“Nhiệt độ tại chân thác trên đỉnh Long Lanh (Đà Lạt) chỉ khoảng 10 đến 11 độ C. Tôi phải nude hoàn toàn để làm mẫu vẽ và chụp ảnh. Cảm giác lúc ấy vừa lạnh vừa run, như có hàng ngàn vết dao băng cứa vào da thịt”.
Đó là tâm trạng của người mẫu Hani Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hiền Trang, sinh năm 1992) trong một buổi vẽ tại Lâm Đồng. Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định nói với tôi rằng: “Làm người mẫu body painting (vẽ trên cơ thể - NV) là nghề rất khó. Không phải cứ có một thân hình đẹp, khuôn mặt xinh và sẵn sàng “cởi” là có thể trở thành người mẫu thật sự. Họ phải biết giữ mình”.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định đang chuẩn bị tóc (ảnh nhỏ) cho người mẫu Hani Nguyễn và Hani Nguyễn đang làm mẫu vẽ body painting - Ảnh: Lam Ngọc |
Đắng nghề
Trong trang phục thường ngày Hani Nguyễn giản dị thổ lộ những câu chuyện ngoài lề. Trước khi làm người mẫu body painting cô chưa từng tham gia một môn nghệ thuật nào tương tự. Con đường đến với body painting khá ngẫu nhiên, vì thế thử thách cũng nhiều.
Phải trút hết trang phục trước mặt người lạ là một thử thách đối với các người mẫu body painting. Họ phải mất thời gian cả tuần, thậm chí là cả tháng để có thể làm quen với cảm giác nude. Suốt quá trình vẽ ban đầu, sự bất an luôn bao trùm khiến họ mất tập trung: “Ngoài thầy Định tôi không thể đặt niềm tin vào bất cứ ai. Chỉ cần nghe tiếng người gõ cửa là tôi liền giật mình, sợ có người lạ nhìn thấy tôi vội lấy vải che người lại”, Hani Nguyễn thổ lộ.
Mới vào nghề cái khó nhất đối với người mẫu là khống chế cảm giác: “Mỗi khi thấy thầy Định chuẩn bị màu vẽ là tôi lại phải lấy tinh thần trước. Mỗi nét cọ đặt lên người là cảm giác lạnh, nổi da gà, nhột, vô cùng nhột như có con vật gì đó đang bò khắp cơ thể. Nhiều khi không thể chịu nổi phải xin dừng vẽ...”.
Mỗi buổi vẽ trong studio thường kéo dài từ 8 đến 10 tiếng. Để có được những đường cong đẹp nhất cho bức tranh Hani thường nhịn ăn bữa sáng, trưa chỉ ăn một chút bánh ngọt rồi nhịn đói tới cuối ngày. Ngồi một tư thế trong nhiều giờ trong phòng máy lạnh vừa ngột ngạt vừa lạnh đôi khi khiến Hani Nguyễn kiệt sức không thể đứng dậy, hoặc khuỵu ngã phải có người dìu mới có thể ra khỏi phòng vẽ.
Tháng 11/2013, Hani Nguyễn cùng với nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định và ê kíp thực hiện một bộ ảnh body painting tại Lâm Đồng. Vừa lên tới đỉnh Long Lanh đoàn đã chọn một con thác làm nơi hạ trại chụp hình. Lúc này nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 10 đến 11 độ C. Cả đoàn ai cũng áo lạnh, quấn khăn, đội mũ len vì quá lạnh chỉ riêng Hani Nguyễn phải khỏa thân hoàn toàn. “Cảm giác của tôi lúc ấy như có hàng ngàn vết dao băng cứa vào da thịt. Chân tay vừa lạnh vừa run nhưng khuôn mặt lại phải tỏ ra thư thái để tạo cái thần cho thoát” - Hani Nguyễn nhớ lại. Sau hôm ấy cô bị sốt triền miên, bạn trai của Hani phải gác lại công việc từ TP.HCM lật đật lên tận Đà Lạt chăm sóc cô.
“Mẹ sẽ từ con...”
Những người mẫu body painting phải vượt qua những mặc cảm của chính bản thân, sự phản đối từ gia đình, xã hội. “Mẹ tôi luôn muốn con gái mình có một công việc văn phòng nhẹ nhàng, bà rất mừng khi tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật miền Nam (Khoa Tài chính ngân hàng). Nhưng suốt quá trình học tôi luôn cảm thấy những con số nhảy múa. Tôi yêu nghệ thuật vô cùng, tôi tìm được sự đồng cảm khi tiếp xúc với thầy Dương Quốc Định và đã có những bức ảnh đầu tiên cho đam mê...”, Hani xúc động.
