Sau khi nhập về Đà Lạt (Lâm Đồng), khoai tây Trung Quốc được “mặc áo” đất đỏ để đánh lừa người tiêu dùng. Bằng “công nghệ” này, khoai tây Trung Quốc có thể tăng giá lên đến 3 lần.
Vài năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 6, mỗi ngày có hàng tấn khoai tây Trung Quốc từ TP.Hồ Chí Minh được chuyển về chợ nông sản Đà Lạt và chợ đầu mối huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoai tây Trung Quốc được đưa lên đây không phải để tiêu thụ, mà chỉ để “hóa trang” thành khoai tây Đà Lạt bằng cách… bôi thêm đất đỏ và công việc này diễn ra rất công khai.
Tại chợ nông sản Đà Lạt, khoai tây Trung Quốc được các thương lái cho vào bể hoặc đắp thành đống khoảng vài tạ để “thay áo” cũ. Do lớp vỏ của loại khoai tây này khá dày nên những người rửa phải giẫm mạnh cho vỏ trầy ra, sau đó họ tiếp tục dùng đất đỏ đã được phơi khô, nghiền mịn (giá 20.000 đồng/bao) rắc lên để “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc. Sau khi được hóa trang, khoai tây Trung Quốc sẽ được phơi khô, rũ bớt đất, đóng bao rồi mang đi bán với cái “mác” mới- khoai tây Đà Lạt.
Khoai tây Trung Quốc đã được “hóa trang” chuẩn bị xuất kho. |
Với “mác” mới này, từ chỗ giá bán chỉ khoảng dưới 4.000 đồng/kg và rất khó bán, giá bán sỉ khoai tây Trung Quốc đã đội lên 10.000 – 12.000 đồng/kg. Khi đến tay người dùng, giá có thể lên tới 16.000 – 18.000 đồng/kg, vì vậy người tiêu dùng vẫn đang đinh ninh mình mua được khoai tây Đà Lạt. Đáng nói là cơ quan chức năng biết việc cách làm ăn gian dối của thương lái để móc túi người tiêu dùng, nhưng lại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Ông Dương Minh Sơn - cán bộ Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho biết, tính từ giữa tháng 6 đến nay, đã có 44 tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ. Tất cả đều có chứng từ hợp lệ, giá chỉ 3.380 đồng/kg. Khoai Trung Quốc sau khi “mặc áo” được xuất bán tại vựa có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, chỉ kém khoai tây Đà Lạt 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Ông Lại Thế Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết: Đơn vị đã nhiều lần lấy mẫu khoai tây Trung Quốc để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và không ít lần, cơ quan chức năng phát hiện trong khoai tây Trung Quốc có chứa chất độc hại cao gấp hàng chục lần cho phép nên bị tịch thu và tiêu hủy.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, điều khó nhất hiện nay là khi cơ quan chức năng kiểm tra, các thương lái đều xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ và họ cũng thừa nhận đó là khoai tây Trung Quốc. Còn việc “mặc áo” cho khoai tây Trung Quốc, theo họ chỉ là để trông bắt mắt chứ không thừa nhận đó là hành vi đánh lừa người tiêu dùng.
Đà Lạt hiện đứng đầu cả nước về sản xuất khoai tây với diện tích trồng mỗi năm khoảng 1.500ha, nhưng trước tình trạng cạnh tranh không bình đẳng của khoai tây Trung Quốc, diện tích trồng khoai tại thành phố này đang bị giảm mạnh. Điển hình như tại xã Xuân Thọ, nơi trồng khoai tây lớn nhất Đà Lạt, năm nay diện tích trồng khoai trái vụ chỉ còn 15ha, bằng 1/3 so với trước.