+Aa-
    Zalo

    Những đền chùa linh thiêng cho dịp đi lễ đầu năm ở miền Bắc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đi lễ đầu năm ở đền, đình, chùa là phong tục truyền thống của người dân để cầu một năm làm ăn phát đạt, cầu mong sự bình an trong tâm hồn và sức khỏe.

    Đi lễ đầu năm ở đền, đình, chùa là phong tục truyền thống của người dân để cầu một năm làm ăn phát đạt, cầu mong sự bình an trong tâm hồn và sức khỏe.

    Dưới đây là những địa điểm tâm linh được nhiều viếng thăm dịp đi lễ đầu năm mới ở miền Bắc.

    Đền Bà Chúa Kho

    Nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đây không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là nơi nhân dân khắp cả nước đổ xô đến mỗi khi dịp tết đến xuân về.

    Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen đối với nhiều người làm ăn, các thương gia, các nhà doanh nghiệp thường tìm đến cửa Bà. Theo lời dân gian truyền miệng thì những người đến đây đầu năm để “vay” tiền làm ăn trong năm mới, để có được một năm đầy thuận lợi trong kinh doanh và kiếm được thật nhiều tiền.

    Lý do đền có tên là Bà Chúa Kho bởi vì đây là nơi tưởng niệm người phụ nữ Việt Nam đã có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và sau đó đã mất trong một cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho và lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho. Để tỏ lòng thành kính năm nào người dân cũng đến tạ lễ Bà.

    Đền Trần Nam Định

    Đền Trần là nơi thời các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần ngụ tại đường Trần Thừa phường Lộc Vượng thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10).

    Theo dân gian tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng giêng. Chính vì thế, mà hàng vạn, hàng triệu người dân khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau chỉ mong xin được ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Mặc dù Ấn được phát trong đêm 14 tháng Giêng nhưng ngay từ mùng 7, mùng 8 Tết quanh khu vực đền Trần đã tấp nập du khách đến đây để hành hương. Người dân phải xếp hàng để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm và xin thẻ từ trước đó rất lâu.

    Đình Bia Bà

    Đình Bia Bà nằm trong quần thể di tích văn hóa La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Bia Bà thờ Đức Thánh Bà Trần Thị Hoàng Phi. Bà sinh năm 1511, là con gái đại thần triều Lê – Quận công Trần Trân, người trong làng. Bà được trời phú cho tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người nên được nhiều gia đình danh giá đương thời muốn đón về làm dâu. Năm 1527, đời Mạc Thái Tổ, nhà vua chọn Bà làm Phi tử cho Thái tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, Thái tử lên nối ngôi, Bà được phong làm Đệ nhị cung.

    Khi vào cung, Bà hết lòng phò vua giúp nước. Năm 1538, xảy ra thảm cảnh Mạc – Lê phân tranh, Bà quyết định rời nơi điện ngọc nguy nga về sống tại quê nhà. Bà mất khi 27 tuổi. Tiếc thương người vợ nết na, hiền thục nên sau khi làm lễ an táng xong, nhà vua cho người làm bia ghi lại công tích của bà.

    Mọi người đến đây thường cầu xin bình an, may mắn, cầu tài cầu lộc, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt, buôn may bán đắt… Chủ yếu vẫn là cầu xin trong việc làm ăn.

    Lễ hội đình được tổ chức tại làng La Khê, từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch.

    Phủ Tây Hồ

    Mỗi năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ những người dân Hà Nội, mà du khách khắp mọi nơi khi đến thăm Hà Nội đều đến đây thắp hương cầu cho một năm đầy may mắn và an lành.

    Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất của Hà Nội. Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh – vị Chúa mẫu quyền năng vô lượng trong Tứ Bất Tử. Phủ nằm trên một bán đảo của làng Nghi Tàm nhô ra giữa Hồ Tây, trước đó là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông Hồ Tây. Phủ tọa lạc trên đồi đất hình Kim quy, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục, thuộc ấp Tây Hồ (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ), đây là nơi địa linh bậc nhất của Hồ Tây.

    Độc đáo nhất ở Phủ thờ là ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước. Cũng theo quan niệm Tam phủ thì cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.

    Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hàng thường hành hương về đây rất đông, đến đây lễ Mẫu để cầu được mọi điều an lành, suôn sẻ, vừa đi vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây. Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc, nhất là vào ngày 3 tháng 3 và ngày 13 tháng 8 âm lịch.

    Đình Ứng Thiên

    Thần tích lưu giữ tại đình kể rằng: Đình Láng Hạ có nguồn gốc từ ngôi đền cổ được vua Lý Thánh Tông xây dựng sau cuộc nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1069. Đền thờ nữ thần Nguyên Quân Hậu Thổ, có công giúp vua đánh thắng quân giặc trong cuộc chinh phạt này. Sang thời Lê Trung Hưng, do sự phát triển của tín ngưỡng thờ thần hoàng làng, đền Ứng Thiên được mang chức năng sử dụng của kiến trúc đình làng. Ngoài ra, đình còn thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: Linh Lang, Hoàng tử – con vua Lý được tôn là người bảo vệ phía tây của “Thăng Long tứ Trấn”; Cao Sơn Đại Vương, vị sơn thần trên núi Tản lập nhiều kỳ tích trong cuộc đấu tranh chống thiên tai và quân xâm lược phương Bắc; Công chúa Vĩnh Gia, một vị tướng xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

    Suốt tháng ba, người tứ xứ đến lễ mẫu, lễ Phật, lễ Thần ở đây không ngớt. Vì vậy, hội tháng ba là dịp thu hút khách đông nhất trong năm. Nhiều dân kinh doanh bất động sản vẫn cho rằng Hậu Thổ là nữ thần cai quản đất đai toàn cõi và được thờ trong đình Ứng Thiên, ngôi đình vì vậy từng mở cửa tất cả các ngày Mùng một, rằm, các ngày “mậu” và hội đình thì khách thập phương càng kéo nhiều về đây cầu lộc, các ban thờ có lúc không còn chỗ đặt đồ tiến cúng, các mâm lễ thậm chí phải xếp chồng lên nhau.

    Hội đình mùa xuân diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 3 (âm lịch) và hội mùa thu thì vào ngày 26 tháng 9 (âm lịch).

    Đền Bảo Hà, Lào Cai

    Người kinh doanh hầu như ai cũng biết đến đền Ông Hoàng Bảy (Đền Bảo Hà) ở Bảo Hà, Lào Cai. Đền Bảo Hà dưới chân đồi Cấm, có quang cảnh thiên nhiên “trên bến dưới thuyền” khá đẹp. Phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy. Bên hữu ngạn là một hồ rộng, tạo cho đền cảnh đẹp trữ tình, thơ mộng. Ngôi đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ở cửa khẩu Lào Cai.

    Hội đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy), thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng đến dự. Ngoài những ngày lễ hội, vào các dịp đặc biệt như lễ tết đầu năm khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp về đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc đầy nhà.

    Chùa Hương

    Chùa Hương nằm ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là địa điểm được nhiều Phật tử hay những người tin vào giáo lý đạo Phật hay viếng thăm nhất vào những ngày đầu năm mới. Lễ hội đươc bắt đầu bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.

    Cùng với động Hương Tích thì Đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng Suối Yến, cách bến đò khoảng 500m, thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích, là ngôi đền được nhiều người làm ăn coi trọng hơn cả.

    Qua nhiều đời truyền lại, xa xưa đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, thờ vị thần tướng đã có công đánh giặc Ân phù vua Hùng Huy Vương nhưng vô cùng linh thiêng. Hằng năm có rất nhiều du khách đến tham quan, cầu lộc, cầu may.

    Chùa Yên Tử

    Đây là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Mỗi năm Yên Tử thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương vào mùa lễ hội. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.

    Khu di tích Yên Tử bao gồm hệ thống chùa, am, tháp cùng với rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, Uông Bí.

    Đối với nhiều doanh nhân đây chưa hẳn là một ngôi chùa nổi tiếng về cầu tài lộc làm ăn nhưng là một là nơi rất rất tốt để cầu an.

    Đền Chúa Thác Bờ

    Đền nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Nình. Đền thờ Chúa Thác Bờ hay còn gọi là đền Cô Bé Thác Bờ bao gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Đền Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng nổi tiếng linh thiêng.

    Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng Giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ.

    Minh Minh (T/h)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-den-chua-linh-thieng-cho-dip-di-le-dau-nam-o-mien-bac-a219658.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan