Đình chỉ giao dịch cổ phiếu GTT
Theo thông báo trước đó của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ hôm nay (15/12), 29 mã chứng khoán trên UPCoM sẽ chính thức bị đình chỉ giao dịch. Lý do là các tổ chức giao dịch chưa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.
Đáng chú ý, trong danh sách 29 mã chứng khoán bị đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12, nhiều cổ phiếu trong đó thuộc về doanh nghiệp của các đại gia nổi tiếng một thời.
Có thể kể đến cổ phiếu GTT của Công ty CP Thuận Thảo, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "Bông hồng vàng" trong giới kinh doanh Phú Yên.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GTT từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh là 13.900 đồng). Doanh nghiệp này đặt tham vọng huy động vốn để trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu thị trường phía Nam.
Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh không khả quan, các dự án đầu tư kém hiệu quả, thị giá GTT thời điểm lên cao nhất chỉ đạt xấp xỉ 15.500 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) vào tháng 1/2014, sau đó là chuỗi ngày đi ngang và giảm liên tục. Đến tháng 6/2016, 43,5 triệu cổ phiếu GTT bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài và phải chuyển xuống giao dịch tại UPCoM.
Trước khi bị cơ quan quản lý đình chỉ giao dịch, mỗi cổ phiếu GTT chỉ có giá 300 đồng và thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản.
Doanh nhân Võ Thị Thanh là ai?
Về Công ty Thuận Thảo của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, đây từng là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực vận tải phía Nam. Công ty này là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên sở hữu khách sạn 5 sao, siêu thị ở Phú Yên và cũng là doanh nghiệp đầu tiên sở hữu bến xe khách tư nhân của cả nước.
Theo tạp chí Người đưa tin, bà Võ Thị Thanh sinh năm 1955 tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Khởi nghiệp từ một tổng đại lý phân phối hàng hóa trong những năm 1985 - 1996 với hai lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải và thương mại. Tháng 1/1997, bà Võ Thị Thanh thành lập doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo với 5 xe tải. Năm 2000, bà quyết định đầu tư nâng cấp thương xá Thuận Thảo thành siêu thị mini Thuận Thanh.
Năm 2004 bà Võ Thị Thanh Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo - thành lập công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn với mục tiêu lấn sân bất động sản sau “đại thắng” trong vận tải hành khách. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình dân dụng. Sau gần 10 năm hoạt động, công ty được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.
Ngoài ra Thuận Thảo cũng là chủ đầu tư nhiều công trình biểu tượng như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe – khách sạn 5 sao đầu tiên, Nhà hát Sao Mai...
Nhờ những thành công trên, từ năm 2006 - 2011, bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng Vàng. Đây cũng là một thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên và từng có tiếng tăm trên cả nước.
Được biết, bà Võ Thị Thanh từng giữ các vị trí quan trọng như: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ban chấp hành Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Phú Yên.
Từng “đại thắng” trong vận tải hành khách, thế nhưng khi chuyển sang mảng bất động sản, doanh nghiệp của bà Thanh lại rơi vào cảnh lao đao.
Theo tạp chí Tri thức, trong khi du lịch Phú Yên thời điểm đó chưa phát triển cùng với thị trường bất động sản đóng băng đã khiến doanh nghiệp của nữ đại gia thua lỗ và đối diện nguy cơ phá sản.
Điển hình trong số những dự án từng được công ty "ôm mộng" lãi trăm tỷ là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của tỉnh Phú Yên hiện nay. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm hồ bơi, phòng họp hiện đại... được đánh giá là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của công ty trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.
Từ năm 2017, hoạt động kinh doanh của Thuận Thảo thường xuyên rơi vào thua lỗ. Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố, tính đến tháng 9/2020, lỗ lũy kế của Thuận Thảo đã vượt 1.500 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ là hơn 435 tỷ, dẫn tới khoản âm vốn chủ sở hữu hơn 1.075 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 1.746 tỷ đồng đến cuối quý III/2020 (97% là nợ ngắn hạn) trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ còn vỏn vẹn 10 tỷ đồng.
Vân Anh(T/h)