Myanmar, một đất nước hết sức độc đáo bởi vẻ đẹp thiên nhiên và nét văn hóa mang đậm tính chất riêng không nước nào có.
Myanmar được biết đến với những ngôi chùa cao, lớn dát đầy vàng. Ngoài ra, văn hóa của đất nước Myanmar cũng khiến du khách ngỡ ngàng. Không chỉ vậy, Myanmar còn là nước khiến du khách thật sự yên lòng với giá cả các dịch vụ và sự thân thiện của họ. Đến với Myanmar, du khách sẽ được nghe kể về những câu chuyện đầy tính ly kỳ, huyền ảo nhưng có thật.
Kỳ 1: Một Myanmar cổ kính không giống ai
Cảm nhận đầu tiên của du khách, Myanmar là một đất nước nghèo và lạc hậu. Thế nhưng khi trải qua một ngày tại đây, ai cũng thấy ngạc nhiên với những sự cổ kính và hiện đại chẳng giống ai...
Đất nước của những phương tiện thô sơ và giá rẻ
Khởi hành từ TP.HCM đến TP.Yangon, Myanmar không dài như tưởng tượng trước đó của chúng tôi. Chúng tôi chỉ mất khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ là tới nơi. Khi tiếp viên trên chuyến bay báo hiệu máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh, tôi nhìn ra cửa hướng mắt xuống mặt đất. Lúc bấy giờ, dù đang trên không phận nước bạn nhưng từ những cảnh vật bên dưới đất liền khiến tôi có cảm giác như mình vẫn còn đang ở Việt Nam. Với tôi lúc đó, Myanmar chẳng có gì khác lạ. Yangon đón chúng tôi bằng cơn nắng gắt giống hệt TP.HCM làm tôi nghĩ tới viễn cảnh nóng nực không muốn ra đường đi đâu.
Không biết trước nên khi xuống sân bay đổi tiền, tôi thật bất ngờ với các quy định tại đây. Việc đổi tỉ giá kèm nhiều điều kiện nghe rất "ngớ ngẩn": Tiền USD phải mới cứng, không nếp nhăn, còn nếu có nếp nhăn dù chỉ một vạch thôi cũng bị giảm giá trị. Những tờ USD mệnh giá thấp hơn thì giá trị lại càng thấp. Tờ 1USD không được ưa chuộng tại đây. Trải nghiệm TP.Yangon đầu tiên trước mắt tôi hầu như không có bóng một chiếc xe máy nào, chỉ toàn ô tô và ô tô. Yangon được quy hoạch kiểu ô bàn cờ, rất ít ngõ ngách như tại Việt Nam. Đặc biệt, không có tên đường và rất ít biển chỉ dẫn. Hầu như khắp thành phố không có đường nào được ngăn cách bằng con lươn.
Đường phố toàn ô tô |
Đường phố ở Yangon rộng, nhiều làn xe, nhưng lại đi một chiều. Lên taxi chỉ điểm mình cần đến, bác tài xế gật đầu, thỏa thuận xong giá, chạy xe xa lắc lơ mới đến nơi, thấy tiền mình bỏ ra thật xứng đáng. Nhưng sau đó, tôi mới phát hiện ra điểm đến chẳng cách xa chỗ chúng tôi muốn đến, chỉ vì đường Yangon một chiều nên taxi phải đi vòng vèo theo đúng kiểu "gần nhà xa ngõ". Ngồi trên chiếc taxi, chúng tôi thật ngạc nhiên khi mà chẳng thấy xe có đồng hồ để xác định km cũng như thời gian di chuyển. Theo đó, đi taxi, khách có thể tự do trả giá thoải mái. Một người bạn sống nhiều năm ở Myanmar đi cùng tôi trên taxi cho biết, ở đây đi taxi trả giá theo kiểu “thích cho nhiêu cho” mà không sợ bị chửi.
Đường phố Myanmar khiến tôi ấn tượng, những phương tiện cũ kỹ với những điều tưởng như lộn xộn lại rất nề nếp. Có những phương tiện cũ đến mức tôi đã từng thấy nó chạy tại Việt Nam cách đây gần 30 năm về trước. Nhiều phương tiện vận chuyển cồng kềnh nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường vì hầu như cảnh sát giao thông nơi đây không làm nhiệm vụ như ở Việt Nam. TP.Yangon, nơi không có lấy một chiếc xe đạp hay xe máy ra đường và chỉ dành cho duy nhất phương tiện ô tô. Điều đặc biệt, dù đường được quy định chạy bên phải nhưng ô tô lại được kết cấu vô lăng cả trái và phải khiến du khách có cảm giác không an toàn. Dù vậy, theo như lời người dân địa phương nơi đây cho biết, tại thành phố nơi chỉ toàn xe ô tô này lại rất hiếm khi xảy ra tai nạn giao thông.
