+Aa-
    Zalo

    Khi dao thớt cũng biết "bay" ở khu chung cư

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tình trạng “vật thể lạ” rơi từ tầng cao tại các khu nhà chung cư vẫn diễn ra. Nhiều người đặt câu hỏi, đây là do thói quen hay hành động thiếu ý thức của người dân?

    Tình trạng vứt rác bừa bãi, “vật thể lạ” rơi từ tầng cao xuống đất tại các khu nhà chung cư vẫn diễn ra. Mới đây, sự việc dao thớt “bay” tại khu đô thị HH Linh Đàm khiến dư luận bàng hoàng. Sau sự việc, nhiều người đặt câu hỏi, đây là do thói quen hay hành động thiếu ý thức của người dân?

    Khi... dao thớt cũng biết “bay”

    Dao, thớt “bay” tại khu đô thị HH Linh Đàm.

    Sau khi hình ảnh dao thớt biết “bay” suýt lấy mạng người qua đường được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều dân mạng chia sẻ sự bàng hoàng “thật không thể tin nổi”, “vô ý thức quá”, “không thể chấp nhận được”,...

    Trước sự xôn xao của dân mạng, chúng tôi đã tìm về khu đô thị HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Trò chuyện với PV, chị Hoa (bán nước ở tòa nhà HH2B, người chứng kiến sự việc) cho biết: "Khoảng 11h30 ngày 26/8 tôi đang ngồi bán nước thì thấy chiếc thớt to, dày rơi từ trên cao xuống. Một người đàn ông luống tuổi đi qua, mặt tái mét, chỉ 20cm nữa thôi là rơi trúng đầu ông ấy. Chiếc thớt rơi xuống làm vỡ viên gạch vỉa hè. Khi mọi người còn chưa kịp hoàn hồn thì 10 phút sau một con dao to cũng theo đó mà rơi xuống."

    Ông Trần Đức An (Trưởng tòa nhà HH2B) kể lại sự việc thớt “bay”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Đức An (Trưởng tòa nhà HH2B, khu đô thị Linh Đàm) xác nhận có sự việc trên xảy ra. Ngay sau đó ban quản lý tòa nhà đã lập biên bản và tìm ra được “hung thủ” làm “bay” dao, thớt.

    Ông An cho biết: “Sự việc trên xuất phát từ số nhà 11xx. Theo lời chủ nhà thì họ có cô con gái bị trầm cảm sau sinh, đã gây phiền cho hàng xóm mấy ngày nay. Sau sự việc nghiêm trọng này gia đình cũng đã chuyển cô con gái đi chỗ khác để chữa bệnh và xin lỗi hàng xóm bên cạnh”.

    Khi dư luận chưa kịp trấn tĩnh lại sau sự việc dao, thớt “bay” thì lại được phen hoảng hồn bởi câu chuyện mà tài khoản Jone Hoang chia sẻ: “Đúng lúc mình đi ngang qua quán phở góc tòa nhà HH1A thì “toẹt”, một tiếng kêu khô khốc, mảnh cốc vỡ tan.

    Cuộc sống thật mong manh, 2 mẹ con nhà này chỉ nhích thêm đúng 20cm nữa thôi thì em bé nằm trong xe nôi ăn trọn một chiếc cốc thủy tinh. Hôm qua thì dao thớt, hôm nay lại đến cốc chén. Xin đừng gây oán chỉ vì vô tâm”.

    Cũng tại tòa nhà HH Linh Đàm, người dân lên tiếng cho rằng, họ từng chứng kiến búa “bay”, giấy ăn, bông ngoáy tai,... rơi “từ trên trời” xuống.

    Nhiều “vật thể lạ” rơi từ trên cao xuống khiến người dân bức xúc.

    Anh Nguyễn Mạnh Sang (tòa nhà HH2C) kể: “Cách đây không lâu, khi đang ngồi uống nước, chúng tôi nghe thấy một tiếng động mạnh, thì ra có chiếc búa rơi từ trên cao xuống, làm vỡ đầu chiếc xe máy dựng bên dưới. Hoặc mỗi lần xuống dưới sân là bị các “vật thể lạ”: Rác, đầu thuốc lá, thậm chí cả bao cao su đã sử dụng rơi trúng người”.

    Chị Trần Thu Trang, người từng bị vỏ sữa rơi vào đầu bức xúc cho biết: “Có lần, tôi vừa dừng xe, mở cửa ra thì một vỏ sữa tươi rơi trúng vào đầu. Bức xúc nhưng ngẩng lên thì không thấy chủ nhân của vỏ sữa này đâu. Sao họ lại có ý thức kém tới như vậy”.

    Chị Trang cũng nhớ lại, có lần cả nhà chị đang đi dạo dưới sân, lại là mùa đông thì bị cả một xô nước giội trúng đầu. Ngẩng lên chị cũng không biết xô nước đó bắt nguồn từ tầng nào xuống. Cả nhà chị phải về nhà thay quần áo trong trạng thái ướt như chuột lột.

