Hướng nội hay hướng ngoại chỉ là do suy nghĩ tạo ra hành động, có nhiều người nghĩ rằng vì hướng nội nên giao tiếp kém điều đó có thực sự đúng hay chỉ do hèn nhát.
Bạn có thể viện lý do mình là người hướng nội để bào chữa cho sự lười biếng giao tiếp của bản thân. Nhưng có phải cứ hướng nội là sẽ ngại giao tiếp?
Gần đây, tôi đã làm một chuyện khiến tâm can mình giày vò khá nhiều.
À đâu, không phải, chính xác hơn phải là tôi đã không làm một chuyện.
Đầu đuôi là thế này,
Hôm ấy, tôi có mặt ở trung tâm bowling với mấy đứa bạn. Cùng thời điểm ấy, một nhóm bạn khác cũng đến trung tâm.
Họ là những người mà tôi đã từng rất thân thiết trong quá khứ.
Nếu dựa vào khoảng thời gian vui vẻ trước đây, đáng lẽ ra tôi phải thật mừng rỡ khi nhìn thấy họ, sẽ phải hò reo và nhảy cẫng lên sung sướng trước cuộc chạm trán bất thường mang đầy tính kịch bản của định mệnh này. Nhưng không, mọi sự lại rẽ sang một hướng khác biệt không tí màu sắc, cũng chả chút cảm xúc dâng trào. Đó là một tối lặng yên đến chẳng còn gì bất ngờ.
Một người trong số nhóm bạn ấy đã chuyển đi được một thời gian dài, bỗng nhận ra tôi. Cậu ta bước gần đến, giơ tay ra hiệu và chào tôi một cách thân tình. Chúng tôi có nán lại nói dăm ba câu chuyện, cho đến khi tới lượt ném bóng của tôi thì cậu lịch sự rút lui về nhóm.
Chiếu theo những gì được quy ước trong cuốn "Cẩm nang về phép tắc giao tiếp cơ bản dành cho trẻ lên 3" mà xã hội tự vẽ ra, đến lượt tôi sau khi kết thúc lượt ném sẽ tới chào hỏi nhóm bạn cũ, chứ không phải ngồi ì ở đấy đợi cả nhóm từng bạn ra chào như sao hạng A tới phát tặng chữ ký.
Vấn đề là tôi không nhích cái thân hình lên để chào hỏi họ.
Sự lo âu xích tôi lại ngay chỗ tôi đứng, không cho phép tôi nhúc nhích ra để tái hợp những người từng là bạn thân. Khoảnh khắc ấy bỗng dưng tôi trở thành con vịt xấu xí đang cố thu mình che giấu bản thân với cộng đồng. Bản thân tự sản sinh cảm giác sợ sệt, lo lắng không biết nên nói gì, hỏi gì, sợ sệt trước sự ngượng ngùng của tình huống gặp nhau giữa những người bạn cũ mất liên lạc lâu ngày. Thế là tôi không thể tự mình tiến đến tiếp cận họ.
Sau một tiếng đồng hồ bứt rứt khó chịu, cố gắng để không ai trong số đó nhận ra sự tồn tại của mình, cuối cùng tôi cũng đủ dũng cảm để liếc mắt sang đường băng bên ấy. Thật tuyệt vời là họ đã rời đi tự lúc nào.
Ừ thì bạn có thể bĩu môi phì phọt một cái: "Ôi giời cái chuyện thường hơn cả cân đường hộp chân gà sả ớt này thì có gì để mà kể", tôi biết, và tôi cũng hiểu.
Tuy nhiên, rắc rối ở đây là sau sự việc ấy, tôi không thể ngưng nghĩ về chuyện đã xảy ra. Tại sao tôi lại cảm thấy như vậy, tại sao tôi lại không thể hành động vậy? Suốt những ngày hôm sau tôi không thể dừng được câu hỏi trong đầuđầu: "Mình bị cái quái gì thế nhỉ?"
Tại sao tôi lại tách biệt với quá khứ của mình, tách biệt khỏi tuổi thơ đã từng rất vui vẻ với nhau của mình, tách biệt khỏi cái quãng thời gian mà cả đám không ai cảm thấy mình là người ngoài. Chẳng nhẽ theo thời gian, tự tôi đã xây dựng cho mình pháo đài cô độc và cũng tự nhốt mình trong đó, chẳng giống như Rapunzel cố thoát ra với mái tóc mây diệu kỳ, mà rõ ràng là tôi cố thủ trong ấy chẳng chịu mở lòng.
Hay là vì cái lối sống tự lập của tuổi trưởng thành đang dần rẽ sang hướng cô độc, khiến cho việc chạm trán thân tình giữa những con người thân quen nhau tự dưng trở thành bài kiểm tra căng thẳng của ý niệm.
Tôi là người hướng nội, vấn đề là ở đó.
À khoan, thực chất không phải thế.
Vấn đề thực sự là tôi biết rằng tôi là người hướng nội.
Và từ đấy, tôi sử dụng sự hướng nội của mình như một tấm khiên chống lại bất cứ sự dò xét, hay trách móc dành cho sự khép kín của bản thân. Giống y như những gì mà người hướng nội thường làm: ỷ mình sống nội tâm nên nhất quyết khước từ giao thiệp bên ngoài.
Tôi, và các bạn, những đồng chí trong đội quân hướng nội, dường như đã quên rằng bản chất của sự hướng nội là một phương thức tạo ra năng lượng cho bản thân mỗi người, tức là nếu người hướng ngoại lấy năng lượng từ những hành động tiếp cận thế giới, con người, xã hội bên ngoài thì chúng ta, những người hướng nội, có xu hướng tự tạo năng lượng cho chính mình. Hướng nội đâu phải là sự sắp xếp vị trí cộng đồng đâu?
Chúng ta quan niệm rằng sự hướng nội là rào cản ngăn cách bản thân đến với sự thành công trong các hoạt động giao tiếp xã hội. Giống như những con ốc mượn hồn cố co cụm mình trong một lớp vỏ bọc mà chúng tìm thấy, trong khi bản thân chúng có thể "trần trụi" để tiến ra thế giới bên ngoài.
Khi chúng ta cứ cố nói với bản thân những điều như trên, khi ấy tự cái sự hướng nội của chúng ta sẽ biến thành sự bào chữa vụng về cho bất cứ sai lầm giao tiếp nào mà chúng ta gặp phải. Dần dần, nó trở thành cái cớ để chúng ta được dại dột, được khó gần, được chống lại xã hội.
Sự hướng nội của chúng ta sẽ trở thành sự ích kỷ, biến thành cái cảm giác thèm muốn được dành thời gian cho bản thân, bỏ quên các kết nối xã hội.
Sự hướng nội của chúng ta sẽ trở thành sự thô lỗ. Chúng ta sẽ cảm thấy việc tương tác với người khác trở thành cái gì đó năng nề khó nhọc, đôi khi là chướng ngại, là vật cản.
Sự hướng nội của chúng ta sẽ trở thành sự hèn nhát. Chúng ta bị ngăn cách khỏi cộng đồng bởi một bức tường vô hình mang đầy nỗi sợ hãi rằng bất cứ điều gì mà chúng ta làm cũng sẽ đem lại toàn thảm hoạ.
Như vài người bạn hướng ngoại của tôi (yên tâm, họ hướng ngoại đến phát điên) đã trấn an tôi rằng, chuyện đó xảy ra với rất nhiều người. Vậy tức là hướng nội không phải lý do để dẫn đến việc tôi không dám bước tới và nói tiếng xin chào.
Cái tối hôm ấy ở trung tâm bowling, tôi không phải là một gã hướng nội.
Tôi hôm đó tôi là một gã nhát chết, thô lỗ và ích kỷ.
Tôi không bao giờ muốn trở thành kẻ đó một lần nào nữa.
Cách để Trở thành Người hướng ngoại
Hướng ngoại là một hành động, một trạng thái, hoặc một thói quen của việc trở nên quan tâm và hài lòng với những điều diễn ra bên ngoài bản thân. Nói cách khác, người hướng ngoại cảm kích sự chú ý của người khác và nhận được nguồn năng lượng từ sự tương tác xã hội. Nếu bạn muốn trở nên hài lòng với thế giới xung quanh và tận hưởng sự tương tác xã hội, bạn có thể thực hiện điều này mà không cần phải thay đổi bản thân.
1. Coi trọng sự hướng ngoại.Tập trung vào những phẩm chất tuyệt vời mà người hướng ngoại sở hữu là điều khá quan trọng: họ thường dễ kết bạn, thoải mái trước đám đông, và có thể duy trì sự hào hứng của một buổi tiệc. Mặc dù người hướng ngoại và hướng nội đều có khuyết điểm (nhiều người hướng ngoại thường nói quá nhiều và đôi khi họ ngắt lời người khác, và điều này có thể không phù hợp), bạn chỉ nên tập trung vào phẩm chất tốt đẹp.
• Sẽ dễ dàng để bạn nghĩ rằng người hướng ngoại khá tiêu cực - mọi người thường cho rằng họ nói trước khi suy nghĩ và rằng họ nhìn chung thường khá nông cạn. Điều này không đúng! Người hướng ngoại cũng thường dựa vào trực giác và chu đáo như người hướng nội. Nếu bạn muốn trở thành người hướng ngoại, bạn cần phải liên kết nó với các thuộc tính tích cực - và có khá nhiều thuộc tính tích cực mà bạn cần phải tìm hiểu!
• Định nghĩa về người hướng ngoại là người cảm thấy đầy sức sống khi họ được vây quanh bởi người khác. Chỉ đơn giản là vậy. Họ hoàn toàn có thể suy nghĩ sâu sắc và trở thành người biết lắng nghe tuyệt vời. Họ sở hữu kỹ năng xã hội khá tốt (...nhìn chung là vậy) và có thể là người dám nghĩ dám làm.
2. Hình dung bản thân như người hướng ngoại đúng nghĩa. Điều này rất đúng: nhiều người hướng ngoại thường chỉ là những kẻ giả tạo. Bạn có thể nghĩ về họ như những người bán xe ô tô luôn cố gắng ép buộc người khác mua sản phẩm của họ - bạn sẽ không muốn trở thành kiểu người hướng ngoại này. Và bạn không cần thiết phải như vậy. Bạn có thể là người hướng ngoại theo ý muốn của bạn. Nhiều người hướng ngoại thậm chí cũng khá nhút nhát!
• Những phẩm chất lý tưởng của người hướng ngoại mà bạn mong muốn sở hữu là gì? Có lẽ họ là những người cảm thấy thoải mái khi tham gia vào một đám đông, có thể họ thích nói nhiều, có thể họ là người khởi đầu mọi cuộc vui. Cho dù bạn chọn phẩm chất nào, chúng là những điều mà bạn hoàn toàn có thể đạt được. Chúng chỉ là thói quen đơn giản. Hãy suy nghĩ về một vài điều và viết chúng ra giấy. "Trở nên hướng ngoại nhiều hơn" là một mục tiêu khá khó để thực hiện; "trò chuyện nhiều hơn" lại là nhiệm vụ mà bạn có thể hoàn thành.
3. Cần biết rằng đây là một vấn đề khá rộng. Hãy ngẩng cao đầu: nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hầu hết chúng ta đều là sở hữu cả hai tính cách hướng nội và hướng ngoại. Nó tuỳ thuộc vào đường cong chuông (bell curve) tiêu chuẩn của bạn. Nhiều người thiên về một đầu của đường cong (hướng nội), và nhiều người khác lại nằm trong đầu còn lại (hướng ngoại), nhưng phần lớn chúng ta nằm vào đoạn giữa.
• Ngay cả khi bạn là người hướng nội, bạn cũng sẽ sở hữu ít nhất một vài tính cách hướng ngoại. Ngay cả Jung (nhà tâm lý học nổi tiếng) đã nói rằng không ai có thể phân thân thành hai cá thể riêng biệt - nếu không, họ sẽ phải vào bệnh viện tâm thần. Tất cả những điều bạn cần làm là mở đường cho khuynh hướng hướng ngoại của bạn phát triển. Chúng đang ẩn nấp đâu đó trong bạn.
4. Cần biết rằng trở thành người hướng ngoại sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi bạn là người hướng nội.Mặc dù bị cho rằng có chút thiên vị, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khi người hướng nội hành động theo kiểu hướng ngoại hơn một chút, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Các chuyên gia vẫn chưa lý giải được lý do, nhưng họ nghĩ rằng nhìn chung, bạn sẽ nhận được phản ứng tích cực hơn từ những người xung quanh. Sự củng cố tích cực từ người khác có thể mạnh mẽ vô cùng.
• Sự thật là người hướng nội có xu hướng đánh giá thấp những điều mà họ có thể cảm thấy hào hứng. Thậm chí đối với một vài người hướng ngoại, có nhiều buổi tiệc mà bạn sẽ không muốn tham dự, nhưng cuối cùng chúng lại đem lại cho bạn một khoảng thời gian vui vẻ. Cho dù đó là do bạn tự hào vì đã chui ra khỏi vỏ ốc của chính mình, là do bạn có được trải nghiệm mới mẻ, hoặc là do Minh đã phun nước vào đài phun sốt sôcôla, chúng ta không phải là người có thể đưa ra dự đoán tốt nhất về điều khiến chúng ta thích thú.
5. Bạn phải biết rằng quá trình này có thể sẽ khá khó khăn.Tất nhiên, bạn luôn có thể "uốn nắn" não bộ, nhưng bạn không thể dạy một chú chó trở thành một con chồn. Nếu bạn hoàn toàn là người hướng nội, trở thành người hướng ngoại sẽ vô cùng mệt mỏi. Ngoài ra, thậm chí nhiều người hướng ngoại cũng nhận thấy rằng quá nhiều kích thích xã hội tại một điểm nào đó có thể khiến họ kiệt sức. Đây có thể là chướng ngại vật mà phải mất nhiều năm để bạn có thể vượt qua.
• Nếu bạn gặp phải chứng sợ nơi đông người, không nên cố ép bản thân. Thay vào đó, hãy nhớ rằng: văn hoá phương Tây đánh giá cao sự hướng ngoại - phương Đông lại không như vậy. Có phải mong muốn trở thành người hướng ngoại không phải là khao khát bẩm sinh của bạn mà là một điều gì đó mà bạn đã được dạy? Bạn nên xem xét chấp nhận tính cách hướng nội của mình - người hướng nội cũng cần thiết cho xã hội như người hướng ngoại!
Tổng hợp