+Aa-
    Zalo

    Khiếp đảm nhân viên buôn điện thoại "chùa"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cuối tháng, sếp mới ngã ngửa khi nhìn thấy hóa đơn điện thoại "khủng" bất thường.

    Cuối tháng, sếp mới ngã ngửa khi nhìn thấy hóa đơn điện thoại "khủng" bất thường.

    Khi cuộc sống ngày càng trở nên văn minh hiện đại, công nghệ số phát triển, tất cả mọi công việc được giao dịch theo phương thức gián tiếp thì những phương tiện như máy tính, máy fax, internet, thư tín, điện thoại trở nên hữu hiệu, chúng trở thành vật dụng không thể thiếu đối với dân văn phòng.

    Trong bất kỳ công việc gì, mọi người đều sử dụng internet gửi tài liệu thông qua các tài khoản mạng, email. Điện thoại dùng thông báo, trao đổi công việc nhanh và hiệu quả tức thì. Không những thế, khi có đường dây điện thoại, mọi mối quan hệ nhanh chóng được kết nối và trở nên gần gũi, thân tình thông qua giọng nói.

    Có thế thấy, điện thoại tiện dụng cho công việc là thế, nhưng chính nó cũng là nguồn cơn bắt bệnh khó chữa “buôn chuyện” của một bộ phận nhân viên văn phòng hiện nay.

    Phương Nga – kế toán trưởng của công ty vận tải tại Hà Nội là nhân vật khiến đồng nghiệp phải nể sợ vì tài “buôn thúng bán mẹt” qua điện thoại hàng giờ đồng hồ. Ngoài đọc báo, làm việc sổ sách, hễ rảnh chút thời gian cô bạn nhấc điện thoại gọi cho bạn bè hỏi chuyện.

    Lân la một lúc, câu chuyện “tám” đi từ ngõ này sang ngách khác, chuyện gia đình, chuyện công việc, khuyến mại giảm giá, cho đến ngôi sao A, sao B lộ hàng khi biểu diễn…

    Thế nhưng, cô bạn chẳng hề để ý đến các đồng nghiệp khác đang chờ điện thoại để liên lạc công việc. Ai lại gần bàn có ý định hỏi mượn điện thoại, Nga không cần hiểu ý hỏi gì, miệng vẫn cười nói, tay xua đi chỗ khác như thể cô đang bận với công việc. Nhiều nhân viên vì nể Nga là sếp trên mình, đành lùi ra chỗ khác, dùng điện thoại di động gọi cho khách hàng.

    Khiếp đảm nhân viên buôn điện thoại

    Ảnh: Internet

    Cùng với sở thích buôn chuyện điện thoại hàng giờ, Thu Hương (nhân viên công ty điện lực) mặc dù không “tham ô” của công nhưng việc cô sử dụng điện thoại bừa bãi nơi tập thể cũng trở thành nỗi khiếp đảm với nhiều người.

    Điện thoại của phòng hành chính được đặt ở bàn làm việc của Hương, hầu hết các cuộc thoại đến đều do cô nhấc máy. Nếu như Hương nghe máy bình thường thì cô gánh công việc này cho cả phòng là điều rất tốt. Ngược lại, cách Hương tiếp chuyện với khách hàng qua điện thoại khiến người xung quanh phải nổi da gà.

    Cái ngữ điệu lúc thỏ thẻ, lúc oang oang thay đổi theo nhịp khiến mọi người không muốn cũng bị hút vào câu chuyện của cô. Vì thế, mỗi khi có chuông điện thoại, tất cả mọi người trong phòng phải dừng việc đang làm, quay ra nhấm nháy nhau trước khi giọng điệu của cô cất lên. Có người nửa đùa nửa thật vừa như trêu vừa như nhắc khéo về cách nói chuyện của Hương: “Mọi người im lặng để nghe cái giọng nói í éo của em Hương nào”.

    Dù vậy, Hương chẳng để ý, chỉ cười trừ và bắt máy tiếp chuyện. Không cần biết khách quen hay khách lạ, mỗi lần nghe điện thoại, cô đều kéo dài cuộc thoại giao lưu vài ba phút. Với những cuộc điện thoại “tám” chuyện của bạn bè, Hương chẳng ý tứ, thoải mái cười nói gây ồn ào, nhiều câu chuyện cô còn diễn tả cảm xúc ngay trên ống nghe mà không thèm quan tâm đến sự khó chịu của mọi người trong phòng.

    Việc buôn điện thoại “chùa” nơi công sở không chỉ lãng phí thời gian dành cho công việc. Đối với nhiều công ty thì đây đúng là một ẩn họa phát sinh về chi phí cước điện thoại hàng tháng.

    Vị sếp ngoài 50 tuổi của một công ty chuyên về thời trang tại Hà Nội nổi tiếng là dễ tính, đối xử khá “thoáng” với đội ngũ nhân viên của mình. Thời gian gần đây, các nhân viên công ty phải sửng sốt trước thái độ quay ngoắt 180 độ của sếp mình khi ông nặng lời phê bình cấp dưới.

    Cơ sự cũng chỉ tại cuộc điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ của cô văn thư tên Vy với bạn bè. Theo lời kể của vị sếp này, đây không phải là lần đầu ông chứng kiến cô nhân viên của mình bỏ bê công việc để “nướng” điện thoại.

    Trước đó, ông từng vài lần chứng kiến Vy nói cười nói qua điện thoại rất vui vẻ nhưng hễ thấy sếp đi qua, cô vội vàng cúp máy và lắp bắp chào. Lúc đó, vị sếp nghĩ đơn giản rằng, có lẽ nhân viên các phòng ban vui vẻ giao dịch công việc với nhau qua điện thoại chỉ vì lười đi lại.

    Nhưng trong một lần ký các hóa đơn giấy tờ, vô tình ông để ý đến hóa đơn điện thoại thấy đội lên con số “khủng” bất thường. Sau khi truy cứu các cuộc gọi, ông mới ngã ngửa số tiền cước đó được dùng vào mục đích ngoài công việc.

    Vẫn biết rằng, trong môi trường kinh doanh hiện đại, việc sử dụng điện thoại thực sự mang lại hiệu quả trong việc kết nối các đầu mối quan hệ. Vì thế, cần nâng cao quan điểm trong việc sử dụng điện thoại văn phòng sao cho đúng mực, người dùng cần tinh tế, văn minh để làm đẹp hơn môi trường văn hóa chốn công sở.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khiep-dam-nhan-vien-buon-dien-thoai-chua-a54691.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sự thật nghiệt ngã về tình công sở

    Sự thật nghiệt ngã về tình công sở

    Đàn ông sa ngã nơi công sở vì tình yêu và tình dục. Phụ nữ chọn tình công sở để tiến thân. Đó là cách mà mọi người vẫn quan niệm và phán xét về những chuyện tình công sở