên cứu lại. Tôi đã vừa đi xem thực tế sân bay Bạch Mai, nhiều công trình trong đó, vũ trường có, nhà hàng có, sân golf có. Cần phải định nghĩa lại đất Quốc phòng, để tránh sai phạm”.

    Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) cho rằng hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai ở đô thị cơ bản là đầy đủ, thực hiện từng bước đi vào nề nếp và chính sách tài chính đất đai đã góp phần thu ngân sách Nhà nước.

    Tuy nhiên, "công tác quản lý đất đai đang gây nên hiện tượng trục lợi chính sách, tiêu cực tham nhũng, lãng phí về đất đai, làm xói mòn lòng tin của người dân. Nhiều lĩnh vực quản lý đất đai được coi là vùng cấm như đất quốc phòng cũng đã xảy ra vi phạm gây mất uy tín của ngành.

    Nguyên nhân là do trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và cá nhân thực hiện, không loại trừ phát sinh lợi ích nhóm trong thu hồi đất, giao đất và sử dụng đất", ông Sinh nói.

    Đại biểu của Hòa Bình kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết loại bỏ cá nhân vi phạm ra khỏi cơ quan công quyền... Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) trăn trở: “Thời gian qua xảy ra vụ Vũ "nhôm" và Út "trọc", một số lãnh đạo ngành công an, quân đội cũng đã bị xem xét kỷ luật... là hiện tượng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Nhưng không biết vì lý do gì báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội lại không nhắc tới, đề nghị Quốc hội làm rõ và xử lý nghiêm minh”.

    Xử lý nghiêm và sẽ công khai

    Bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm trong xử lý đất quốc phòng.

    Trước câu hỏi, về việc vừa qua các cơ quan chức năng công bố một số vụ việc liên quan đến vi phạm trong quản lý đất quốc phòng, quan điểm của Quân uỷ Trung ương – bộ Quốc phòng trong chỉ đạo xử lý vấn đề này như thế nào?, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, một trong những nội dung mà Quân uỷ Trung ương, bộ Quốc phòng rất quan tâm là quản lý đất quốc phòng.

    “Đất quốc phòng có lịch sử quản lý qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Nhưng tinh thần chung, theo Nghị quyết Đại hội Đảng 12, Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng bộ quân đội và đặc biệt là chỉ đạo của Chính phủ về quản lý đất quốc phòng thì Quân uỷ Trung ương, bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm vấn đề này. Phải thực hiện tốt quy hoạch đất quốc phòng, điều này thể hiện trong nhiều văn bản, trong đó có luật Đất đai, gần đây nhất là chiến lược quân sự và quốc phòng liên quan xây dựng tiềm lực và thế trận thì có tăng tường quản lý đất quốc phòng; cương quyết xử lý những tồn đọng, thiếu sót trong quản lý”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.

    Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Đất đai là Nhà nước giao cho quân đội quản lý thực hiện nhiệm vụ đất quốc phòng thì phải được sử dụng đúng mục đích, gồm sử dụng trước mắt, quy hoạch xây dựng lâu dài đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quân uỷ Trung ương, bộ Quốc phòng làm tốt công tác lãnh đạo và tuyên truyền để thống nhất về nhận thức và tư duy mới, trong đó có quản ý và quy hoạch đất quốc phòng.

    Cương quyết xử lý vụ việc sai phạm trong quản lý đất quốc phòng cả về trách nhiệm lãnh đạo của chỉ huy các cấp trong quản lý đất quốc phòng nhằm không để lấn chiếm xâm phạm, sử dụng sai mục đích; phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết các tồn đọng theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

    Quân uỷ Trung ương, bộ Quốc phòng chấp hành nghiêm các kết luận của Đảng và Chính phủ về một số thiếu sót, khuyết điểm. Đến nay rà soát cơ bản khu vực đất có sai phạm trong sử dụng. Tinh thần là kiểm điểm và xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức và cá nhân với quyết tâm chấp hành Hiến pháp, pháp luật, chấp hành chỉ đạo của Đảng và không có vùng cấm. Việc xử lý cũng công khai, minh bạch, thông tin rõ ràng tới báo chí”.

    Ông Nghĩa cũng cho rằng, đất quốc phòng có tính lịch sử của nó, có nguồn gốc đa dạng, song cơ bản được quản lý và sử dụng tốt. Một số vị trí đất quốc phòng nhưng chưa sử dụng ngay thì anh em có thể đưa vào sản xuất, phục vụ kinh tế quốc phòng nhưng đã có thiếu sót và thiếu sót đến đâu thì xử lý nghiêm túc đến đó. Cơ bản xử lý theo đúng tiến độ và chỉ đạo của Chính phủ.

    “Đoàn giám sát của Quốc hội có làm việc với bộ Quốc phòng và tinh thần chấp hành nghiêm các kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các quy hoạch về quản lý đất quốc phòng phải kết hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ và với địa phương để quản lý, quy hoạch cho thời bình và cho tình huống bảo vệ Tổ quốc. Quy hoạch đến đâu giữ vững đến đó, tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức sâu sắc, trách nhiệm trong việc ưu tiên bảo vệ đất quốc phòng.

    Việc giải quyết theo lộ trình, có bước đi và hiện giải quyết tương đối thuận lợi và đồng thuận cao. Những đơn vị nào làm kinh tế đơn thuần thì cổ phần hoá theo tinh thần phải quản lý chặt chẽ tài sản của Nhà nước, trong đó có quản lý đất quốc phòng”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.

    Thành Huế

    Bài viết đăng trên ấn phẩn báo in Đời sống & Pháp luật số 86

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-co-vung-cam-trong-xu-ly-vi-pham-dat-quoc-phong-a277520.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan