(ĐSPL) - Sở dĩ UBND TP Đà Lạt cấm tuyệt đối không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ Nông sản Đà Lạt kể từ ngày 20/10 là do những năm qua, nhiều tiểu thương đã nhập hàng nghìn tấn khoai tây Trung Quốc tập kết về chợ này sau đó "phù phép" thành khoai tây Đà Lạt.
Thông tin trên TTXVN, chiều 20/10, một số tiểu thương kinh doanh khoai tây Trung Quốc tại Chợ nông sản Đà Lạt, phường 11, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) bức xúc trước việc Ban quản lý chợ không cho phép đưa khoai tây Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt.
Lô khoai tây Trung Quốc 30 tấn của bà Nguyễn Thị Vân, một trong 24 hộ kinh doanh tại Chợ nông sản Đà Lạt, nhập về chợ đã bị Ban quản lý ngăn, không cho đưa vào bán.
Bà Vân cho hay lô hàng này có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, việc ban hành văn bản trên của thành phố Đà Lạt khiến nhiều tiểu thương có thể lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi hàng không thể vào chợ.
Bà Vân cho biết chỉ mới biết đến văn bản này vào buổi sáng và nếu không đưa được hàng vào chợ thì có thể bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Nhiều năm qua, khoai tây Đà Lạt luôn bị gian lận thương mại gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. |
Báo Công an Nhân dân cũng đưa tin, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, trong vòng 3 tháng qua, đã có 41 lô khoai tây Trung Quốc với 1.063 tấn được nhập về Chợ nông sản Đà Lạt. Đó là chưa kể một lượng khoai tây Trung Quốc rất lớn khác được các tiểu thương nhập về Lâm Đồng nhưng không đưa vào chợ nông sản Đà Lạt mà tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và nhiều cơ sở vùng ven TP Đà Lạt. Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã lấy 38 mẫu trên lô hàng 978 tấn khoai tây Trung Quốc tại Chợ nông sản Đà Lạt để kiểm tra. Kết quản phân tích chưa phát hiện những chất cấm vượt tiêu chí cho phép.
Sở dĩ UBND TP Đà Lạt cấm tuyệt đối không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ Nông sản Đà Lạt kể từ ngày 20/10 là do những năm qua, nhiều tiểu thương đã nhập hàng nghìn tấn khoai tây Trung Quốc tập kết về chợ này. Những bước tiếp theo, các tiểu thương rửa sạch lớp đất đen bám trên củ khoai, tạo ra những vết trầy xước sau đó rắc lên một lớp đất đỏ Đà Lạt. Lúc này, khoai tây Trung Quốc trông giống hệt khoai tây Đà Lạt. Từ đây, khoai tây Trung Quốc được vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ dưới mác khoai tây Đà Lạt nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ lớn nhất cho loại khoai nay là TP HCM.
Một lý do khác để UBND TP Đà Lạt cấm nhập khoai tây Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt là ngay tên gọi của chợ này đã thể hiện các mặt hàng kinh doanh “nông sản Đà Lạt” thì không thể để tràn lan hàng Trung Quốc.
Tại văn bản số 5827/Ủy ban Nhân dân ngày 8/10/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội 3 tháng cuối năm 2015 nêu rõ: “Đặc biệt xử lý triệt để tình trạng dùng khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt, cương quyết không cho nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản của thành phố để giả mạo khoai tây Đà Lạt phân phối đi nơi khác.”
Trưởng phòng kinh tế thành phố Đà Lạt Dương Ngọc Đức cũng bày tỏ quan điểm trên báo TTXVN, đây là một chủ trương nhằm ngăn chặn tình trạng “đội lốt” nông sản Đà Lạt, chợ Đà Lạt chỉ có thể kinh doanh nông sản của địa phương và các đặc sản của Lâm Đồng.
Chủ trương cấm khoai tây Trung Quốc vào Chợ nông sản Đà Lạt tại văn bản trên nhằm ngăn chặn tình trạng vựa nhập khoai tây Trung Quốc rồi trộn đất đỏ làm đổi màu. Sau đó, khoai tây Trung Quốc được bán ra thị trường bằng thương hiệu “khoai tây Đà Lạt” với giá cao hơn nhiều lần.
Đây là hành vi gian lận thương mại đánh lừa người tiêu dùng đồng thời gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh tại đây cho rằng ngày 20/10 họ mới được phổ biến nội dung văn bản này phải thực hiện ngay nên "trở tay không kịp."
Chợ nông sản Đà Lạt có tổng cộng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó tới 24 hộ là kinh doanh khoai tây. Vào thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100\% các hộ này đều kinh doanh khoai tây Trung Quốc.
Ngọc Anh (Tổng hợp)