"Trong bối cảnh ý thức chấp hành các quy định pháp luật tại nơi công cộng của một bộ phận người dân hiện nay còn thấp, thì việc tăng hình phạt lên ở mức cao được xem là một giải pháp chấp nhận được nhằm răn đe, ngăn ngừa sự vi phạm" – ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc điều hành Công ty Luật FDVN – Chi nhánh Huế nêu nhận định.
Từ ngày 1/2, Nghị định 155/2016 có hiệu lực thi hành. Theo đó, các hành vi vi phạm môi trường như xả rác, tiểu bậy tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng... sẽ bị phạt tiền cao gấp nhiều lần (có khi lên tới 10 lần) so với trước. Và mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm được quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hoạc hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị...
Theo nội dung nghị định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng cấp tỉnh có quyền phạt đến 25.000.000 đồng; Trưởng công an cấp xã có quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Chủ tịch UBND, trưởng công các cấp đều có quyền phạt cảnh cáo; Thanh tra chuyên ngành, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm.. đều có quyền xử phạt với các mức khác nhau theo từng cấp...
Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định. (Ảnh minh họa) |
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm.
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề nêu trên, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN - Chi nhánh Huế cho rằng, trong bối cảnh ý thức chấp hành các quy định pháp luật tại nơi công cộng của một bộ phận người dân hiện nay còn thấp thì việc tăng hình phạt lên ở mức cao là một giải pháp để răn đe, ngăn ngừa sự vi phạm.Về các mức xử phạt nêu trên, nhiều quan điểm đồng thuận cho rằng, đây là cơ sở để làm tăng tính răn đe nhằm giảm thiểu các sai phạm, góp phần giữ gìn văn minh đô thị. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại nhận định, trước đây mức phạt thấp xử lý đã khó, bây giờ phạt cao thì khó có thể khả thi. Hơn nữa, nhân sự trật tự đô thị hiện nay còn khá mỏng, vậy thì việc bắt lỗi vi phạm và xử phạt khó có thể đạt hiệu quả. Hay theo Nghị định này, lực lượng thi hành công vụ được xử phạt tại chỗ, vậy có vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính hay không? Hoặc đối tượng bị xử phạt hành chính phân chia theo độ tuổi (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm) liệu có phù hợp?
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc điều hành Công ty Luật FDVN. |
"Ở các nước trên thế giới, hình phạt cho các hành vi tiểu tiện bậy nơi công cộng rất nặng, thậm chí có nơi còn xử phạt tù. Do đó, bên cạnh việc nâng cáo ý thức từng ngày của người dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các giải pháp đồng bộ khác (như tăng thêm nhà vệ sinh công cộng...) thì mức xử phạt cao cũng là một trong những giải pháp hạn chế vi phạm chấp nhận được trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề quan trọng ở đây là ý thức, vì mục đích cao nhất của hình phạt là để giáo dục ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật của công dân" - ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Theo quy định tại Điều 49, 50 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì chiến sĩ Công an nhân dân và lực lượng Thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt tối đa là 500.000 đồng. Điều này là phù hợp với quy định tại Điều 39 (thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân) và Điều 46 (thẩm quyền xử phạt của Thanh tra) Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012.
Về thắc mắc của độc giả: "Lực lượng thi hành công vụ được xử phạt tại chỗ liệu có vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính?", Ông Lê Hồng Sơn nêu rõ: "Theo quy định tại Điều 49, 50 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì chiến sĩ Công an nhân dân và lực lượng Thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt tối đa là 500.000 đồng. Điều này là phù hợp với quy định tại Điều 39 (thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân) và Điều 46 (thẩm quyền xử phạt của Thanh tra) Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012".
Về đối tượng bị xử phạt hành chính phân chia theo độ tuổi (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm) được quy định rõ trong nghị định, ông Sơn cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính được phân chia theo độ tuổi như sau: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
"Việc quy định tuổi trong xử lý vi phạm hành chính là căn cứ vào năng lực hình vi và nhận thức của cá nhân. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như ý nghĩa về mặt thực tiễn. Ở những độ tuổi nhất định sẽ có những nhận thức nhất định về pháp luật và hành vi, do đó sẽ có những chế tài phù hợp tương ứng với độ tuổi" – Ông Lê Hồng Sơn nêu nhận định.