(ĐSPL) - Trong thời gian gần đây, nhiều người dân ở Nghệ An và Đà Nẵng đã phải nhập viện cấp cứu sau khi dính quả lừa mua phải cao hổ cốt rởm, cao hổ cốt pha tạp chất của nhiều đối tượng buôn gian bán lậu, thậm chí cao hổ cốt còn pha thuốc phiện.
“Dính quả đắng vì cao hổ rởm”
Những ngày đầu tháng 5/2015, chị Trần Thị Thu ở xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An phải nhập viện, điều trị gần một tuần lễ tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An vì ngộ độc phải tạp chất có trong cao hổ cốt.
Chị Thu cho biết gần đây dọc các tỉnh miền Trung, nhất là Nghệ An có nhiều người thường tiếp thị và mang cao hổ cốt đến bán. Được một người mách nước, chị bỏ ra gần 20 triệu đồng mua cao hổ cốt để điều trị bệnh nhức mỏi xương khớp. Ban đầu uống chị cũng thấy có chút hiệu nghiệm nhưng uống được mấy ngày thì thấy phù nề khắp người, mặt nặng và mọng nước, màu cao thì không còn như lúc đầu nữa mà chuyển sang màu đen kịt.
Một bộ xương hổ. (Ảnh: Tuổi Trẻ). |
Hơn nữa, cứ uống vào là chị Thu thấy trong người nôn nao. Khi vào viện điều trị thì chị Thu được các bác sĩ hội chẩn là đã bị ngộ độc các tạp chất có trong cao hổ. Nguy hiểm hơn nữa là chất kích thích có trong cao hổ bao gồm cả cacain, nếu dùng nhiều có thể gây sốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương.
Tại xã này, ông Trần Văn Bửu nghe thông tin từ người hàng xóm của mình biết được ở khu vực đó đang bán rất nhiều loại cao hổ cốt chính hiệu, giá bán 8 triệu đồng/lạng. Có mẹ bị bệnh hoại tủy và thoái hóa xương khớp nên ông Bửu mua 3 lạng cao về dùng, nhưng dùng được một thời gian thì mẹ ông không đi lại được nữa mà phải vào Khoa phục hồi chức năng của bệnh viện để điều trị.
Cũng tại xã Nghĩa Hiếu, khi chúng tôi dừng chân tại một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm xã, chủ quán giới thiệu liến thắng với chúng tôi rằng: “Muốn có xương hổ và cao hổ thật thì chỉ có về vùng đất này mà thôi. Mua thì khỏi phải sợ hàng giả”. Nói xong người chủ quán tên Nhiên mở tủ lạnh ra và chỉ cho khách biết có số lượng lớn xương và cao hổ đang tích trữ trong đó.
Chủ quán này cũng bồi thêm cho khách rằng: “Hổ nuôi nhốt ăn nằm một chỗ trong chuồng nên móng chân cùn, to bè bè, còn hổ rừng có móng nhỏ và sắc nhọn như mũi chông. Hổ rừng nặng từ 30kg là có nanh như thế này, còn hổ nuôi nhốt cùng lứa chưa thể mọc nanh được. Cũng bởi vì thế nên xương hổ rừng khi mang đi nấu cao có “tính chất” trị bệnh rất cao”.
Ông Trần Văn Vĩnh ở Hải Châu, Đà Nẵng nhiều ngày nay cũng lâm cảnh “sống dở chết dở” do bị dính quả đắng từ cao hổ cốt rởm. Ông Vĩnh kể lại rằng: “Tôi bị bệnh gút, nghe nhiều người nói nếu về Nghĩa Đàn mà mua cao hổ và xương hổ rừng về ngâm rượu uống thì không những điều trị khỏi bệnh mà còn giúp cho xương khớp dẻo dai và máu huyết lưu thông hơn nữa. Tằn tiện mãi tôi mới có được vài chục triệu đồng mang ra Nghệ An mua cao hổ. Nhưng khi dùng thì càng ngày càng thấy trong người khó chịu hơn, hay buồn nôn vào choáng váng. Đi khám thì các bác sĩ chẩn đoán tôi đã dùng phải cao hồ có nhiều tạp chất không tương đồng với nhau, có cả chất kích thích nên gây tác dụng ngược”.
Chiêu trò chế tác cao hổ rởm và tác hại khôn lường
Bác sĩ Trần Văn Bình (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết dùng cao hổ cốt thật có thể trị được nhiều vấn đề liên quan đến xương khớp, nhưng hiện nay các loại cao hổ giả bán trên địa bàn miền Trung rất nhiều, bởi vậy tác hại của nó là rất khôn lường. “Tôi đã từng nói với nhiều người lẫn bệnh nhân đừng quá tin vào cao hổ và cũng đừng đặt niềm tin vào ai đó rao bán, bởi làm gì còn nhiều hổ đến độ người ta rao bán bừa bãi tràn lan như bán rau củ”, bác sĩ Bình cho biết.
Thực tế nhiều người đã đề cao cảnh giác nhưng vẫn dính đòn của bọn gian. Họ nào biết được mớ cao hổ nấu từ xương trâu, bò, chó nhưng “thần hiệu” nhờ tác dụng của một lượng nhỏ thuốc phiện được pha vào đó.
Cứ mỗi khi trái gió trở trời, cơ thể đau nhức, bệnh nhân cắt vài lát cao hòa nước uống và thấy “êm” nên càng tin tưởng. Không chỉ thuốc phiện, bọn bất lương còn pha vào cao các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Việc sử dụng cao hổ được pha thuốc phiện, thuốc kháng viêm như thế, theo bác sĩ, rất nguy hại, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nghiện vô thức, dùng thì thấy khỏe, hưng phấn, nhưng không dùng thì cơ thể có cảm giác thấy mệt mỏi, suy nhược.
Ở Nghệ An đặc biệt là vùng biên giới các đối tượng buôn bán lậu không những tuồn cao hổ vào các tỉnh thành phía Nam Miền Trung mà còn tuồn cả xương gán mác cao hổ.
Anh Trần Văn Huỳnh ở đường Lý Thường kiệt, Đà Nẵng cho biết, các đối tượng buôn bán xương hổ, cao hổ cốt giả cũng có nhiều chiêu trò quảng cáo rất tinh vi. Có khi chúng không trực tiếp đi giao hàng mà quảng cáo qua các trang mạng sau đó nhờ các bác xe ôm đi giao hàng thay cho chúng. Tình trạng này thường diễn ra ở các thành phố, thị xã phát triển, còn đối với những vùng nông thôn chúng trực tiếp bán. Các trang bán hàng qua mạng thường chỉ đưa hình ảnh quảng cáo chào hàng ảo, khi có người mua mới liên hệ lấy hàng cung cấp chứ không trữ hàng nên rất khó phát hiện.
Lực lượng kiểm tra từng lần theo một số địa chỉ trên các trang web nhưng đến nơi thì alf địa chỉ “ma”, địa chỉ có thật thì không có hàng hoặc chỉ để một vài mẫu trưng bày. Từ những trang quảng cáo này, các đối tượng còn dùng các kĩ xảo tinh vi phù phép, đánh bóng, gọt rũa tạo ra những bộ xương hổ “rởm” từ các loại xương động vật khác để lừa bán trục lợi. Xương gấu thường được sử dụng nhiều nhất vì khá giống xương hổ, rẻ tiền hơn lại dễ chế tác.
Thậm chí với công nghệ lăng xê, nối, cạo, mài, khoan, kẻ xấu còn dùng cả xương lợn, xương trâu để biến hóa thành xương hổ thật. chúng còn có thủ thuật, dùng bột xương hoặc các loại cao thực vật trộn lẫn với cao hổ cốt để tạo ra những miếng cao có màu sắc hấp dẫn, mềm quánh và có tỉ trọng lớn hơn cao hổ thật. Thế nên trước khi quyết định mua loại sản phẩm đặc biệt này, khách hàng cần tìm hiểu kĩ càng.
LÊ BẢO
Bài đã đăng trên trang Pháp luật & Cuộc sống/chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật
Xem thêm video: Kinh hoàng cơ sở trộn đường ăn bằng máy trộn bê tông ở TP.HCM
[mecloud]Wd8e1CwbDo[/mecloud]