Lối vào địa ngục là một trong những khái niệm mơ hồ thuộc về tâm linh nhưng trên thực tế, trên thế giới có 7 nơi được gắn với tên gọi này.
Dù mang nhiều tên gọi khác nhau, hầu hết mọi tôn giáo đều tin rằng có một nơi đặc biệt và khủng khiếp dành cho những linh hồn đáng bị trừng phạt. Từ đường hầm bí ẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ đến thành phố Maya Xibalba hoang sơ, từ những con đường dẫn tới ngôi đền Greco-Roman thờ thần âm phủ Hades đến thành phố linh hồn của Diêm Vương, các nền văn hóa trên khắp thế giới luôn có những truyền thuyết về lửa và diêm sinh, hang động và sông ngòi dẫn đến địa ngục.
Những lối vào địa ngục theo đức tin của người dân địa phương hiện nay có thể đã trở thành tàn tích hoặc được nâng cấp thành điểm du lịch nhưng chúng vẫn luôn được bao bọc bởi lớp màn của bí ẩn và truyền thuyết, thu hút sự chú ý của những nhà thám hiểm và các khách du lịch quốc tế. Hãy cùng khám phá 7 kỳ quan tâm linh ấy trong bài viết dưới đây.
1. Hang động Cape Matapan (Hy Lạp)
Mạng lưới hang động dày đặc ở Cape Matapan là một trong những địa danh được người Hy Lạp cổ đại tin rằng là vương quốc của thần Âm phủ Hades. Nơi chàng nhạc công Orpheus tìm tới để cứu người vợ xinh đẹp Eurydice hay bờ vực người anh hùng vĩ đại Hercules từng giao chiến với chó ngao 3 đầu trong thần thoại chính là Cape Matapan.
Hệ thống hang động Cape Matapan - Ảnh: Michelin |
Các hang động của Cape Matapan nằm ở cực nam của Hy Lạp, phía cuối bán đảo Mani. Hiện nay, các hang động này đã trở thành địa danh du lịch và những vị khách muốn trải nghiệm cảm giác tới địa ngục sẽ chèo thuyền trong ánh sáng mờ ảo hắt lên từ đáy nước cũng như vô vàn hình thù lạ lùng của các nhũ đá rủ xuống từ trần hang.
2. Núi lửa Hekla (Iceland)
Núi lửa còn hoạt động này nằm ở phía nam của Iceland, từng được biết đến như một lối vào địa ngục trong thế kỷ 12, sau trận phun trào nham thạch lịch sử năm 1104. Năm 1341, bản thảo tiếng Iceland nổi tiếng có tên “Flatey Book Annal” đã mô tả những con chim lớn bay lượn trên miệng núi lửa rực cháy kéo theo linh hồn của những kẻ xấu xa, ác độc.
Núi lửa Hekla (Iceland) - Ảnh: Wired |
Đã có hơn 20 vụ phun trào nham thạch nghiêm trọng của Hekla được ghi nhận từ năm 874 sau Công nguyên. Kể từ khi núi lửa này tắt dần, các câu chuyện đồn thổi cũng biến mất từ giữa thể kỷ 19. Tuy nhiên, đến nay, Hekla vẫn giữ được vẻ hoang sơ và bí ẩn bởi người dân địa phương vẫn tin rằng đây là nơi các thầy phù thủy gặp gỡ ma quỷ và linh hồn.
3. Lacus Curtius (Rome, Italy)
Hang động Lacus Curtius - Ảnh: Getty |
Theo một truyền thuyết được ghi lại bởi nhà sử học La mã Livy, Lacus Curtius từng là một miệng hang lớn xuất hiện ở giữa thành Rome và không có gì có thể lấp đầy. Một nhà tiên tri từng tiên đoán rằng miệng hang sẽ không đóng lại và vương triều sẽ sụp đổ nếu thành phố không hy sinh điều làm nên sức mạnh của nó.
Một hiệp sĩ có tên Marcus Curtius cho rằng sức mạnh của thành Rome chính là vũ khí và lòng dũng cảm của con người nơi đây. Chàng quyết định mặc giáp sắt, cầm lao và phi ngựa vào giữa miệng vực dẫn xuống địa ngục.
Nhờ lòng dũng cảm của hiệp sĩ, miệng hang đã đóng lại. Để tôn vinh người anh hùng, địa điểm này đã được đặt tên theo chàng và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng.
4. Hang động Actun Tunichil Muknal (Núi Tapir, Belize)
Nằm ở Belize, hang động Actun Tunichil Muknal từng được cho là lối vào địa ngục của người Maya và còn có tên gọi khác là Xibalba. Cái tên Actun Tunichil Mukna mang ý nghĩa “Hang động của những lăng mộ thủy tinh”, gắn liền với những truyền thuyết cổ xưa của người Maya về các dòng máu và mê cung ngầm dưới lòng đất do các vị thần chết Xibalba cai trị.
Bộ xương trinh nữ phát sáng trong hang Actun Tunichil Muknal - Ảnh: Getty |
Các hang động của Actun Tunichil Muknal đã trở thành điểm đến thu hút các nhà thám hiểm kể từ năm 1989. Một trong những khám phá đáng chú ý nhất là bộ xương của một cô gái 18 tuổi có thể từng bị hiến tế cho thần chết.
Hơn một nghìn năm sau cái chết của nàng trinh nữ, bộ xương bị vôi hóa, tạo ra một hiệu ứng pha lê lung linh đã được giới nghiên cứu khoa học gọi bằng cái tên mỹ miều "Cô gái Pha lê".
5. Ploutonion (Tỉnh Denizli, Thổ Nhĩ Kỳ)
Trong hàng nghìn năm lịch sử, mạng lưới hang động “Ploutonion” hay còn được gọi là “Lối vào Pluto” không gây được sự chú ý của người dân địa phương. Vào năm 1965, tại thành phố cổ Hierapolis, gần Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi các nhà thám hiểm khai quật được một ngôi đền cổ có hình vẽ của Diêm Vương, các tin đồn về lối vào địa ngục bắt đầu lan truyền.
Ploutonion còn được biết đến với tên gọi là Cổng Pluto - Ảnh: Getty |
Một trong những điểm đặc biệt của Cổng Pluto là làn khói độc bốc lên từ các đường hầm bên dưới. Trong thời cổ đại, những làn khói này được cho là phép thuật của thần Pluto để mê dụ các linh hồn. Hiện nay, hơi độc này cũng giết chết nhiều sinh vật tại đây và con người không thể tới gần.
6. Thành phố của các linh hồn Fengdu (Trùng Khánh, Trung Quốc)
Thành phố ma quái 2.000 năm tuổi này nằm ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Người dân địa phương tin rằng đó là điểm dừng chân của người chết trên đường sang thế giới bên kia. Được xây dựng từ thời nhà Hán (206 trước CN - 220 sau CN), thành phố này được xây dựng dựa trên nguyên tắc Âm – Dương của người Trung Quốc.
Thành phố của các linh hồn tại Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: Reddit |
Fengdu nổi tiếng với kiến trúc truyền thống và các đường nét chạm trổ khéo léo tinh xảo. Tác phẩm điêu khắc nổi bật nhất là “Diêm Vương” - một khuôn mặt khổng lồ, nhìn xuống thành phố từ đỉnh núi. Với độ cao 452 feet và 712 feet, đây cũng là tác phẩm điêu khắc đá lớn nhất trên thế giới.
7. Chinoike Jigoku (Beppu, Nhật Bản)
Thành phố Beppu của Nhật Bản có 9 suối nước nóng với màu sắc và thành phần hoàn toàn khác biệt. Ít ai biết rằng khu du lịch nghỉ dưỡng thơ mộng này từng gắn liền với truyền thuyết về Chinoike Jigoku hay còn được gọi là “Hồ Máu Địa Ngục”. Ngoài màu đỏ tự nhiên của nguồn nước, các phiến đá dưới đáy suối có những hình chạm trổ gương mặt thần chết bí ẩn và đáng sợ.
Suối nước nóng Chinoike Jigoku - Ảnh: 123rf |
Các Phật tử Nhật Bản ví Chinoike Jigoku như hỏa ngục dưới âm ty. Từ xa xưa, nhiệt độ ở đây rất nóng, khoảng 78 độ C và được sử dụng để tra tấn các tù nhân trước khi hành hình.
Với những tín đồ sùng đạo, thế giới bên kia chỉ có thể chạm tới khi con người đã chết nhưng cũng có những tài liệu cho rằng giữa trần thế và địa ngục luôn tồn tại một nơi giao thoa và kết nối. Dù điều đó đúng hay sai, 7 địa danh này vẫn tượng trưng cho sự gắn kết của nhiều nền văn hóa và hệ thống tâm linh của con người ở khắp mọi nơi trên trái đất.