Ban đầu chỉ là hai bức tranh body painting được nhiếp ảnh Dương Quốc Định vẽ làm kỷ niệm, Hani đăng trên Facebook được mọi người chia sẻ nhanh chóng. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của cô gái trẻ, Hani chia sẻ: “Hai ngày sau tôi gỡ xuống nhưng không kịp, chuyện về bức ảnh đến tai mẹ. Mẹ tôi tức giận. Về nhà ngay, mẹ có chuyện muốn hỏi,... mẹ sẽ từ con!” Kể từ đó, suốt một tháng trời cô không dám về nhà. Đối mặt với thực tế, ở quê bà con hàng xóm thường bàn tán về chuyện Hani làm người mẫu khỏa thân trên thành phố. “Cái thứ ấy mà vẽ vời gì, nhìn như quái vật”. Buồn lắm, nhưng Hani vẫn cố gắng thuyết phục mẹ và chưa từng nghĩ tới chuyện sẽ từ bỏ nghệ thuật body painting.
Tương tự Hani Nguyễn, nghệ thuật body painting đến với người mẫu Phi Thúy như một sự tình cờ: “Tôi đến với body painting hoàn toàn ngẫu nhiên chỉ sau một lần theo mẹ đi chụp hình nghệ thuật và chưa từng nghĩ mình sẽ bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật, mà đặc biệt lại là làm mẫu chụp nude” - Phi Thúy tâm sự.
Để có nhiều thời gian dành cho nghệ thuật Phi Thúy xin nghỉ công việc văn phòng hiện tại và chuyển sang làm kinh doanh. Bộ ảnh đầu tiên hoàn tất cũng là lúc Phi Thúy gặp phải hàng loạt những rắc rối. Bạn bè liên tục gọi điện, nhắn tin khi phát hiện những bức hình trên internet. Có những người hiểu và thông cảm nhưng cũng không ít người bức xúc và không chấp nhận. Nhất là sự phản đối của những người thân trong dòng họ. “Cậu là người yêu quý tôi như con đẻ nhưng sau khi biết công việc tôi đang làm liền dằn vặt mẹ tôi, suốt mấy tháng trời cậu không thèm nhìn mặt, không nói chuyện với tôi” - Phi Thúy tâm sự. Buồn nhất là Phi Thúy bị người yêu phản đối, anh ấy thậm chí bất mãn với nhiếp ảnh ngay trong buổi đi chụp hình cưới. Hai người xung đột vì một vài cảnh nhạy cảm chụp ở suối. Buổi chụp hình với áo dài vào ngày hôm sau cũng bị hủy. Hẹn chồng sắp cưới ở quán cà phê: “Tôi chỉ biết khóc, xin lỗi và giải thích…”, Phi Thúy nhớ lại.
Người mẫu không cát sê
Hơn 20 năm cầm máy có tới vài trăm người sẵn sàng tới xin làm người mẫu không công nhưng nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định chỉ chọn chụp 8 người. Phi Thúy và Hani Nguyễn là những người mẫu thành công và khá đặc biệt theo ông Định.
Ngay khi bắt đầu hợp tác người mẫu và nhiếp ảnh thỏa thuận không bên nào trả thù lao cho bên nào. Sau mỗi buổi chụp nhiếp ảnh gia có tác phẩm của mình. Người mẫu có được những tấm hình “để đời”. Với họ việc mang hình ảnh của một người phụ nữ để định giá, trả thù lao là một sự xúc phạm. “Tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực mới chính là cách trả công xứng đáng nhất cho họ” - ông Định chia sẻ.
Phi Thúy tham gia làm người mẫu hoàn toàn không phải vì muốn nổi tiếng hay vì tiền. Cô từng làm người mẫu chính cho hàng chục bộ ảnh. Trong đó, có những bức ảnh đoạt giải quốc tế nhưng cô chưa hề nhận một đồng thù lao. Trên tất cả các trang mạng chỉ có thể tìm thấy hình ảnh của Phi Thúy bằng cách vào tên của tác giả Dương Quốc Định.
Những tấm hình chụp xong được Phi Thúy xếp cẩn thận ở một góc nhỏ trong nhà. Ngay cả phòng ngủ của mình Phi Thúy cũng không treo vì sợ ba mẹ chồng phật ý. Cô từ chối những cuộc phỏng vấn, không thích hội họp, không sử dụng những bức ảnh để PR cho tên tuổi của mình.
Để giải đáp cho thắc mắc của tôi và hàng loạt bạn bè người thân, Phi Thúy cười: “Tôi làm vì muốn những bức tranh. Tôi không mang thân thể mình đi kinh doanh hay đánh đổi lấy tên tuổi. Hy vọng những bức tranh của tôi sẽ sống được với thời gian. Để khi chết đi con người ta không chỉ là... hạt bụi”.