(ĐSPL) - Nhiều người dân nghèo tỉnh Nghệ An đang đứng trước nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” vì lỡ “dính” vào “con đường làm giàu nhanh chóng” của những nhân viên cơ sở bán hàng đa cấp.
Không còn là “bão”, loại hình kinh doanh đa cấp tràn về nhiều vùng nông thôn miền Trung, kéo theo hàng nghìn giấc mơ đổi đời và cả những câu chuyện cười ra nước mắt của không biết bao nhiêu phận người.
Loại hình kinh doanh đa cấp tràn về nhiều vùng nông thôn với mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, ... (Ảnh minh họa) |
Những nạn nhân lên tiếng
Trong vai một người đang tìm việc làm, chúng tôi đã thâm nhập cơ sở kinh doanh đa cấp Hoàng Giang Phúc (HGP) đặt tại thị trấn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để bóc mẽ những chiêu thức “dụ mồi” này.
Vừa sáng sớm, có hàng trăm người tụ tập đến để tìm hiểu và tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp tại cơ sở HGP. Họ là những người của công ty và cả những người sắp là thành viên của công ty. Họ ở đủ mọi lứa tuổi, có những bà tóc đã bạc phơ, mắt đeo kính cũng theo lời giới thiệu của bạn bè, người thân đến đây để trở thành chuyên viên kinh doanh.
Khi trực tiếp nghe lời có cánh và được “tai nghe mắt thấy” những con người thành đạt, ai cũng dấy lên niềm tin về một ngày mai xán lạn, thành công.
Giữa đám đông đang huyên náo, một người đàn ông tên Nguyễn Đăng T., chuyên viên kinh doanh của công ty Thiên Ngọc Minh Uy đang rao giảng “bài ca” bán hàng đa cấp. Được biết, trụ sở chính của công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đặt tại Hà Nội. Ở Nghệ An có 5 chi nhánh, nằm rải ở các huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, huyện Nghĩa Đàn, huyện Yên Thành, TP.Vinh.
Tổng lượt người tham gia bán hàng đa cấp vào năm 2013 là 1.088 người (theo báo cáo của phòng Cảnh sát điều tra PC46, Công an tỉnh Nghệ An).
Thời gian gần đây, cơ sở HGP đã lôi kéo rất nhiều người dân tại các địa bàn nông thôn tỉnh Nghệ An tham gia kinh doanh bán hàng đa cấp. Đa số mọi người nộp tiền mua hàng để tham gia các chương trình dự thưởng.
Một tháng, công ty sẽ tiến hành đại hội chia thưởng 1 lần. Hàng bán ra chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, giá trị cao gấp 3 - 10 lần giá thị trường.
Để tăng doanh số bán hàng, cơ sở này tung ra nhiều chiêu khuyến mãi như Kim Mã tỏa sáng, Linh Long hồi xuân... Điều kiện tham gia thành viên là phải mua 1 gói sản phẩm (ký hiệu MS) giá thấp nhất là 10,7 triệu đồng, trong vòng một năm sẽ nhận được 25 triệu đồng, tuy nhiên, số tiền đó sẽ nhận nhiều lần. Mỗi lần nhận phụ thuộc vào doanh số bán hàng của toàn hệ thống công ty. Nếu doanh số bán hàng chưa đạt định mức công ty đặt ra, khách hàng (hay còn gọi là người công ty) chưa được nhận tiền khuyến mãi.
“Được người thân giới thiệu đến đây, thấy kiếm tiền rất dễ nên tôi đã mua 6 gói sản phẩm của cơ sở HGP cách đây 1 tháng. Là hợp đồng bán hàng nhưng tôi không cần phải bán hàng. Nếu giới thiệu được người vào hệ thống kinh doanh bán hàng đa cấp, công ty sẽ “trích” lại 1,2 triệu đồng/người. Bạn của mình giới thiệu người khác vào, mình cũng sẽ được trích phần trăm, ăn rồi ở nhà vẫn có... cả trăm triệu đồng ”, chị Hoa, người dân xã Diễn Hồng, tỉnh Nghệ An là thành viên cơ sở bán hàng đa cấp cho hay.
Bán hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng
Lĩnh vực kinh doanh của các công ty bán hàng đa cấp thường là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc, thực phẩm chức năng. Những sản phẩm này đều được quảng cáo là hàng ngoại nhập nhưng thực tế thì chẳng rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Điều đáng nói là chúng được bán với giá “trên trời”. Vậy, các công ty trên đã dùng “chiêu” gì để “câu” mà vẫn có nhiều người mua?
Khi “con mồi đã cắn câu”, để tạo niềm tin, công ty sẽ ký kết một hợp đồng kinh doanh bán hàng đa cấp, giao cho khách hàng chiếc thẻ chuyên viên kinh doanh của công ty, mã hàng. Sau đó, họ tham dự các hội thảo được tổ chức ở nhiều nơi, quy mô và rất bài bản, khiến cho “con mồi”, ngày càng tin tưởng.
Sau đó, nhân viên công ty lại dụ dỗ khách hàng mới mua thêm nhiều gói sản phẩm khác nữa để được hưởng nhiều ưu đãi. Với chiêu trò đó, các công ty này đã dụ dỗ được rất nhiều người tham gia là thành viên bán hàng đa cấp.
Điển hình là trường hợp của chị Nguyễn Thị A., giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn TP. Vinh. Theo chị A. kể lại, chị được người bạn là V., giáo viên trường THCS Hưng Lộc, cùng anh Nguyễn Cảnh Hải (trú tại phường Hưng Lộc) mời đi uống cà phê. Tại đây, chị V. và anh Hải đã chia sẻ việc tham gia kinh doanh thực phẩm chức năng cho công ty CP quốc tế N.S., có trụ sở tại Hà Nội.
Là chỗ quen biết lâu năm nên chị A. rất tin tưởng những người bạn của mình. Sau khi được giới thiệu về công ty, chị A. đã mua gói sản phẩm mã Vàng trị giá 11,9 triệu đồng.
Sau đó chị A. được cung cấp dãy số ID, hướng dẫn vào trang web của công ty để đăng nhập vào trang cá nhân của mình. Ít ngày sau, anh Hải lại thông tin, thời gian này, công ty đang thực hiện tổ chức khuyến mãi, gói mã Vàng được giảm đến 1 triệu đồng.
Thấy lợi nhuận lớn, chị A. đã âm thầm lấy chứng minh nhân dân của bố đẻ, của chồng, mẹ chồng, anh em và kể cả của bà giúp việc để đăng ký tham gia. Tiền mua gói sản phẩm, chị A. lén lấy của nhà và vay mượn thêm.
Theo chị này, công ty có 3 gói sản phẩm gồm gói mã Vàng, gói sản phẩm mã Bạc và gói mã Đồng. Tham gia mua bất kỳ gói sản phẩm nào, người mua sẽ được hai quyền lợi. Thứ nhất, được nhận các sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu của Mỹ tương xứng với tiền; thứ hai, được công ty cấp một dãy số ID gồm 12 con số, để làm nhân viên kinh doanh (mời người tham gia mua gói sản phẩm của công ty) để hưởng hoa hồng.
Người có điều kiện thì mua gói mã Vàng, nếu không có điều kiện thì mua gói mã Đồng cũng được. Mua gói mã Vàng, sau đó, chị A. chỉ cần mời được thêm 2 người mua gói tương ứng sẽ được hoa hồng 5 triệu đồng.
Sau khi nộp tiền, chị A. chỉ nhận được 4 hộp ghi sụn vi cá mập, 1 hộp Omega 3 có trị giá mỗi hộp 1,2 triệu đồng. “Những người tôi đăng ký cũng được công ty cung cấp dãy số ID nhưng không được giao sản phẩm thực phẩm chức năng. Dù vậy, tôi vẫn rất tin, bởi khi vào trang cá nhân, cứ mời được 2 người tham gia thì số tiền hoa hồng lại tăng vọt.
Cho đến khi tôi mời được 27 người tham gia, nhưng không được công ty trả sản phẩm thực phẩm chức năng thì bắt đầu lo lắng vì không khéo, vừa mất tiền, lại mất uy tín với người thân”, chị A. bộc bạch.
Thấy vậy, chị A. hỏi người đại diện ở Nghệ An là anh Nguyễn Cảnh Hải để lấy tiền hoa hồng, anh này hứa hẹn ngày này qua ngày khác. Khi nghe tin công ty sẽ tổ chức lễ tri ân, bốc thăm trúng thưởng cho những người đã tham gia mua gói sản phẩm từ tháng 4 - 6/2015 (người trúng thưởng sẽ được 37 triệu đồng), chị A. đã ra Hà Nội.
Tại đây, nhân viên của công ty lại kêu gọi mọi người mua gói sản phẩm để được bốc thăm. Đến lúc này, chị A. và nhiều người khác mới biết là mình đã bị lừa.
Chị A. tâm sự: “Tôi mời 27 người tham gia mua gói sản phẩm, tổng số tiền là 240 triệu đồng; tiền hoa hồng của tôi là 56,8 triệu đồng. Bên phía công ty hứa ngày 31/6, sẽ trả tiền hoa hồng. Vậy nhưng đến ngày 31/6, công ty không trả cho tôi một đồng tiền hoa hồng nào. Thông qua báo chí truyền thông, tôi muốn cảnh tỉnh những người nhẹ dạ tránh bị các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp lừa đảo”.
THIÊN QUYỀN
[mecloud]YokQr7xkKO[/mecloud]