(ĐSPL) - Có câu chuyện vui: Ngân hàng kia bị cướp, trong lúc bối rối, Giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài: "Đợi đã, hãy để 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất!".
Đó là một câu chuyện thú vị về mối quan hệ giữa tiền bạc và quan chức. Có rất nhiều vụ trộm ghé nhà quan. Thống kê sơ sơ:
Đầu năm 2013, nhà Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, Đặng Xuân Thọ bị trộm đột nhập. Kết quả: chúng lấy đi tổng giá trị 2,792 tỷ đồng.
Tháng 2/2013, kẻ trộm đột nhập nhà riêng ông Phạm Minh Tú, Trưởng Ban quản lý dự án huyện Đông Hải (Bạc Liêu), ở thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) lấy trộm tài sản với trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng trong két sắt.
Tháng 5/2014, nhà giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn bị trộm lấy đi hơn 1 tỷ. Và gần đây nhất là vụ Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP HCM bị trộm cuỗm 1,6 tỷ đồng. Rồi có cả những tên đạo chích chuyên “khoắng” nhà quan và tích cóp được cả khối tiền hơn 10 tỷ như Đặng Ngọc Tân ở Đà Nẵng…
Và còn rất nhiều các vụ án “quan mất tiền” khác…
Nếu diễn ý theo câu chuyện vui trên thì con số khai báo là thực hay ảo, điều đó vẫn hoàn toàn bí ẩn! Như ở các nước phát triển, bằng việc khai báo tài sản, người ta kiểm soát rất tốt tài sản quan chức thì ở Việt Nam, thao tác này chỉ làm chiếu lệ và chưa thực sự hiệu quả. Khối tài sản của quan chức luôn luôn là một ẩn số. Và chỉ đến khi trộm vào nhà, chúng mới khui ra cả đống tiền mà những con người quyền lực đó đang sở hữu.
Những vụ án như thế thường để lại dư âm trong quần chúng. Người ta băn khoăn với rất nhiều câu hỏi: Tại sao, lực lượng lãnh đạo ăn lương theo bậc với mức lương tối thiểu 1.150.000 lại có tiền tỷ trong nhà?
Tại sao, tiền bạc quan chức không minh bạch hóa bằng những tài khoản tín dụng, ngân hàng với cái tên chính chủ mà những núi tiền đó lại cất giữ, giấm giúi sơ sài thiếu an toàn ở nhà riêng?
Bác đã từng nhắn nhủ: Cán bộ phải “lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân…”, cán bộ phải là “công bộc “ của dân, cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”…Những lời giáo huấn đó người ta thuộc làu làu, nhưng để thực thi thì còn rất xa vời.
Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn gian nan, phức tạp. Có thể nói, xã hội chúng ta hiện nay vẫn còn rất nhiều những bất cập trong quản lý tài sản quan chức. Nếu những bất cập này vẫn còn tồn tại thì nó chính là lỗ hổng của thể chế và chính nó sẽ làm chậm tiến độ đi đến thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng vô cùng khốc liệt này.