+Aa-
    Zalo

    Khốn khổ vì mua nhầm đất dự án không sổ đỏ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chấp nhận vay tiền ngân hàng để mua đất dự án, người dân khốn khổ đòi tiền khi biết chủ đầu tư không có quyền cấp sổ đỏ.

    Chấp nhận vay tiền ngân hàng để mua đất dự án, người dân khốn khổ đòi tiền khi biết chủ đầu tư không có quyền cấp sổ đỏ.

    Theo phản ánh của anh Bùi Văn Khởi (tại Thanh Miện – Hải Dương), năm 2016 anh mua lô đất tại Hưng Yên (do công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Hưng làm chủ đầu tư).  Tuy nhiên, dù nhiều lần thúc giục, chủ dự án vẫn không cấp sổ đỏ cho anh.

    Khu dự an nhà ở Hiến Nam dù được tỉnh Hưng Yên phê duyệt xây dựng nhưng công ty Phúc Hưng vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính mà đã bán lô đất cho khách hàng.

    Cụ thể đơn thư nêu rõ, ngày 6/6/2016, anh Khởi mua một lô đất trong Khu nhà ở thương mại và dịch vụ phường Hiến Nam của Công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Hưng (tại TP Hưng Yên). Ngày 13/6/2016, anh Khởi và Công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Hưng tiếp tục ký kết hợp đồng kinh tế về việc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất (QSDĐ).

    Sau khi ký kết HĐ, anh Khởi đã tiến hành giao nộp 756.977.500 đồng (tương ứng với 95% giá trị HĐ). Theo điều khoản HĐ thì sau khi anh Khởi đóng 95% tiền, phía Công ty CP Đầu tư xây dựng Phúc Hưng sẽ tiến hành làm thủ tục cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) nhưng dù nhiều lần yêu cầu, anh Khởi không nhận được sổ đỏ của mình.

    Ngày 16/1/2017 anh Khởi và công ty Phúc Hưng tiến hành thỏa thuận thanh lý hợp đồng theo 4 đợt: Đợt 1: 200.000.000 đồng trả ngày 20/1/2017, đợt 2: 200.000.000 đồng trả ngày 15/3/2017, đợt 3: 200.000.000 đồng trả ngày 15/4/2017, đợt 4: 182.992.500 đồng trả ngày 15/5/2017.

    Tuy nhiên, đến hôm nay, đã qua 2 đợt thanh toán, nhưng phía công ty Phúc Hưng vẫn chưa hoàn trả đợt nào cho anh Khởi.

    Trao đổi với PV, anh Khởi cho biết vợ chồng anh được người quen giới thiệu nên biết dự án. Sau khi tìm hiểu và nghe những lời quảng cáo, vợ chồng anh Khởi đã quyết định vay tiền từ ngân hàng để đủ khả năng giao nộp tiền cho công ty.

    “Số tiền lãi ngân hàng ngày càng tăng, tiền thanh lý hợp đồng thì mãi không nhận được. Vợ chồng tôi giờ đây ăn không ngon, ngủ không yên lúc nào cũng lo ngay ngáy vì số tiền lớn này.” – anh Khởi lo lắng nói.

    Để tìm hiểu thông tin về dự án trên, ngày 16/3/2017, PV báo Đời sống & Pháp luật đã tới Sở TNMT tỉnh Hưng Yên để xác minh thông tin. Theo thông tin từ Sở TNMT cho biết, dự án Khu nhà ở thương mại và dịch vụ Hiến Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước.

    Trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Hậu – Chi Cục Chi Trưởng Đất Đai tỉnh Hưng Yên thì được biết, dự án Khu nhà ở thương mại và dịch vụ Hiến Nam đã được chính quyền địa phương phê duyệt và cấp phép đầu tư. Bên cạnh đó nhà đầu tư là công ty Phúc Hưng đã thực hiện xong công tác GPMB để triển khai dự án. Tuy nhiên, từ lúc phê duyệt cho đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (chưa đóng tiền sử dụng đất).

    Được biết, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quyết định thuê đất từ ngày 3/11/2015 và cho đến nay công ty vẫn chưa đóng thuế và ký hợp đồng thuê đất.

    “Điều kiện đối với đất đai, nếu muốn có quyền chuyển nhượng thì chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.” – ông Hậu nói.

    Bà Trần Thị Hợi – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp - Sở TNMT Hưng Yên cho biết, việc hợp đồng giữa anh Bùi Văn Khởi với công ty Phúc Hưng là hợp đồng dân sự nhưng nếu đưa ra pháp luật thì không đủ điều kiện bởi vì bản thân công ty Phúc Hưng vẫn chưa được quyền sử dụng đất.

    Chúng tôi đã gửi công văn liên hệ đến công ty CP đầu tư xây dựng Phúc hưng nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

    Tuấn Dũng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khon-kho-vi-mua-nham-dat-du-an-khong-so-do-a185679.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan