Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 10/1, ông Phạm Ngọc Duy, chánh văn phòng TAND TP.HCM, cho biết TAND TP.HCM đã thụ lý hồ sơ vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và có phương án chuẩn bị xét xử vào tháng 3/2024.
Theo đó, hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát lên tới gần 1 triệu bút lục, đựng trong 104 rương hồ sơ và được chở bằng xe tải chuyên dụng đến tòa để đảm bảo an toàn. Vụ án sẽ do thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM) nghiên cứu, giải quyết.
Trước khi TAND TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, TAND TP đã lường trước khối lượng hồ sơ vụ án nhiều nên tòa đã chuẩn bị một phòng riêng để chứa hồ sơ và tạo điều kiện để các luật sư, đương sự sao chụp, nghiên cứu tài liệu, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera để đảm bảo an ninh.
Quá trình điều tra, hồ sơ được đánh số theo bút lục, đựng riêng từng rương, luật sư bào chữa cho bị cáo nào thì có thể tìm kiếm và sao chụp theo danh mục tài liệu đã được ghi chú.
"Đây là giai đoạn 1 của vụ án, xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm về các tội tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ… Chuỗi hành vi này không liên quan tới việc phát hành trái phiếu. Do đó, tòa mong người dân hiểu tại sao không được tòa triệu tập và không tụ tập đông trước khu vực tòa án ảnh hưởng tới an ninh, trật tự", ông Duy khuyến nghị.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm;
10 năm liên tiếp, từ 2012 đến 2022, SCB giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. Số tiền SCB cho nhóm bà Lan vay chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi). Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh bị cảnh sát truy vết phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Theo VKS, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.
Đặc biệt, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, 5,2 triệu USD.
Bộ Công an đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó tập trung điều tra 2 tội danh chính là lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến phát hành trái phiếu và hành vi rửa tiền của bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi phát hành trái phiếu, Bộ Công an xác định các bị can đã thông qua 40 doanh nghiệp được thành lập rồi phát hành 25 gói trái phiếu, lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Bộ Công an tiếp tục đề nghị những nhà đầu tư mua trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm cần đến công an địa phương nơi bị hại đăng ký địa chỉ trên các trái phiếu để trình báo.
Thục Hiền(T/h)