Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, COVID-19 đã trở thành bệnh nhóm B theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, các biện pháp phòng chống dịch cũng được điều chỉnh phù hợp với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Với việc tiêm vaccine COVID-19, Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 của Bộ Y tế nêu rõ, việc xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.
Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.
Hiện nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Báo Lao động dẫn lời ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo tổ chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay vẫn chưa có khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 hằng năm. Tuy nhiên dựa trên những yếu tố thực tiễn như biến chủng mới của COVID-19 thì có thể sẽ có khuyến cáo mới tiếp theo.
Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 trong năm 2023, tiếp tục ưu tiên tiêm các đối tượng có nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền. Các mũi tiêm cơ bản cho người dân cũng đã triển khai đầy đủ.
Riêng trong năm 2023, tiêm vaccine COVID-19 sẽ vẫn miễn phí. Sang năm 2024, Bộ Y tế sẽ cập nhật thông tin mới.
Một chuyên gia y tế cho rằng, khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân…
Cũng theo chuyên gia này, với sứ mệnh của Quỹ là huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp từ xã hội để chia sẻ với ngân sách Nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, Bộ Tài chính sẽ phải tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đóng lại quỹ này và nếu số dư còn, sẽ đề xuất hướng sử dụng phù hợp với tình hình thực tế.
Thủy Tiên (T/h)