+Aa-
    Zalo

    Kéo dài kỳ nghỉ của học sinh có thực sự cần thiết?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các cấp học đang trải qua “kỳ nghỉ” đặc biệt để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến dịch Covid-19.

    Các cấp học đang trải qua “kỳ nghỉ” đặc biệt để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc cho học sinh nghỉ học như thế nào để vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo tiến độ, chương trình học, cũng là một vấn đề đang cần được quan tâm.

    Không phải trường nào cũng có thể học trực tuyến

    Những ngày qua, học sinh trên cả nước được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 ro virus Corona chủng mới gây ra. Ngày 14/2, bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng Hai. Mới đây, UBND TP.Hồ Chí Minh còn kiến nghị xem xét cho học sinh nghỉ hết tháng Ba.

    Trước những dấu hiệu tích cực về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, việc tiếp tục kéo dài kỳ nghỉ cho học sinh liệu có thực sự cần thiết?

    Một phụ huynh có con học mẫu giáo tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Lê Ngọc Quỳnh cũng bày tỏ: “Con gái tôi nghỉ học mấy tuần cũng nhớ bạn, nhớ cô nhiều. Tôi thấy diễn biến dịch không còn nghiêm trọng như trước, nên các con đã có thể đi học trở lại được rồi. Nghỉ lâu quá, các bạn “quên” hết bài, quên hết cả bạn, cả cô mất...

    Với lứa tuổi nhỏ như con gái tôi thì con nghỉ thì bố mẹ cũng phải sắp xếp trông con. May là dịp này tôi cũng đang nghỉ thai sản nên mới có thể trông con. Chứ như nhiều gia đình khác chắc cũng gặp nhiều khó khăn”.

    Bên cạnh một số trường, một số địa phương có điều kiện, nền tảng cho học sinh học trực tuyến trong thời gian nghỉ học, có những trường chỉ có thể giao bài tập về nhà rồi gửi lại để kiểm tra, hoặc cũng có những vùng khó khăn, hoàn toàn không thể giao tiếp qua kênh trực tuyến nào. Chính vì vậy, việc học sinh sớm trở lại trường học sẽ đảm bảo tiến độ và chương trình học.

    Thầy Nguyễn Văn Sơn, trường tiểu học thị trấn Tằng Loỏng (Lào Cai) chia sẻ: “Trường chúng tôi không đủ điều kiện để dạy trực tuyến cho học sinh, cũng không giao được bài tập và thường xuyên trao đổi được như ở các địa phương khác. Vì vậy, việc để học sinh tiếp tục nghỉ sẽ càng kéo dài thời điểm kết thúc năm học. Mà nhiều khi, học sinh nghỉ quá lâu cũng dễ quên kiến thức hơn”.

    TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

    Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Dịch bệnh là không ai mong muốn, biết rằng phải đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho học sinh khi có dịch, tuy nhiên, theo dõi tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng như trước, thì học sinh có thể trở lại trường học.

    Điều quan trọng là công tác phòng chống dịch tại trường học. Đây là việc cần thiết phải làm không chỉ trong đợt dịch này, mà phải trở thành công tác thường xuyên trong mỗi nhà trường”.

    “Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chưa có nền tảng cho học sinh học trực tuyến nên trong những ngày qua, các thầy cô chủ động giao bài tập và chữa cho học sinh sau khi học sinh gửi lại. Tất nhiên, hiệu quả sẽ không thể được như học trực tuyến hoặc học trực tiếp trên lớp...
    Đối với học sinh nhỏ tuổi, đâu phải gia đình nào cũng có thể sắp xếp để trông con, nhiều khi, con nghỉ học mà bố mẹ còn phải nghỉ làm để trông con, nên con càng nghỉ lâu, bố mẹ càng lo âu”, ông phân tích.

    Tăng cường phòng dịch trong trường

    GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, cả nước không nên cho học sinh nghỉ học quá lâu: “Việc học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch là cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam đang dần khống chế dịch thành công, chúng ta cũng không cần kéo dài kỳ nghỉ của học sinh cả nước thêm cả tháng nữa.

    Ở một số nước, sau khi khoanh vùng được vùng dịch, các trường học nằm ngoài bán kính 1km vẫn hoạt động bình thường và chưa phát hiện thêm ca nhiễm nào trong môi trường học đường. Như vậy, chúng ta cũng không cần thiết phải cho học sinh kéo dài thêm kỳ nghỉ.

    Chưa kể, đâu thể đảm bảo học sinh sẽ ở nhà 100% trong thời gian nghỉ học. Vậy vẫn sẽ có những nguy cơ. Chính vì vậy, có thể cho học sinh quay trở lại trường học và tăng cường kiểm soát bằng các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra thân nhiệt cho học sinh khi đến trường, phối hợp với phụ huynh để nắm được tình hình sức khỏe của học sinh... Làm tốt công tác phòng chống dịch, chúng ta không cần thiết phải kéo dài kỳ nghỉ”.

    GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam.

    Bà Vũ Huyền Tâm, Hiệu trưởng trường mầm non Vườn Xanh Nam Đô (Hà Nội) cho biết: “Trong thời gian học sinh nghỉ học, chúng tôi đã tiến hành 4 đợt phun khử trùng toàn bộ không gian phòng học, khuôn viên, đồ chơi... đảm bảo an toàn cho học sinh. Chúng tôi cũng đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên trong trường những lưu ý an toàn khi đón học sinh trở lại trường, chú ý theo dõi sức khỏe học sinh, nhắc học sinh các biện pháp vệ sinh, tự phòng tránh virus và giảm các hoạt động tập thể”.

    Theo chị Cao Hoàn, một phụ huynh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), kỳ nghỉ kéo dài nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng ngay chính phụ huynh cũng không thể đảm bảo các con ở nhà 24/7. Chính vì vậy, việc cho học sinh nghỉ học cũng không thể loại trừ được hết các nguy cơ. Hơn nữa, việc học không thể bị chững lại quá lâu, vì vậy, không cần thiết cho học sinh cả nước tiếp tục nghỉ học.

    Chị Nguyễn Lan Anh, một phụ huynh có hai con nhỏ tại Hà Nội chia sẻ: “Trong mấy tuần qua, khi các con được nghỉ thì trường học cũng đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh và khử khuẩn nhiều lần. Mà tình hình dịch bệnh gần đây, qua theo dõi tin tức, tôi thấy cũng có nhiều khả quan. Vì vậy, tôi cho rằng, các con hoàn toàn đã có thể trở lại trường học.

    Điều quan trọng là các thầy cô ở trường phải tăng cường các biện pháp để bảo vệ các con. Tôi đọc tin tức, thấy các trường học ở nước ngoài, như Anh, Nhật Bản, Singapore,... vẫn cho học sinh ở địa phương không có dịch đi học, tăng cường kiểm tra thân nhiệt và nhắc các con chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân...”.
    PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cũng khẳng định: “Vừa qua, các địa phương cho học sinh nghỉ để có thời gian cho các trường học tiến hành khử trùng môi trường học đường.

    Chính vì vậy, hiện tại, học sinh có thể đi học trở lại bình thường, nếu cứ lo lắng dịch bệnh mà nghỉ thì biết nghỉ đến khi nào? Tất nhiên, cho học sinh đi học trở lại cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, như khử trùng, rửa tay xà phòng, chú ý giao tiếp, tiếp xúc, tránh các hoạt động tập trung đông người... Đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học chưa thể áp dụng đeo khẩu trang, thì đội ngũ chăm sóc, giáo viên cần đặc biệt lưu ý, sát sao hơn để phòng chống dịch bệnh tốt nhất”.

    Trong khi nhiều nước cũng có nhiều ca nhiễm Covid-19 hơn Việt Nam (tính đến 20/2) như Nhật Bản (542 ca), Singapore (77 ca), Thái Lan (35 ca), vẫn tiếp tục cho học sinh đi học, chỉ cho học sinh ở địa phương có dịch nghỉ học, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát và đảm bảo an toàn cho học sinh như kiểm tra thân nhiệt, xịt nước khử trùng trước khi vào trường.

    Bên cạnh đó, Singapore còn cho thấy nỗ lực vượt trội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi triển khai chương trình giáo dục học sinh hiểu biết về nCoV, biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cùng cách nhận biết tin giả xung quanh dịch bệnh tại tất cả trường học trên cả nước.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 8

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/keo-dai-ky-nghi-cua-hoc-sinh-co-thuc-su-can-thiet-a312586.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan