+Aa-
    Zalo

    Khốn khổ đi đòi khoản nợ cho bạn thân vay mua nhà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi bạn thân vay tiền mua nhà, anh Hà quyết định rút toàn bộ 170 triệu đồng - số tiền dành dụm sau 2 năm đi làm cho bạn vay mà không ngờ sau đó tiền không đòi được, tình bạn cũng sứt mẻ theo.

    Nói về những bi kịch trong chuyện vay mượn tiền, luật sư Tạ Văn Phú - Giám đốc công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết đã tư vấn cho nhiều trường hợp khách hàng có “con nợ” là bạn bè, người thân.  

    Luật sư Tạ Văn Phú- Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

    Luật sư Phú kể về trường hợp khách hàng tên Hà (quê Hà Nam). Hà có người bạn thân tên Thắng khi lên Hà Nội học đại học. Cả hai đều là người ngoại tỉnh, nên có sự cảm thông và chia sẻ.

    Tốt nghiệp đại học, sau gần 2 năm đi làm công trình, anh Hà tiết kiệm được số tiền 170 triệu đồng. Còn Thắng yêu con gái của một vị giám đốc công ty xây dựng nên được nâng đỡ, công việc thuận lợi, suôn sẻ.

    Tình bạn giữa hai người vẫn tốt đẹp cho đến khi trước ngày cưới một tháng, Thắng đến gặp bạn hỏi vay tiền mua nhà. Vì tình bạn thân thiết, anh Hà quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiện 170 triệu đồng cho Thắng vay. Nghe bạn hứa sẽ trả nợ trong thời gian sớm nhất, Hà cũng thấy yên tâm.

    Tuy nhiên 3 năm sau anh Hà vẫn không thấy bạn đả động đến việc trả nợ. Trong khi Thắng nhà cửa, vợ con đề huề, thì anh vẫn phải đi thuê nhà. 2 năm tiếp theo, nhờ chăm chỉ, anh Hà tích cóp được tiền để mua nhà trả góp. Lúc này anh quyết định hỏi Thắng về khoản nợ 170 triệu đồng. 

    Anh Hà tìm đến nhà Thắng đòi nợ và đặt vấn đề nếu vợ chồng Thắng còn tiền, thì cho vay thêm chút ít. Tuy nhiên Thắng tiếp tục khất nợ, từ chối cho bạn vay tiền. Tiền mua nhà trả góp đến hạn đóng mà bạn vẫn không trả nợ, anh Hà đau đầu, mất ngủ tìm cách xoay tiền. 

    Vì cần tiền cấp bách mua nhà mà nhiều lần đòi nợ không được, lại thất vọng vì cách hành xử của người bạn thân, anh Hà đã đến công ty Luật Ánh Sáng Việt để nhờ tư vấn pháp lý.

    Luật sư Tạ Văn Phú đã phân tích, đánh giá mối quan hệ vay mượn tiền của anh Hà và Thắng là một giao dịch dân sự. Cơ quan giải quyết chính là tòa án nơi Thắng đang sinh sống.

    “Tôi đã tư vấn cho Hà nên nói chuyện thẳng thắn với Thắng lần cuối cùng. Nếu Thắng không trả số tiền 170 triệu đồng đã vay, thì anh ta sẽ phải đối mặt với một vụ kiện dân sự. Theo quy định của pháp luật, con nợ (bị đơn Thắng) sẽ phải trả cho chủ nợ (nguyên đơn Hà) toàn bộ số tiền vay. Thậm chí, nguyên đơn còn có quyền yêu cầu bị đơn trả khoản tiền lãi tính theo giá ngân hàng và các chi phí hợp lý khác (tiền thuê luật sư…)”, luật sư Tạ Văn Phú nêu quan điểm

    Khó xử nhất trên đời là bạn bè, người thân vay tiền. Không cho vay thì mất lòng mà cho vay thì dễ mất tiền. Chúng ta hãy là người văn minh trong chuyện vay nợ, có vay thì có trả. Trả lúc nào cho cả bên cho vay và bên đi vay cùng vui vẻ, ấy mới là điều nên làm.

    Thiên Long

    (Tên nhân vật đã được thay đổi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khon-kho-di-doi-khoan-no-cho-ban-than-vay-mua-nha-a519938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.