Người Myanmar đa phần theo Phật giáo và họ tin vào luật nhân - quả. Thế nên, họ luôn hướng đến cái thiện. Họ tin vào đức Phật, vì thế dù nhà rất nghèo vẫn sẵn sàng cống hiến vật chất cho chùa. Tôi đã ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến người dân sống trong cảnh thiếu thốn nhưng hầu hết các ngôi chùa đều được xây dựng khang trang và dát hàng chục tấn vàng kèm đá quý. Người dân nơi đây quan niệm, dù nhàmình có như đống đổ nát cũng phải xây dựng chùa cho thật khang trang. Đó cũng là lý do tất cả những ngôi chùa tại Myanmar đều được xây dựng ở những nơi cao ngất ngưởng.
Một Việt Nam thu nhỏ tại Myanmar
Do mới đến Myanmar lần đầu nên tôi chẳng biết trước đó nơi đây như thế nào. Tôi chỉ biết trước mắt mình là một đất nước đầy cổ kính và có chút lạc hậu. Thế nhưng, với những người đã đến Myanmar lần thứ hai, ba thì họ cùng chung nhận định về một Myanmar “quá nhanh” về những thay đổi ở đất nước này. Họ cho rằng, 5 năm trước, Myanmar thật khác. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, họ đã phát triển đến chóng mặt. Nhiều người rỉ tai, không chừng 10 năm sau họ sẽ sánh với các nước phát triển ở ASEAN?
Ngay bên cạnh khu chợ Bogyoke buôn bán đá quý và hàng thủ công mỹ nghệ là trung tâm thương mại Parkson đang được gấp rút xây dựng. Dọc theo trục đường lớn ở trung tâm Yangon, một khu đất vàng đã được rào lại và dựng bảng dự án của Hoàng Anh Gia Lai (Việt Nam). Chen lẫn với những thương hiệu toàn cầu đã nhanh chân vào xí phần, dạo quanh Yangon, tôi bắt gặp những tấm bảng quảng cáo hay văn phòng của: BIDV, Petro Việt Nam, Đạm Phú Mỹ... Một doanh nhân Việt Nam đang đầu tư xây dựng nhà máy dược phẩm tại đây nhận xét, Myanmar sẽ còn phát triển nhanh nữa vì hạ tầng giao thông “xương sống” của họ tốt hơn ta, mạng lưới giao thông công cộng phủ kín và khả năng tiếng Anh của người dân rất tốt.
Không chỉ là nhận xét từ những nhà đầu tư lão luyện, chính những người dân Myanmar mà chúng tôi có dịp gặp đều tự tin và hào hứng với bức tranh tương lai của đất nước mình. Bây giờ ở bất kỳ đâu họ cũng đều có thể bàn luận sôi nổi về giải ngoại hạng Anh, nhai trầu (cả đàn ông lẫn đàn bà) và nói về tương lai kinh tế, chính trị của đất nước mình một cách không e dè, lo lắng. Sự cởi mở của nền dân chủ mới có thể thấy rõ ở những gian hàng bán tranh vẽ hay tranh đá quý, người ta treo các bức chân dung bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh phái đối lập chính, ở vị trí rất trang trọng. Bức ảnh được ưa thích nhất ở đây là tấm ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ôm bà trong chuyến thăm Myanmar.
Thậm chí ở một số điểm du lịch, người ta để cả chồng những tờ tạp chí được xuất bản tự do ở đất nước này có trang bìa là tấm ảnh ấy để bán cho du khách muốn mua làm kỷ niệm. Đúng như nhận xét của nhiều du khách Việt Nam, so với các điểm đến khác trong khu vực thì Myanmar chưa phải là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt, cũng vì nội dung du lịch đến xứ này khá đơn điệu: tham quan chùa là chính. Nhưng với những ai muốn tìm lại nét cổ xưa, dân dã, mộc mạc của quá khứ và muốn trải nghiệm một cuộc sống hiền hòa, thân thiện, chưa bị quá nhiều sự ảnh hưởng của hội nhập và nền kinh tế thị trường thì Myanmar là một nơi nên tìm đến. Đặc biệt, Myanmar nơi có rất nhiều điều mang tính huyền bí khó lý giải sẽ khiến du khách thích thú được trải nghiệm. Nơi có những câu chuyện ngoài đời thực nhưng khi kể lại khiến người nghe có cảm giác như cuốn thần thoại đầy tính hoang tưởng. Không những thế, Myanmar còn là nơi rất đáng để khám phá về những hủ tục lạ đến khó tin.
Nơi đàn ông cũng mặc váy Một truyền thống của người dân Myanmar, từ người già đến trẻ em, từ phụ nữ đến đàn ông, hầu hết mọi người đều mặc váy longyi. Đây là loại váy mà đơn giản chỉ là một mảnh vải được quấn quanh người, nhưng đối với nam và nữ lại có những cách mặc khác nhau. Đối với đàn ông thì quấn một mảnh vải lớn và thắt nút ở đằng trước, còn đối với phụ nữ sẽ được gấp tà lại và khâu ở bên hông |
(Còn nữa)