Sáng 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Theo tạp chí Tri thức, tại phiên họp rất nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với ban lãnh đạo công ty về nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HVN sau khi hãng công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Trả lời cổ đông, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, hoàn cảnh của Vietnam Airlines khi rơi vào 3 năm thua lỗ liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu là "tình huống rất đặc biệt".
Trong những năm trước dịch COVID-19, hãng luôn là một trong những doanh nghiệp đứng đầu trong nhóm có vốn hóa lớn, tài chính minh bạch, khả năng sinh lời cao trên HoSE. Tuy nhiên, dịch bệnh là yếu tố ảnh hưởng mang tính khách quan đã tác động nghiêm trọng đến ngành hàng không, và các hãng đều rơi vào tình trạng tương tự.
“Chúng tôi tin rằng cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố này khách quan, thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Hiền nói.
Kế toán trưởng hãng hàng không quốc gia cho biết hiện hãng đang xây dựng, triển khai các đề án tái cơ cấu, trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. “Vietnam Airlines phải tiến tới có lãi, đảm bảo khả năng thanh toán để phục vụ hoạt động kinh doanh. Đồng thời có giải pháp đồng bộ để khắc phục hậu quả của dịch COVID-19”.
Về kết quả tài chính, năm 2022, công ty mẹ Vietnam Airlines đạt doanh thu 50.214 tỷ đồng, hợp nhất 71.775 tỷ đồng. Số lỗ trước thuế của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là 8.841 tỷ đồng và 10.945 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là âm 3.579 tỷ đồng và âm 11.056 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đã thua lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, một số cổ đông đặt câu hỏi về nguy cơ bị hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.
Về dòng tiền hoạt động kinh doanh, vị lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng đã cân đối để đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2023-2024 có thể tự cân đối thu chi, thông qua các giải pháp điều hành hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ. “Chúng ra chỉ cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi trở lại, cũng cần một thời gian không dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng các yêu cầu của HoSE và luật chứng khoán”, ông Trần Thanh Hiền khẳng định.
Vị này cho biết thêm hiện hãng đã chuẩn bị trên 7.000 tỷ đồng để đảm bảo trả các khoản nợ trong năm nay. Dự kiến nợ quá hạn tính cuối năm nay còn khoảng 8.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch xóa lỗ lũy kế, ông Hiền cho biết nếu chỉ dựa vào hoạt động kinh doanh thì sẽ rất lâu mới xóa hết khoản lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng có các giải pháp về tái cơ cấu tài sản (bán tàu bay cũ, bán và cho thuê tàu bay…), danh mục đầu tư (thoái vốn công ty con), có thêm các nguồn thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, hãng sẽ xem xét việc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ tài chính khác để bổ sung nguồn vốn.
“Doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề trả các khoản nợ tạm hoãn trước, sau đó là giải quyết vấn đề âm vốn chủ và xoá lỗ lũy kế”, ông nói.
Theo báo Người lao động, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.
Tại đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023; Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của Công ty, kết quả hoạt động của HĐQT, Tổng giám đốc; Báo cáo tiền lương và thù lao của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thực hiện năm 2022...
Vân Anh (T/h)