+Aa-
    Zalo

    Khi "xã hội đen" núp bóng doanh nhân thành đạt, công chức....

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phó ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội vừa bị bắt vì liên quan đến vụ giết tài xế giữa phố đã dấy lên những cảnh báo về dạng tội phạm "xã hội đen" núp bóng cán bộ.

    (ĐSPL) - Thực tế cho thấy, hiện tội phạm dạng "xã hội đen" đang có những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, hiện tượng tội phạm núp dưới vỏ bọc cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp để đi đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản... ngày càng gia tăng.
    Vụ việc Phó ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội vừa bị bắt vì liên quan đến vụ giết người "dằn mặt" ngay giữa phố đã dấy lên những cảnh báo nguy hiểm về dạng tội phạm này.
    Còn bao nhiêu người khoác “tấm áo hoàn hảo” sử dụng “xã hội đen”?
    Hiện trường vụ giết người giữa phố liên quan đến Phó ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy và ba đối tượng “xã hội đen” tại Cơ quan điều tra.
    Điều gì khiến "ngài" Phó ban Tổ chức Quận ủy "nhúng chàm"?
    Những ngày qua, vụ án giết tài xế là cai thầu xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Vụ trọng án không chỉ khiến người ta bức xúc bởi mức độ tàn bạo, táo tợn của đối tượng mà dư luận còn bàng hoàng trước thông tin Phó ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy cũng bị bắt vì liên quan. Nhiều người đặt dấu hỏi, liệu có phải vì lợi ích nào đó mà vị cán bộ công quyền này đã có mối quan hệ với các đối tượng "xã hội đen" và dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật?
    Sự việc xảy ra vào khoảng 9h ngày 5/8, khi anh Kiều Hồng T. (SN 1961, quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội, hiện đang ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang lái chiếc ô tô mang BKS 30X-5090 lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng hướng đi Mai Dịch thì bất ngờ có hai thanh niên đi xe máy, lấy lý do va chạm giao thông để ép anh T. phải dừng xe, hạ kính xuống. Mặc dù lúc này rất đông người trên đường, nhưng hai đối tượng trên đã bất ngờ dùng dao đâm liên tiếp vào người anh T. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Hai kẻ gây án nhanh chóng phóng xe máy bỏ chạy.
    Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và ra lệnh bắt khẩn cấp ba đối tượng về tội giết người, gồm: Hoàng Anh Tuấn (SN 1980, HKTT ở Sóc Sơn, TP. Hà Nội, hiện tạm trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội); Lê Hồng Thuận (SN 1992, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Kim Bình (SN 1971, trú tại quận Cầu Giấy). Cả ba đối tượng này đều là những kẻ giang hồ, nhiều tiền án tiền sự. Tại cơ quan điều tra, bước đầu, các đối tượng khai, Bình là kẻ chủ mưu, chi 30 triệu đồng ra thuê Tuấn và Thuận "xử lý" anh T.. Theo lời Bình, sở dĩ hắn thuê Tuấn và Thuận làm phi vụ này là vì hắn "bức xúc thay bạn". Bạn hắn là Nguyễn Quốc Văn (SN 1961, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại tổng hợp và kinh doanh bất động sản. Quá trình làm ăn, Văn có nợ anh T. khoảng 2 tỉ đồng nhưng chưa trả, gần đây giữa hai bên có xảy ra xích mích, xô xát. Do chứng kiến cảnh đó nên Bình "xử" thay Văn.
    Trong khi dư luận đang đặt ra nhiều uẩn khúc phía sau vụ án mạng trên thì một thông tin khiến người ta bàng hoàng hơn khi ngày 9/8, cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã bắt giữ Lê Trung Kiên (SN 1971), Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội vì có liên quan đến vụ án. Cũng trong ngày, cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Quốc Văn về hành vi giết người. Theo một nguồn tin riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật, trước khi án mạng xảy ra, anh T. cũng đã từng có lần nói với Văn rằng, nếu Văn không trả tiền thì anh T. sẽ tố cáo những hành vi sai phạm của Văn trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng tại quận Cầu Giấy.
    Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là Lê Trung Kiên có vai trò gì trong vụ án? Tại sao một quan chức như ông Kiên lại dính líu đến hoạt động của đối tượng giang hồ? Giữa Kiên và Văn có mối quan hệ lợi ích gì mà Kiên đã "nhúng chàm" trong phi vụ này? Hiện ông Kiên đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, Cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng và những người có liên quan để xử lý trước pháp luật. 
    Còn bao nhiêu người khoác “tấm áo hoàn hảo” sử dụng “xã hội đen”?

    "Trùm xã hội đen" Nguyễn Văn Tú (tức Tú điên) dùng vỏ bọc là nhân viên công ty vận tải trong bến xe để hoạt động phi pháp.

    "Cái lợi - cái danh" đưa đẩy nhau vào vòng lao lý
    Một trong những vụ việc khác mà cơ quan công an đã triệt phá trong thời gian vừa qua, đó là vụ bắt "trùm tội phạm" dưới vỏ bọc nhân viên công ty vận tải ở bến xe Miền Đông.
    Theo tài liệu điều tra, Nguyễn Trọng Ngôn hay còn gọi là Nguyễn Văn Tý, tự Tý "điên", SN 1974, ngụ cư xá Thanh Đa, P27, quận Bình Thạnh, TP. HCM trong vỏ bọc là nhân viên của công ty vận tải An Sinh hoạt động tại bến xe Miền Đông. Dưới trướng Tý có nhiều đàn em cũng là nhân viên bảo vệ của một số công ty xe khách nhưng thực chất là làm công việc bảo kê, xử lý các vụ mâu thuẫn trong bến xe và chuyên đi thu tiền vay nợ cho Tý.
    Băng nhóm Tý "điên" thường cho các tiểu thương, chủ xe, tài xế xe khách và những người buôn bán nhỏ khu vực bến xe vay nặng lãi. Hàng ngày, Tý cử đàn em đi thu tiền, người nào trả chậm hoặc không đúng hạn sẽ bị cưỡng đoạt tài sản. Chúng gây áp lực rồi đứng ra dàn xếp, "bảo kê" các xe vận tải hành khách để thu tiền phí, ép khách phải mua vé hoặc đi xe do chúng "bảo kê". Chúng tổ chức chém người công khai để dằn mặt các nạn nhân, có người đã phải chịu hậu quả với thương tích vĩnh viễn gần 60\%. Đến khi băng nhóm này bị bắt, công an còn thu được rất nhiều loại hung khí giấu trong "hang ổ" của chúng, trong đó có cả súng hơi, đạn chì, bình xịt hơi cay, mã tấu...
    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Hình sự (trường Cao đẳng Cảnh sát I) cho biết: Xét tổng thể về vấn đề tội phạm, sâu xa là vấn đề lợi ích. Kể cả cán bộ công quyền, thậm chí những người lương cao, thu nhập cao nhưng người ta vẫn muốn có nhiều lợi ích.
    "Khi quen nhau, người ta rất dễ đặt lòng tin, chứ bình thường không quen nhờ vả nhau rất khó. Lúc đầu là như vậy nhưng người Việt Nam vẫn có câu "có đi có lại" nên xuất hiện lợi ích. Có thể lúc này lợi ích không nhiều nhưng dần dần nó sẽ lớn lên, đến một lúc nào đó, nếu cán bộ công chức không tỉnh táo, biết xử lý vấn đề đúng mức thì có thể dễ bị đối tượng ngoài xã hội lợi dụng, mua chuộc. Ví dụ, ngay cả cán bộ điều tra tội phạm về kinh tế, có thể lúc đầu cán bộ điều tra và một ông giám đốc quen biết nhau, chơi với nhau, khi đó ông giám đốc kia chưa phải là tội phạm. Nhưng sau đó, khi mối quan hệ giữa hai bên đã khăng khít, ông giám đốc kia có những hành vi vi phạm pháp luật mà cán bộ điều tra lại nể nang bao che hoặc "lơ đi" cho nhau vì lợi ích kinh tế thì như vậy là cả hai đã vi phạm pháp luật", Đại tá Nguyễn Xuân Sơn nói.
    Lôi kéo quan chức cùng phạm tội
    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Đại tá Nguyễn Viết Hòa, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 Công an Nghệ An) cho rằng: Trong vụ giết tài xế ở đường Phạm Văn Đồng có thể do mâu thuẫn nợ nần và dùng "giang hồ" để giải quyết. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có vấn đề lợi ích nhóm giữa cán bộ quận ủy kia để rồi "mượn tay" người khác trong một vụ thanh toán.
    "Khi một cán bộ có chức có quyền thì thông thường nhiều người ngoài xã hội rất muốn gắn mối quan hệ thân thiết, thậm chí những đối tượng "xã hội đen" dùng đủ mọi cách để làm "cán cân" quan hệ. Bởi vậy, nếu cán bộ công chức mà lập trường không vững vàng thì rất dễ bị lôi kéo, sa đà vào hành vi trái pháp luật", Đại tá Nguyễn Viết Hòa cho biết thêm.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-xa-hoi-den-nup-bong-doanh-nhan-thanh-dat-cong-chuc-a46192.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan