(ĐSPL) – Hệ thống khẩu hiệu trường học đã đáp ứng đúng tôn chỉ mục đích. Tuy nhiên, việc treo khẩu hiệu còn bất cập, mỗi nơi làm một phách và chưa phù hợp.
Theo tin tức trên báo Dân trí, tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trường học” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội, đại diện ban tổ chức đánh giá, trong gian qua các nhà trường đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Các trường học ở các cấp bậc khác nhau đều đã xây dựng quy tắc ứng xử ở mức độ khác nhau, xây dựng cảnh quan, khuôn viên nhà trường. Đặc biệt là hệ thống khẩu hiệu tại các trường học đã đáp ứng yêu cầu, thể hiện tôn chỉ mục đích của nhà trường, nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Bà Vũ Thị Thủy, Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ở nhiều trường học treo khẩu hiệu đẹp mắt và đáp ứng đúng yêu cầu, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Tuy nhiên, một số trường còn treo khẩu hiệu tràn lan, phản cảm.
Khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" chưa phù hợp với học sinh tiểu học. (Ảnh minh họa: laichau.edu.net) |
Một đại diện đến từ Sở GD-ĐT Lào giáo dụcCai cũng cho hay, mỗi năm ngành giáo dục ở đây có một khẩu hiệu. Năm học sau đó, khẩu hiệu này lại thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ của năm học đó. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, cần thay đổi cách thức truyền thông để khẩu hiệu tác động mạnh mẽ hơn nữa tới phụ huynh học sinh.
Nói về một số khẩu hiệu cũ vẫn đang được sử dụng, đại diện từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, “Tiên học lễ, hậu học văn” là câu khẩu hiệu có từ thời xưa. Hiện nay có rất nhiều trường, trong đó có trường tiểu họ sử dụng câu khẩu hiệu này. Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tin rằng, các em học sinh lớp 1, lớp 2 chắc chắn không hiểu “tiên” là gì, “hậu” là gì. Cũng theo một số đại biểu, không chỉ trong trường học, nhiều thư viện treo khẩu hiệu rất cao siêu, chưa phù hợp với độ tuổi học sinh, nhất là ở các trường tiểu học.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn, một số trường tiểu học treo khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” thì học sinh có hiểu là gì không? Khẩu hiệu phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng. Với khẩu hiệu này, có thể cấp THPT các học sinh hiểu được đầu tiên phải là lễ nghĩa, đạo đức, sau đó mới đến là văn hóa. Nhưng đối với các em ở tiểu học khó mà hiểu được. Cho nên khẩu hiệu phải phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học.
Báo Tiền Phong cũng đưa tin, trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT, trường đã tập trung thảo luận, bàn việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Đồng thời, cũng thông qua các khẩu hiệu, quy định để giúp học sinh có ứng xử có văn hóa tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, trong thời gian tới, các trường sẽ phải xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm. Thầy cô và cha mẹ cần quan tâm hơn đến các em.
Nhân Văn (tổng hợp)
Video đang được xem nhiều nhất:
[mecloud]R1AZGria1g[/mecloud]