Nghi ngờ vợ có quan hệ với người đàn ông khác nên 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Đực dùng dao đâm chết vợ tại “Phòng hạnh phúc” của trại giam.
Báo Dân trí dẫn nguồn thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận ngày 11/8 cho biết, hiện sức khỏe của Nhữ Văn Đực đã ổn định nên cơ quan công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng về hành vi giết người.
Đối tượng Nhữ Văn Đực - Ảnh: Công an TP HCM |
Đực đang thụ án tại trại giam Z30D, Bộ Công an về tội giết người.
Cùng đưa tin về vụ việc, thông tin thêm trên báo Tri thức trực tuyến, Đực vẫn đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận dưới sự giám sát đặc biệt của cảnh sát.
Theo hồ sơ vụ án, Đực đang thụ án 17 năm tù về tội giết người tại trại giam Z30D (xã Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận).
Khoảng 6h ngày 31/7, chị H. (41 tuổi, vợ Đực, ngụ quận 7, TP HCM) cùng 2 con đến thăm chồng.
Đực sau đó nói 2 con đi mua nước rồi đưa vợ vào "Phòng hạnh phúc". Tại đây, nghi ngờ vợ ngoại tình nên giữa 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Đực dùng dao (do chị H. mang theo để gọt trái cây) đâm nhiều nhát vào người vợ làm nạn nhân tử vong.
Sau khi gây án, Đực dùng dao tự sát nhưng được 2 con phát hiện báo cán bộ trại giam đưa đi cấp cứu.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)