+Aa-
    Zalo

    Khám phá vlog Việt: Mê hoặc dân mạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vlog (blog dưới dạng video, trong đó tác giả dùng diễn xuất, lời nói, động tác... của mình gửi đến người xem) đang là trào lưu được dân mạng đặc biệt yêu thích.

    Vlog (blog dưới dạng video, trong đó tác giả dùng diễn xuất, lời nói, động tác... của mình gửi đến người xem) đang là trào lưu được dân mạng đặc biệt yêu thích.

    Khám phá vlog Việt: Mê hoặc dân mạng
    Những vlogger đang được yêu thích - Ảnh: NVCC 

    Vlog Việt đã và đang khuynh đảo cộng đồng mạng, bởi bản thân các đề tài gần gũi với đời sống giới trẻ.

    Những vlog triệu lượt xem

    Là người tiên phong của phong trào, Jvevermind (tên thật Trần Đức Việt) là vlogger có lượt người theo dõi cao nhất trên YouTube với hơn 1,4 triệu thành viên đăng ký xem và tính đến thời điểm này đã có gần 87 triệu lượt xem. Trung bình mỗi vlog thu hút cả triệu lượt xem. Thậm chí có những vlog như: “Thời đi học - Kiểm tra miệng” hay “Thời đi học - Bắt nạt nhau”… thu hút hơn 3,2 triệu lượt xem. Jvevermind cũng là vlogger dẫn đầu trong giới vlogger về tốc độ và số lượng ra vlog.

    Một vlogger đáng chú ý khác là HuyMeProductions (tên thật Phạm Công Thành). Kênh của vlogger điển trai này đã thu hút 14,5 triệu lượt xem, có hơn 373.000 thành viên đăng ký xem thường xuyên.

    Ngoài ra còn có thể kể những vlogger đã và đang gây sốt với cư dân mạng như: Lâm Việt Anh (127.000 người theo dõi, 3,2 triệu lượt xem), cô gái cá tính An Nguy (tên thật Ngụy Thiên An, 330.000 theo dõi, 9,6 triệu lượt xem), người bí ẩn thường xuất hiện với chiếc hộp giấy trên đầu, bên ngoài vẽ chiếc mặt cười ngộ nghĩnh He Always Smiles (142.000 theo dõi, 5,2 triệu lượt xem), Đu Đồ Đút (Doodle Dude, gồm hai du học sinh ở Singapore và Mỹ, 115.000 theo dõi, 4,4 triệu lượt xem), Dưa Leo (tên thật Nguyễn Phúc Gia Huy, 149.000 theo dõi, 13,6 triệu lượt xem)…

    Đặc biệt, không thể không nhắc đến vlogger tài năng vừa qua đời, được xem là anh cả trong cộng đồng vlog là Toàn Shinoda (tên thật Trần Vũ Toàn). Kênh vlog trên YouTube của anh thu hút gần 645.000 thành viên đăng ký và đã có hơn 23,4 triệu lượt xem.

    Từ sự tình cờ

    Những sự tình cờ một cách ngẫu nhiên đã vô tình khiến những An Nguy, Lâm Việt Anh, Jvevermind… gắn chặt cùng vlog.

    Nickname Phở Đặc Biệt, thành viên nhóm Thích Ăn Phở, đã từ lâu cực thích kênh YouTube. “Hay là chúng ta làm cái gì đó chơi cho vui trên này nhỉ”, lời rủ rê của Phở Đặc Biệt với hai người bạn thân trở thành bước ngoặt tạo nên một nhóm Thích Ăn Phở nổi tiếng như hiện nay khi thu hút hơn một triệu lượt người theo dõi trên YouTube. Những vlog của nhóm được thực hiện theo hướng gần gũi với giới trẻ, nhưng thể hiện dưới lăng kính hài hước, dí dỏm nhằm giúp giới trẻ có cái nhìn đúng và tích cực các vấn đề trong xã hội. 

    Khám phá vlog Việt: Mê hoặc dân mạng
    Những người tiên phong trào lưu vlog tại VN (từ trái sang: Toàn Shinoda, Jvevermind, HuyMe)

    HuyMeProductions cho biết đã có sở thích làm vlog từ rất lâu, nhưng làm và “chỉ giấu cho riêng ta biết”. Đến khi vô tình thấy Jvevermind làm thì cũng bắt đầu khơi lại niềm đam mê, không ngờ lại được dân mạng đón nhận, từ đó có thêm động lực để tiếp tục và đến nay đã trình làng 25 vlog.

