Tờ Thanh niên dẫn thông tin từ sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) Lâm Đồng cho hay, từ ngày 29/1 đến ngày 5/2, toàn tỉnh có 86.114 lượt khách đăng ký lưu trú (trong đó khách quốc tế là 2.866 lượt). Riêng TP.Đà Lạt có đến 82.131 lượt khách đăng ký lưu trú (trong đó có 2.814 lượt khách quốc tế), vượt xa con số dự kiến ban đầu của ngành chức năng thanh phố.
Đây là tín hiệu vui cho sự phục hồi của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP.Đà Lạt nói riêng sau một thời gian dài “nguội lạnh” vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Lượng khách tăng đột biến kéo theo một số dịch vụ ăn uống, vui chơi cũng quá tải theo thời điểm. Lượng người và xe cộ ken đặc khu trung tâm dẫn đến giao thông cũng tắc nghẽn cục bộ. Tình trạng này thường xảy ra ở Đà Lạt mỗi dịp cao điểm lễ, tết trong những năm qua.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội vừa qua cũng xôn xao với hình ảnh nhiều du khách dựng lều ngủ qua đêm ở thắng cảnh hồ Xuân Hương cũng như một số thanh niên trải bạt ngủ bên đường ở Đà Lạt. Điều này làm rấy lên lo ngại Đà Lạt “cháy phòng”, du khách không có cách nào tìm được phòng nên đành ra bờ hồ để ngủ.
Chia sẻ với tờ Pháp Luật TP.HCM về sự việc trên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Đà Lạt Lê Anh Kiệt cho biết, phản ảnh cơ quan chức năng ghi nhận chỉ có khoảng sáu lều của du khách cắm trại khu vực bờ hồ Xuân Hương.
Đồng thời, khi trao đổi với du khách để hỗ trợ, số du khách này cho biết muốn trải nghiệm ngủ thử một đêm rồi sẽ tìm phòng sau vì có những người đi xe máy đến Đà Lạt 12h đêm, 1h sáng biết trước sẽ không liên lạc được khách sạn nên đã chuẩn bị các lều, mùng mền…
"Một số du khách cho biết tìm khách sạn nhưng hết phòng, chúng tôi giới thiệu các khách sạn với mức giá 700.000-2.000.000 đồng khách cho rằng cao quá và không ở. Du khách muốn tìm phòng giá 300.000 đồng, chúng tôi thông tin rằng tại Đà Lạt thời điểm này không còn phòng giá đó. Tuy nhiên, Phòng Văn hóa thông tin sẽ hỗ trợ cho du khách nghỉ ngơi tại hội trường các Ủy ban phường nhưng khách không đồng ý…", ông Kiệt chia sẻ.
Ông Kiệt khẳng định không phải Đà Lạt "cháy" phòng khách sạn bởi hiện nay thành phố còn 20 cơ sở lưu trú, nhà nghỉ còn phòng, các cơ sở này chỉ mới đạt công suất 75%-85%. Chỉ riêng một số khách sạn 1-5 sao tại trung tâm thành phố hôm 4/2 mới hết phòng.
Theo Tri thức trực tuyến, trong 4 ngày Tết, phòng Văn hóa Thông tin cũng tiếp nhận 4 trường hợp gặp vấn đề khi đặt phòng qua mạng. 2 trường hợp đặt qua ứng dụng nhưng đến nơi được chủ cơ sở lưu trú báo đã không còn liên kết với ứng dụng đó. 2 trường hợp khác bị lừa khi đặt thông qua các tài khoản ảo trên mạng xã hội.
Tất cả đều đã được phòng Văn hóa Thông tin sắp xếp, tìm chỗ ở mới. Riêng 2 trường hợp bị lừa tiền khi đặt phòng trên mạng, ông Kiệt cho biết đã chuyển thông tin đến công an thành phố để xử lý.
Những ngày qua, nhiều du khách cũng than phiền vì đường lên Đà Lạt kẹt cứng, trải nghiệm du lịch thất vọng. Về vấn đề này, ông Kiệt giải thích do tâm lý sợ dịch, người dân không đi xe khách. Đa số chọn đi xe cá nhân.
"2 người cũng một xe, 3 người cũng một xe mà 5 người cũng một xe. Đà Lạt thực tế cũng mở đường, có đèn giao thông rồi nhưng nhiều xe như vậy, việc kẹt cục bộ cũng khó tránh. Thực ra, chiều 4/2, tôi có đi xe trong thành phố thì di chuyển khá dễ dàng. Đến tầm chiều tối, du khách đổ về trung tâm cũng gây nên cảnh ùn tắc cục bộ ở một số điểm nhưng không đáng kể", đại diện phòng Văn hóa Thông tin cho hay.
Hoa Vũ (T/h)