Để không bị mất quyền lợi, các bệnh nhân sắp hết hạn thẻ BHYT, cần chủ động liên lạc với cơ quan Bảo hiểm xã hội để đăng ký mua tiếp.
Mới đây, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã có văn bản giải đáp thắc mắc của một số bệnh viện về vướng mắc trong thực hiện khám chữa bệnh trong trường hợp thẻ BHYT hết hạn.
Theo văn bản này, trong thời gian người tham gia BHYT đang điều trị khám chữa bệnh, thẻ BHYT bị hết hạn, việc thanh toán được thực hiện theo điều 11 và công văn số 5276/BHXH-CSYT ngày 28/12/2016. Tuy nhiên, công văn này cũng “bổ sung” thêm quy định việc thanh toán trên chỉ áp dụng cho các trường hợp hợp thẻ BHYT hết hạn sử dụng vào năm tài chính (31/12) do nguyên nhân khách quan chưa kịp cấp thẻ BHYT mới.
Bệnh nhân sắp hết hạn thẻ BHYT, cần chủ động liên lạc với cơ quan Bảo hiểm xã hội để đăng ký mua tiếp để được đảm bảo quyền lợi. Ảnh: báo Thanh niên |
Về nội dung nêu trên, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thực tế có nhiều bệnh nhân mua bảo hiểm tự nguyện vào thời điểm bất kỳ trong năm chứ không mua theo năm tài chính như cán bộ công chức. Do đó, hạn thẻ 12 tháng của họ cũng có thể tính vào bất kỳ thời điểm nào chứ không thể chờ đến 31/12 như bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định tại công văn trên.
"Nếu chỉ áp dụng với các trường hợp thẻ BHYT hết hạn vào ngày 31/12 như nội dung công văn 3047, nhiều bệnh nhân BHYT sẽ bị mất quyền lợi do việc chi trả điều trị bị gián đoạn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, để không bị mất quyền lợi các bệnh nhân sắp hết hạn thẻ BHYT, cần chủ động liên lạc với cơ quan Bảo hiểm xã hội để đăng ký mua tiếp. Trong trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân có thể đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa phương để gia hạn thẻ.
“Chỉ cần bệnh nhân có giấy hẹn của cơ quan Bảo hiểm xã hội chờ cấp thẻ mới thì vẫn được hưởng quyền lợi đầy đủ”, ông Phúc cam kết.
Trong một diễn biến khác, trước thực trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, nhiều người lo ngại, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng vì quỹ đang bị thu hẹp lại.
Giải đáp băn khoăn này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: "Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này. Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền lan tràn, không hợp lý cả với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế, làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn…”.
Hoàng Giang (T/h)