    Tương tự, An Nguy nhớ lại trong thời gian du học ở Mỹ, ý định ban đầu cũng chỉ là quay phim lại rồi gửi tặng bạn bè thời học sinh ở VN xem để được nhìn nhau, đỡ nhớ chứ chẳng đăng tải lên YouTube. Bỗng thấy những Jvevermind, Toàn Shinoda đang bắt đầu khuấy động trào lưu, An Nguy cũng gia nhập vào cộng đồng vlogger.

    Lâm Việt Anh cũng thế, cuối năm 2012 vô tình biết đến vlog và quyết định thử sức mình, xem đây như một mạng xã hội để chia sẻ cảm xúc cá nhân dưới dạng video. Và rồi giờ đây Anh trở thành gương mặt khá nổi tiếng trong làng vlog Việt.

    Còn Jvevermind thì cho biết sở dĩ thích làm vlog vì đây là công cụ hiệu quả nhất, là nơi để thể hiện cá tính, quan điểm của bản thân.

    Cuộc sống là đề tài

    Trong vlog, các vlogger có thể thỏa sức sáng tạo, đóng nhiều vai như: đạo diễn, viết kịch bản, diễn viên để gửi những thông điệp có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

    Khá thú vị là những ý tưởng để thực hiện vlog của những vlogger nổi tiếng này khá đơn giản. Như Jvevermind, chỉ cần trông thấy những vấn đề bất cập, nhức nhối trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung, là anh có thể thực hiện vlog thu hút cả triệu lượt xem.

    Còn HuyMeProductions cho biết đôi khi ý tưởng đến rất tự nhiên và bất chợt. Đôi lúc đang chạy xe trên đường bỗng nghĩ ra ý tưởng, hay những câu chuyện hằng ngày mà chàng trai này gặp cũng là đề tài để anh khai thác vào vlog của mình. Thế nên mới có chuyện, đơn giản chỉ là quan sát thấy một ông hàng xóm bị hói đầu cũng đủ để vlogger điển trai này viết thành kịch bản, làm vlog mê hoặc hàng trăm ngàn người xem.

    Đối với Lâm Việt Anh hay He Always Smiles, dưới lăng kính hài hước và sáng tạo, những vấn đề nhỏ nhặt xung quanh cuộc sống, những trải nghiệm mà bản thân gặp phải cũng có thể biến thành những thông điệp ý nghĩa về tình bạn, tình yêu, đam mê, ước mơ… dành cho mọi người.

    Trao đổi với Thanh Niên, Phở Đặc Biệt chia sẻ tin vui với giới trẻ VN: Từ thời điểm này, những bạn trẻ mong muốn kiếm tiền từ việc làm vlog có thể liên hệ với Thích Ăn Phở để đăng ký YouTube Partner. “Chúng mình hiểu được sự khó khăn của thành viên VN muốn đăng ký YouTube Partner nên đã xây dựng và hình thành mạng lưới đại lý YouTube tại VN”.


    Ý kiến

    "Công nhận những vlogger là những người thông minh. Bằng lăng kính hài hước của mình vẫn có thể nêu lên những vấn đề thời sự, những câu chuyện ý nghĩa của xã hội. Khâm phục". (Hoàng Anh/Facebook)

    "Kiếm tiền là ước mong của nhiều bạn trẻ, nhưng để đăng ký làm thành viên được YouTube trả thù lao không phải ai cũng biết cách. Mong những vlogger hướng dẫn giùm". (vu\_anh\_tran/YouTube)

    "Em tập tành làm vlog. Hy vọng các đàn anh, đàn chị mở những khóa học online chẳng hạn, có thể lồng ghép vào các vlog để chỉ giáo với ạ". (Trương Nhật  Đăng/Facebook)

    "Đúng là có thêm một cách để nổi tiếng, cách này không quá nhiêu khê, chẳng cần xinh đẹp để làm diễn viên. Không cần cao dáng để làm người mẫu. Không cần hát hay để làm ca sĩ... Đó chính là làm vlog". (huongthao110789/YouTube)

     

    1 triệu lượt xem = 1.000 USD

    Những vlogger nổi tiếng cho biết đã có thêm thu nhập qua việc làm vlog. Điều này có thể mở ra cơ hội cho nhiều bạn trẻ.

    Theo chia sẻ, các vlogger đều là cộng sự của YouTube bằng cách đăng ký chương trình YouTube Partner.

    Khám phá vlog Việt: Mê hoặc dân mạng

    Với hàng triệu lượt xem, dân mạng đồn đoán các vlogger kiếm tiền khá nhiều từ YouTube - Ảnh: chụp từ video 

    Khi trở thành YouTube Partner, các video sẽ trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả qua quảng cáo được YouTube tự chèn trên video cũng như dựa theo lượt xem với mức 1 USD/1.000 lượt xem. Khi đạt ngưỡng 100 USD sẽ được YouTube thanh toán bằng cách chuyển khoản.

    Tuy nhiên, không đơn giản để đăng ký YouTube Partner thành công. Phở Đặc Biệt cho biết quãng thời gian đầu nghĩ đến cách kiếm tiền từ vlog, nhóm Thích Ăn Phở đã khá trầy trật, gặp không ít khó khăn, không thể đăng ký vì YouTube không có đại diện ở VN.

    Sau đó phải nhờ bạn bè bên Mỹ (nơi đặt trụ sở YouTube) đăng ký giúp mới biến ước mơ “cá kiếm” từ vlog thành hiện thực.

    Với mức tính 1 USD/1.000 lượt xem, không quá khó dự đoán Phở Đặc Biệt nói riêng cũng như Thích Ăn Phở nói chung, sở hữu những vlog hàng triệu lượt xem có thêm khoản thu nhập khá lớn từ YouTube. Tuy nhiên theo chia sẻ của Phở Đặc Biệt thì còn phải ăn chia với nơi đăng ký YouTube Partner giúp.

    HuyMeProductions hay Lâm Việt Anh cũng cho biết có thêm khoản thu nhập qua những vlog. “Nhưng số tiền ấy không phải là thu nhập chính, chỉ đủ tiêu xài hay trang trải cho việc thực hiện cho những sản phẩm tiếp theo”, Lâm Việt Anh cho biết.

    Tính tới thời điểm này, vlogger Jvevermind đã thu hút gần 87 triệu lượt xem các vlog của mình. Nhiều người đồn đoán số tiền YouTube phải chi trả cho chàng trai tiên phong trong trào lưu vlog tại VN là cho số khủng. “Nhưng mình buộc phải tuân theo điều khoản của YouTube là nghiêm cấm tuyệt đối các cộng sự tiết lộ khoản thu nhập”, Jvevermind nói.

    “Hãy đầu tư vào ý tưởng, nội dung sao cho cuốn hút người xem. Khi mới tập tành có thể sẽ thất bại, nhưng đừng bao giờ nản chí cả. Kiên trì, nỗ lực, tập dần với sự thất bại. Cố gắng làm hết sức, làm một cách nghiêm túc, rồi chắc chắn sẽ có ngày thành công và được mọi người đón nhận”, HuyMeProductions hướng dẫn.

    Tương tự, Phở Đặc Biệt cũng lưu ý rằng hãy chuẩn bị những kịch bản đơn giản nhưng phải “chất”, phải có ý nghĩa để khán giả thoạt xem có ấn tượng ngay, “xem một lần nhớ mãi, xem nhiều lần không thể quên”.

    Còn An Nguy khuyên hãy chọn chủ đề tốt, cách phân tích vấn đề sâu, theo nhiều mặt, cộng với cá tính của mỗi người sẽ để lại ấn tượng với người xem.         

    Xuân Phương

     

    Like và bị ném đá

    Những vlog chỉ chừng chục phút ngắn ngủi. Thế nhưng, để hoàn thiện, các vlogger đã tốn khá nhiều công sức.

    Lắm công phu

    Theo HuyMeProductions, vlog có nhiều dạng, khó có thể phân định rõ ràng bởi tùy mỗi người sáng tạo cách thể hiện khác nhau sẽ cho ra đời nhiều dạng vlog.

    Mỗi người là một cá tính, một nét riêng không thể lẫn vào đâu. Nhưng có điểm chung, tất cả đều để lại ấn tượng đặc biệt với dân mạng.