    Lỗi tại ý thức?

    Đó chỉ là một số những sự việc trong hàng nghìn tình huống mà cư dân sống tại khu chung cư phải gánh chịu từ một số người thiếu ý thức. Mặc dù đã kêu gọi, phản ánh đến ban quản lý, nhưng thói quen ăn ở thiếu ý thức của một số người vẫn không hề giảm.

    Tại nhóm cộng đồng cư dân của chung cư HH Linh Đàm, chị Khánh Huyền bức xúc: “Đã 2 lần tôi chứng kiến vật lạ rơi xuống ngay gần mình. Chẳng nhẽ chúng ta lại chờ có án mạng mới lên tiếng? Không thể như thế được. Chúng ta phải yêu cầu có chế tài xử phạt nghiêm những hành động vô ý thức thế này. Nếu phạt hành chính 5-10 triệu đồng không đủ răn đe thì phải mạnh tay phạt lên đến 20 - 30 triệu đồng.

    Tất cả hãy cùng ký tên vào một dự thảo xử phạt nghiêm minh đưa lên ban quản lý khu HH và chính quyền sở tại. Nếu chúng ta im lặng thì một ngày nào đó có thể chúng ta sẽ phải chịu nỗi đau từ chính bản thân hoặc người thân chúng ta”.

    Còn anh Nguyễn Mạnh Sang bày tỏ: “Chúng tôi cũng nghĩ ra nhiều biện pháp để bảo vệ chính mình nhưng thật sự thấy quá khó. Tôi thường đùa với hàng xóm, mỗi lần đi xuống sân chung cư chơi thì nên đội mũ bảo hiểm, nếu không sẽ phải đi cấp cứu đấy. Bởi, họ vô ý, người ở dưới biết đâu mà tránh”.

    Trước vấn đề một số người dân mang thói ăn ở thiếu ý thức đến những nơi văn minh. TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Thường những người ở chung cư là người ở lần đầu. Trước kia họ ở nhà một tầng nên có thói quen vứt đồ lung tung và nước bẩn thì hắt ra sân. Nên bây giờ, khi ở nhà cao tầng họ vẫn chưa sửa được thói quen đó. Vì thế, việc đầu tiên là ban quản lý tòa nhà phải đưa ra một quy chế quản lý chung cư rõ ràng, chi tiết. Nhất là ý thức của những người sống trong khu chung cư”.

    Cũng theo TS. Liêm, mỗi gia đình có thể làm một mái hiên nhô ra, dù trời có mưa thì đi lại cũng không sợ. Khi đã chống được mưa, nắng thì cũng chống được các thứ khác rơi từ trên cao xuống, một công đôi ba việc.

    Hành vi xấu xí

    TS tâm lý học Nguyễn Thị Minh bày tỏ, một số người khi sống tại các tòa nhà cao tầng vẫn giữ thói quen ném đồ xuống mặt đất. Tuy nhiên, cũng có một số người thường bị ảnh hưởng tâm lý. Có thể vợ chồng cãi nhau, mâu thuẫn trong gia đình nên không làm chủ được tâm lý mà quăng đồ đạc lung tung và bay ra ngoài cửa sổ điều này cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, ngay chính bản thân mỗi người phải tự hiểu được mức độ nguy hiểm khi đồ đạc bay ra khỏi cửa sổ chung cư. Hãy suy nghĩ thật kỹ hành động của mình, bởi chỉ một sơ suất sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

    Lắp lưới làm mất cảnh quan của khu chung cư?

    Nhiều cư dân khu chung cư cho rằng nên lắp lưới để bảo vệ quanh tòa nhà, tránh các “vật thể lạ” thản nhiên rơi ra khỏi cửa sổ. Trước vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó ban quản lý tòa nhà HH khu đô thị Linh Đàm cho rằng, việc lắp lưới bảo vệ quanh các tòa nhà là rất khó thực hiện, vì còn liên quan đến cảnh quan của tòa nhà. Mà hơn hết, tòa nhà không làm rơi những “vật thể lạ” đó xuống, tất cả là do ý thức của người dân.

    Lắp camera theo dõi và có biện pháp xử phạt

    Nhiều người dân băn khoăn đến việc sẽ có rào chắn ban công để một số người thiếu ý thức không để “vật thể lạ” rơi tự do. Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Theo kiến trúc và luật Phòng cháy chữa cháy thì không được làm rào chắn ban công quá cao. Vì sẽ không thể thoát hiểm nếu có sự cố. Cách tốt nhất là tìm cách nâng cao ý thức của người dân. Ý thức chưa có thì cần làm những buổi họp dân, để phổ biến. Đặt ra những quy định chung để giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự. Lắp camera theo dõi để xử phạt những trường hợp vi phạm. Khi đó không cần làm khung chắn cửa”.

    Mai Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-dao-thot-cung-biet-bay-o-khu-chung-cu-a201512.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan