(ĐSPL) - Keangnam Vina phải trả lại tiền quỹ bảo trì cho Ban Quản trị chung cư Keangnam trước ngày 10/6...
Sau khi Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về kinh phí bảo trì tại chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower, chiều ngày 1/6, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp giữa UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì, Công ty TNHH MTV Keangnam Vina và Ban Quản trị nhà chung cư Keangnam.
Phía Ban Quản trị nhà chung cư Keangnam cho hay, UBND quận Nam Từ Liêm đã ra công văn số 652/UBND-QLĐT yêu cầu công ty TNHH MTV Keangnam Vina có trách nhiệm bàn giao kinh phí bảo trì 2\% của tòa nhà xong trước ngày 10/6/2015 theo đúng qui định.
“Trong trường hợp chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao quỹ bảo trì 2\% cho Ban Quản trị nhà chung cư và doanh nghiệp được Ban quản trị lựa chọn quản lý vận hành nhà chung cư quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định, Ban Quản trị chung cư Keangnam có quyền thực hiện theo các quy định tại quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 25/5/2008 của Bộ Xây dựng và quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của UBND TP Hà Nội”, công văn của UBND quận Nam Từ Liêm nêu rõ.
UBND quận Nam Từ Liêm giao Công An quận Nam Từ Liêm thực hiện điều tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về pháp luật của chủ đầu tư trong việc chiếm dụng tiền quỹ bảo trì của nhà chung cư Keangnam (nếu có) và thực hiện phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khu chung cư.
Keangnam Vina từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích. |
Trước đó, do lo ngại Tập đoàn Keangnam bị phá sản, các tài sản bị phát mại, Ban Quản trị toà nhà đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2\%.
Theo ước tính của Ban quản trị, quỹ bảo trì của chung cư này khoảng 160 tỷ đồng do có 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2, trong khi phía chủ đầu tư thông báo là 125 tỷ đồng.
Theo kết quả đến tháng 12/2014 cho hay, chủ đầu tư Keangnam Vina đã thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỷ (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và sử dụng sai mục đích số tiền này.
Tháng 3/2015 vừa qua, Keangnam Vina cũng đã gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỉ đồng và trả trong vòng 25 năm. Phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được biết đến là tòa nhà hiện đại cao nhất việt Nam nhưng cũng là một trong số những toà nhà nhiều tai tiếng nhất tính cho tới thời điểm hiện nay. Năm 2008, bắt đúng đỉnh của cơn sốt bất động sản Việt Nam, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, đẩy giá căn hộ lên tới 7-8 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, giá bán đẳng cấp dường như chưa thực sự đi cùng với những đẳng cấp sống. Dự án này vướng phải khá nhiều kiện tụng do phí chung cư quá đắt đỏ. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho thành phố Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư này cũng từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích...
Keangnam được bán đứt toà cao ốc Landmark 72 tại Hà Nội
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng vừa đăng tải thông tin cho hay, Toà án Seoul đã ra quyết định cho phép bán toà cao ốc Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội theo đề nghị của cơ quan độc lập được chỉ định cho tập đoàn Keangnam.
Hiện chủ sở hữu của Hanoi Landmark Tower 72 là Keangnam Vina, một công ty con của tập đoàn Keangnam Enterprises. Tập đoàn Keangnam đang đứng trước nguy cơ phá sản do gặp các rắc rối về tài chính và các bê bối chính trị. Phán quyết của toà án Hàn Quốc được đưa ra nhằm bảo về quyền lợi của các chủ nợ của tập đoàn này.
Trước đó, toà án cũng đã phê duyệt một kế hoạch hồi sinh Keangnam Enterprises và hai công ty con. Theo đó, toà án sẽ tiếp quản quyền quản lý tại Keangnam để xử lý các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính đến hạn cũng như tái cơ cấu tập đoàn này.
Toà án Seoul đã ra quyết định cho phép bán toà cao ốc Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội theo đề nghị của cơ quan độc lập được chỉ định cho tập đoàn Keangnam. |
Theo toà án quận trung tâm Seoul, với khối nợ khổng lồ lên tới 1 tỷ USD, việc bán đi tài sản lớn nhất là toà nhà Hanoi Landmark Tower 72 được coi là "nước bài" quan trọng để tiến hành các “thủ tục hồi sinh công ty”.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, truyền thông Hàn Quốc rộ lên thông tin bán toà nhà Keangnam tại Hà Nội. Cụ thể ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) là hai đơn vị bày tỏ ý định mua lại toà nhà này. Goldman Sachs dự kiến sẽ mua lại khoản nợ mà Keangnam đã vay để đầu tư cho dự án trị giá 1.000 tỷ won (khoảng 900 triệu USD) và thành lập một công ty chuyên biệt để tiếp nhận vai trò là cổ đông lớn tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower. Ngược lại, theo thông tin đưa ra, QIA muốn chi 800 triệu USD để mua lại toàn bộ toà nhà và sở hữu lâu dài.
Tuy nhiên, giữa tháng 5, tờ Korea JoongAng Daily, 1 trong 4 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, dẫn thông tin từ QIA cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia Qatar này đã phủ nhận hoàn toàn thông tin họ sẽ mua lại toà nhà trên. QIA cho rằng, mọi thông tin đưa ra đều đã bị giả mạo và họ thậm chí còn không biết đến người bán là Keangnam.
Theo những thông tại thời điểm đó, giám đốc quản lý chi nhánh New York của công ty bất động sản Colliers International, đã cam kết với phía Tập đoàn Keangnam rằng những bước cuối trong tiến trình đàm phán bán toà cao ốc tại Hà Nội cho QIA đang tiến hành và sắp được thông qua. Nhờ đó, công ty này đề nghị Keangnam chỉ định Colliers International là đại lý độc quyền bán toà nhà Keangnam Hanoi Landmark vào năm 2013.
Nghi vấn đặt ra là những người liên quan của Colliers International đã cố ý lừa dối Keangnam và các chủ nợ của Tập đoàn này bằng thông tin sắp đạt được thoả thuận bán toà nhà, do đó, các chủ nợ đã tiếp tục ủng hộ Keangnam trong bối cảnh tập đoàn này gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Toà Landmark 72, toà nhà cao nhất Việt Nam, được hoàn thành vào năm 2011 và Keangnam Enterprises đã phải bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ won (1,1 tỷ USD) đầu tư vào đó. Hiện tập đoàn này cũng gần như không có khả năng để thanh toán khoảng nợ 530 triệu won vay ngân hàng để đầu tư cho dự án.
Công ty đã huỷ niêm yết và chịu sự kiểm soát của các chủ nợ từ hồi tháng 3. Được biết, các chủ nợ trước đó đã nới lỏng một số điều kiện cho Keangnam nhờ các thông tin lạc quan về việc QIA đang đàm phán mua lại toà nhà Landmark 72 từ Keangnam.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]A29TaVHPuC[/mecloud]