    Khám phá vlog Việt: Mê hoặc dân mạng

    Bên cạnh những lời khen cũng có những bình luận theo dạng “ném đá” - Ảnh: chụp từ video   

    Nếu như Toàn Shinoda, An Nguy, HuyMeProductions, Jvevermind… thường thực hiện bằng cách thể hiện những quan điểm rõ ràng, thì Phở Đặc Biệt lại thể hiện bằng dạng kịch hài hước, gồm những tình huống diễn ra liên tiếp theo dạng liệt kê để làm rõ một chủ đề nào đó, mang tính chất giải trí nhẹ nhàng đơn thuần và không bộc lộ rõ cá tính, quan điểm của nhân vật chính.

    Trong khi đó, He Always Smile thường tạo vlog có khuôn hình đẹp, kèm theo giọng đọc thu hút, cách trình bày ý tưởng logic và mạch lạc.

    Còn Đu Đồ Đút thì thực hiện vlog kiểu khác người: chẳng bao giờ xuất hiện mà chọn cách vẽ minh họa bằng bút lông, bảng trắng để diễn đạt vấn đề, thay vì trực tiếp trình bày.

    Những vlog của nhóm Chuyện 2h sáng cũng thể hiện bằng những nét vẽ, nhưng kèm theo đó là những cảm xúc bất chợt, những cuộc đối thoại ngẫu hứng, những kỷ niệm, hay những câu chuyện có thật từ chính cuộc sống của các thành viên, khiến người xem xiêu lòng.

    “Phải trải qua rất nhiều công đoạn mới có thể hoàn thành. Như tụi mình, có khi đến 3 tuần mới xong một sản phẩm”, Phở Đặc Biệt kể.

    Jvevermind cho biết, như những công việc khác, làm vlog có những khó khăn nhất định. Qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian mới xong như: lên ý tưởng, viết kịch bản, tập diễn xuất, quay phim, dựng và chỉnh sửa… Theo Jvevermind, điều khó nhất là tạo dựng được phong cách, cá tính đặc trưng và thu hút.

    Buồn vui xen lẫn

    Jvevermind là người VN đầu tiên nhận giải thưởng YouTube Reward - dành cho các đối tác độc quyền của YouTube sở hữu hơn 1 triệu lượt theo dõi trên kênh YouTube từ những vlog. 

    Nickname He Always Smiles chia sẻ rằng sau hơn một năm gắn bó với vlog, cuộc sống của chàng trai này thay đổi rất nhiều: sống tích cực, cởi mở,  tự tin hơn và hoàn thiện mình. Không những vậy, anh có được nhiều sự trải nghiệm mà nếu không thử sức cùng vlog chắc khó có được. “Mới tối qua, một tin nhắn của một bạn trẻ để lại trên Fan Page rằng đã hạ quyết tâm và đỗ hai trường đại học sau khi xem một vlog của mình. Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc ư”, He Always Smiles trải lòng.

    Chưa kể việc nổi tiếng từ những vlog đã giúp những vlogger sở hữu trang Fan Page triệu like trên Facebook, vô cùng nổi tiếng trên cộng đồng mạng.

    Mặc dù vậy, vẫn còn đó những nỗi niềm chẳng biết kể cùng ai mà với tất cả vlogger đều gặp phải, đó là vấn đề “ném đá hội đồng không thương tiếc” của một bộ phận dân mạng.

    “Mình thích những lời chê, lời góp ý, để qua đó sửa sai những thiếu sót. Thế nhưng dường như có không ít người “tay đánh trước rồi mới nghĩ sau”, họ ném đá mà không nghĩ điều ấy khiến những người làm vlog như mình sẽ buồn. Buồn lắm. Những khi đó chỉ tự nhủ thôi thì cười cho qua, để tiếp tục còn động lực làm những sản phẩm tiếp theo để phục vụ cho những người yêu thích, đồng cảm”, Phở Đặc Biệt tâm sự.

    HuyMeProductions cho biết mỗi khi đăng tải vlog, thường háo hức đợi chờ người xem bình luận phản hồi. “Nhưng quả thật không ít người có gu xem quá khó tính và khắt khe. Thậm chí chỉ ngả theo số đông, xem người khác cảm nhận thế nào rồi nói theo. Dù bản thân có thích cũng không dám nói”, HuyMeProductions nói.

    Cũng chính vì điều này mà Jvevermind cho biết từ rất lâu rồi đã không còn mặn mà với việc ngồi đọc bình luận của dân mạng.

    Tuy thế, HuyMeProductions cũng cho rằng cần phải cảm ơn dân mạng, bởi lẽ không có họ thì trào lưu vlog sẽ chết yểu.

    Thanh Nam



    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-vlog-viet-me-hoac-dan-mang-a49031.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan